Nhiều người Mỹ phải bỏ ra hơn 15.000 USD để ly hôn. Số tiền quá lớn, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế khó khăn khiến nhiều người quyết định "ở lại".

Quỳnh Anh (T/h) 08:03 07/01/2024
 

Theo một khảo sát của trang web hẹn hò Icilit Encounters vào tháng 12/2023, gần một phần ba số người đã có >gia đình tham gia khảo sát cho biết họ đang trì hoãn kế hoạch ly hôn vì tình hình tài chính.

Trong đó, 18% thừa nhận việc ly hôn là “hoàn toàn không thể” vì những hạn chế tài chính mặc dù họ đang trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. 37% người khảo sát cho biết họ đã duy trì mối quan hệ của mình lâu hơn một năm vì không có chi phí ly hôn.

Ảnh minh họa.

Những thống kê này được đưa ra trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và lạm phát vẫn ở mức cao tại Mỹ. Thậm chí, một số gia đình còn không đủ khả năng chi trả những chi phí thiết yếu, tiền thuê nhà. Kết quả là, nhiều cặp vợ chồng không hạnh phúc vẫn trì hoãn việc ly hôn để tiếp tục lo cho cuộc sống.

Năm 2019, chi phí ly hôn trung bình ở Mỹ là 12.900 USD (khoảng 314 triệu đồng), chưa tính đến các chi phí nếu vợ chồng giành quyền nuôi con hoặc những thay đổi trong cuộc sống sau khi ra ở riêng. Đến năm 2023, số tiền này được ước tính là hơn 15.000 USD (khoảng 365 triệu đồng).

Nhìn chung, chi phí pháp lý cho một vụ ly hôn thường lấy đi khoảng 10% giá trị của >bất động sản, có nghĩa là mỗi bên thường sẽ nghèo đi ít nhất một nửa vào thời điểm hoàn tất thủ tục ly hôn.

Chia sẻ về thực trạng này, nhà tâm lý học David Helfand cho biết: "Tiêu chuẩn sống thường giảm đáng kể đối với các cặp vợ chồng ly dị vì họ phải nỗ lực nhiều hơn để tìm kiếm ngôi nhà riêng và nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường phải chịu đựng nhiều hơn sau khi hôn nhân tan vỡ".

Theo các chuyên gia ly hôn, nếu người trụ cột gia đình do dự về việc ly dị vì phải chia tài sản, trợ cấp nuôi con thì những người từng ở nhà cũng lo sợ không kém khi không còn an toàn về mặt tài chính và phải đi làm lại.

Chi phí cho hai gia đình tốn kém hơn nhiều so với một, nhiều người thấy mình không sẵn sàng chấp nhận gánh nặng tài chính sau khi được giải phóng khỏi cuộc hôn nhân, dẫn đến một số hậu quả không chính thống.

Nhà tâm lý học Helfand cho biết đã chứng kiến nhiều cặp vợ chồng tìm quan hệ ngoài luồng thay vì ly hôn. Họ gọi đây là "đôi bên cùng có lợi".

 

Ảnh minh họa.

Theo nhà phân tích tài chính Patrick Baranowsky, nếu như trước kia những lo ngại về tài chính khi ly hôn chủ yếu tập trung ở những người có thu nhập thấp thì nay đã lan sang cả những gia đình trung lưu hoặc thu nhập cao.

"Sau nhiều năm lạm phát thấp và thịnh vượng, ngay cả tầng lớp trung lưu, thượng lưu cũng nhận thấy mình đang gặp khó khăn về tài chính", ông nói.

Mặc dù ly hôn không bao giờ chỉ là vấn đề tài chính đơn thuần mà là câu chuyện của cảm xúc và các yếu tố gia đình, nhưng sau cùng tính kinh tế sẽ đè nặng lên những người đang phải đối phó với chi phí sinh hoạt cao.

Nico Shanel là một bà mẹ nội trợ đã không đi làm trong 5 năm kể từ khi kết hôn. Khi nghĩ về vấn đề ly hôn, cô cho biết đã cân nhắc trong một thời gian vì bản thân không có thu nhập hoặc tiền tiết kiệm của riêng mình và các con cô cần được chăm sóc. Vì vậy, giống như nhiều người khác, cô quyết định ở lại với chồng lâu hơn để đảm bảo các con được chăm sóc chu đáo và bản thân có nguồn hỗ trợ tài chính.

"Tiền cho bạn sức mạnh để tìm kiếm tự do. Vì vậy, khi không chắc chắn về tài chính, bạn rất dễ cảm thấy bị mắc kẹt trong tình huống của mình", cô thổ lộ.

Jackie Pilossoph, người sáng lập Divorced Girl Smiling, cho biết trong khi những người khác có thể phán xét những người duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì lý do tiền bạc, thì cuối cùng đó lại là một lựa chọn mang tính cá nhân vô cùng hợp lý.

 

 

 

Điều đáng buồn là nếu mọi người tự do tài chính hơn, sẽ có nhiều cuộc ly hôn hơn, vị chuyên gia này kết luận.

Theo Phương Anh/Gia đình Việt Nam
Tags