Người ta bảo “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”, nhưng thực ra hôn nhân chẳng chôn ai cả, nó chỉ khiến người ta “hiện nguyên hình” mà thôi. Càng sống với nhau lâu thì càng lộ rõ nhiều tật xấu. Vậy thì phải làm sao để đối phó với chồng lười? Hãy thử tham khảo những tuyệt chiêu dưới đây xem!
Đừng ôm đồm tất cả mọi thứ
Khi yêu bạn hạnh phúc khi được chăm sóc người ấy, tình yêu của bạn đã đi qua đường dạ dày của anh ấy để đến được trái tim. Bây giờ bạn vẫn tiếp tục làm điều đó, nhưng hãy tỉnh táo lại nào. Mọi việc vẫn ổn cho đến khi bạn có con và bận trăm công nghìn việc. Hãy tìm cách san sẻ việc nhà với chồng ngay từ đầu, từ những việc nhỏ nhặt nhất. Kể cả anh ấy vụng về, quét nhà không sạch, rửa bát toàn làm sứt mẻ thì bạn vẫn nên để anh ấy tập làm dần cho quen. Bạn cũng đừng chê trách nếu như chồng làm không vừa ý bạn, kẻo anh ấy sẽ phật lòng mà không muốn giúp bạn nữa.
Cuộc sống là không công bằng, việc phân chia việc nhà cũng vậy!
Bill Gates có câu nói: "Cuộc sống vốn không công bằng, vì thế phải thích nghi với điều đó". Việc phân chia việc nhà cũng vậy, bạn không thể đòi hỏi một con số chính xác 50:50 được mà vẫn phải chấp nhận bạn sẽ phải làm việc nhà nhiều hơn, vất vả hơn. Vì thế nếu chồng giúp đỡ bạn việc nhà là điều rất đáng quý rồi, đừng cằn nhằn về việc ai phải làm nhiều hơn ai nhé!
Đừng ra lệnh cho chồng
Không ai muốn miễn cưỡng phục tùng mệnh lệnh của người khác cả, nhất là đàn ông có cái tôi rất lớn. Hãy sử dụng đến cái miệng mềm dẻo của bạn. Một vài lời dịu dàng chẳng chết ai mà lại còn khiến anh ấy hào hứng giúp bạn nữa đấy.
Hãy tin tưởng anh ấy
Khi đã nhờ chồng làm một việc gì đó, bạn hãy đặt 100% sự tin tưởng vào anh ấy. Đàn ông có suy nghĩ và phương pháp riêng, đừng có đứng dạy bảo họ từng bước một. Họ không phải là một đứa trẻ! Khi chồng hoàn thành công việc, hãy trân trọng điều đó và đừng có dại mà làm lại từ đầu. Nếu thấy có chỗ nào chưa ổn, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở anh ấy. Nếu bạn làm lại thì lần sau anh ấy sẽ để bạn làm luôn đấy!
Hãy nhẫn nại
Dù nhiều lần bạn giục chồng đến mỏi mồm mà anh ấy vẫn không chịu nhúc nhích làm gì cả, đừng vội nản, hãy thật kiên nhẫn trong trường hợp này. Bạn đừng vì bực bội mà tự mình làm hết mọi việc, chồng sẽ càng lười hơn.
Hãy giao việc một cách rõ ràng
Bạn đừng gắt um lên rằng nhà cửa bẩn thế, con cái chưa tắm, bát chưa rửa mà sao chồng vẫn ngồi bình thản xem tivi. Hãy giao việc cho chồng một cách thật rõ ràng, càng cụ thể càng tốt. Ví dụ như: "Anh quét giúp em cái nhà". Hoặc cho chồng lựa chọn: "Bây giờ anh muốn tắm cho con hay đi đổ rác?" Anh ấy sẽ hiểu được nhiệm vụ cụ thể mà mình phải hoàn thành thay vì phải nghe lùng bùng bên tai những lời phàn nàn.
Trong gia đình, một số việc nhất định hãy để dành cho chồng làm, như sửa cái bóng đèn, vặn lại cái vòi nước. Kể cả bạn làm được cũng nên để chồng làm những việc đó.
Việc hôm nay chớ để ngày mai
Nếu chồng viện cớ thoái thác "để mai tính", bạn hãy chỉ ra cho chồng thấy những hậu quả của việc trì hoãn. Ví dụ ống nước bị rò rỉ sẽ khiến hóa đơn tiền nước tháng này tăng cao hoặc nếu không sửa bóng đèn, con sẽ dễ bị vấp ngã, cụng đầu vào đồ vật.
Đừng quên tặng chồng lời khen khi anh ấy hoàn thành công việc
Lời nói chẳng mất tiền mua mà lại trở thành công cụ vô cùng hiệu quả trong việc khích lệ người khác. Đừng tiết kiệm lời khen khi chồng đã dành thời gian để giúp bạn một việc gì đó. Kể cả khi đó là trách nhiệm của anh ấy thì một lời khích lệ cũng đâu khiến bạn tổn hại gì.