Ông bà ta có câu: “Một sự nhịn chín sự lành”. Hơn ai hết, chị em phụ nữ với lòng vị tha, nhân hậu, họ thường nhẫn nhịn, chịu đựng những sai trái, lỗi lầm của người bạn đời. Sự nhẫn nhịn, chịu đựng một bề của các bà vợ nếu vượt giới hạn sẽ trở thành sự cam chịu.

05:11 20/04/2019

Vợ chồng chị Hòa quê ở Vĩnh Phúc vào TP.HCM để kiếm kế sinh nhai gửi hai đứa con cho ông bà ngoại ngoài quê trông giúp. Chị Hòa bán cua đồng ngoài chợ. Nhờ có duyên mua bán nên chị cũng kiếm được đồng ra đồng vào.

Anh Hòa tiếng là đi làm phụ hồ nhưng anh ta chỉ làm bữa đực bữa cái, được đồng nào là xào luôn đồng ấy ở các chầu nhậu. Một mình chị Hòa phải xoay xở lo toan, chắt bóp mỗi tháng gửi tiền về quê cho con ăn học. Vậy mà vẫn không được yên thân, cứ hết tiền tiêu xài là anh Hòa lại moi tiền vợ. Chị mà không đưa, lập tức bị anh chửi bới, đánh đập.

Đã vậy, anh ta còn công khai bồ bịch nhăng nhít với mấy cô bia ôm. Chị Hòa chỉ biết khóc, cố nhịn không lên tiếng.  

Chị em bạn hàng ai cũng khuyên chị nên vứt bỏ “cục nợ đời” đó nhưng chị Hòa không có can đảm. Chị cho rằng: “Chẳng hay ho gì chuyện bỏ chồng, méo mó có còn hơn không. Cũng do số kiếp mình hẩm hiu, thôi đành nhẫn nhục sống qua ngày để con cái có cha”.

Những cảnh ngộ như chị Hòa không phải là chuyện hiếm. Có không ít chị em dù bị chồng hành hạ ngược đãi vẫn âm thầm cam chịu, nuôi hy vọng một ngày nào đó chồng mình sẽ thay đổi trở thành người đàng hoàng, sống có trách nhiệm với vợ con.

Ảnh minh họa: Internet

Tâm lý người >phụ nữ vẫn không muốn mang tiếng là bị chồng ruồng rẫy, họ sợ thiên hạ chê cười nên thường cố níu kéo để cuộc hôn nhân khỏi đổ vỡ. Không ít trường hợp bị chồng đưa ra tòa như một kẻ có tội, mặc dù họ mới là nạn nhân, người vợ vẫn một mực không chịu kí vào đơn, cố gắng níu kéo cuộc hôn nhân.

Chị Nho là công nhân khu chế xuất Tân Thuận. Chồng chị là một người đàn ông rất gia trưởng theo kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Mọi việc trong nhà đều do chồng chị định đoạt, chẳng thèm đếm xỉa đến ý kiến của vợ. Nếu chị không đồng tình với là lập tức anh ta quát tháo chửi rủa om xòm. Không ít lần chị còn ăn bạt tai hay chịu những cú đấm như trời giáng vì cái tội dám làm trái ý chồng. Mỗi khi công việc làm ăn trục trặc, anh ta thường “giận cá chém thớt” trút mọi nỗi bực tức lên đầu vợ. Khi sắp sinh con đầu lòng, chị bị chồng bắt thôi việc ở nhà. Trong khi tiền cho vợ đi chợ thì anh ta phát mỗi ngày còn bản thân anh ta lại tiêu xài rất thoải mái, vui chơi xả láng.

Ảnh minh họa: Internet

Điều khiến chị buồn tủi nhất là thường bị chồng nhiếc móc là đồ vô dụng, đồ ăn bám. Chị thấy thân phận mình chẳng khác nào đầy tớ không công cho chồng. Nhiều khi cách cư xử thô bạo độc đoán của chồng khiến chị uất ức tưởng như không thể chịu đựng nổi. Đôi lúc chị thoáng có ý định ly dị, nhưng nghĩ đến đứa con còn nhỏ lại hay quặt qụeo đau yếu, bản thân thì không có việc làm mà cũng chẳng có chút vốn liếng giắt lưng để xoay xở, nên chị vội từ bỏ ngay ý định đó. Chị cam chịu sống một cuộc sống không biết đến hạnh phúc.

Trong cuộc sống vợ chồng, sự nhẫn nại, nhường nhịn, khoan dung của chị em là điều rất đáng quý. Nhưng không phải trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng nhẫn nhục chịu đựng, không dám đấu tranh với những thói hư tật xấu của chồng.

Ảnh minh họa: Internet

Mối quan hệ vợ chồng phải được dựa trên sự bình đẳng, không thể để tồn tại cảnh  “chồng chúa vợ tôi” trong gia đình. Chị em cũng cần suy xét xem sự níu kéo hạnh phúc gia đình của mình liệu có đem lại kết quả hay không, có cơ sở nào cho thấy chồng mình rồi sẽ tu tỉnh? Nhiều khi, sự cam chịu một bề của người vợ  khiến cho cuộc sống của bản thân và gia đình càng lâm vào cảnh bế tắc không lối thoát.

Theo Hà Thân/Thế Giới Tiếp Thị Online
Tags