Bạn có tự hỏi vì sao có những cặp đôi ‘đúng người, đúng thời điểm’, tưởng như hoàn hảo dành cho nhau nhưng vẫn cứ chia tay?
Đôi khi, chúng ta vẫn khiến bản thân và ‘người ấy’ tổn thương mà không hề hay biết.
1. Bị ám ảnh bởi hai từ ‘Giá như’
Chúng ta thường luôn tìm thấy một điểm gì đó cần thay đổi ở mối quan hệ của mình. ‘Giá như’ bạn trai kiếm nhiều tiền hơn mình, ‘giá như’ cô ấy bớt cằn nhằn chuyện uống rượu của mình, ‘giá như’ anh ấy cũng tặng mình mấy món quà lãng mạn như ‘gấu nhà người ta’…
Chúng ta cho rằng đó chỉ là những mong muốn bình thường, nhưng sự không thỏa mãn ấy sẽ luôn thể hiện ra với người yêu bằng cách này hay cách khác.
Ta không hay biết rằng trong lúc ấy, ta đã bỏ lỡ biết bao khoảnh khắc để trân trọng mối quan hệ của mình hơn.
2. Quá bận tâm về đánh giá của mọi người xung quanh
Nếu tất cả gia đình bạn bè của bạn đều không ưa người yêu bạn, đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Nhưng sau tất cả, chỉ có bạn mới hiểu rõ người mình yêu nhất.
Nhiều chị em mỗi khi gặp trục trặc với người yêu liền ngay lập tức bốc điện thoại lên để tâm tình với bạn thân hay thậm chí là đưa lên các diễn đàn như Tâm sự Eva để trút bầu tâm sự.
Tuy nhiên, bởi câu chuyện thường chỉ được kể từ góc nhìn chủ quan, nên ‘hội chị em bạn dì’ thường đưa ra những lời khuyên mang màu tiêu cực mà bỏ qua những mặt tốt trong mối quan hệ của bạn.
Ngược lại, có nhiều người quá hạnh phúc với mối quan hệ của mình đến nỗi không nhịn nổi việc ‘khoe’ lên mạng xã hội. Bên cạnh những bình luận tích cực, rất có thể sẽ kèm theo những câu ‘đâm bị thóc chọc bị gạo’ của ai đó, và bạn lại mất thời gian nghĩ ngợi.
3. Thiếu cảm thông
Dù là người yêu đi nữa thì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể hiểu và đồng cảm với nhau. Tuy nhiên, dù bạn có thể không hiểu tại sao bạn gái lại nhạy cảm thế hay vì sao người yêu bị ám ảnh bởi ‘mấy trò bóng bánh’, hãy hiểu rằng luôn có một nguyên nhân nào đó.
Lần tới, thay vì nói những câu như ‘Đừng buồn nữa’, ‘Anh thử nghĩ tích cực lên xem’, hãy chấp nhận rằng mỗi người có một cách phản ứng khác nhau, và việc với bạn là quá đỗi bình thường thì với người yêu bạn lại có thể vô cùng đặc biệt.
4. So sánh người mới với người yêu cũ
Đừng so sánh, dù chỉ trong suy nghĩ đi chăng nữa! Những điều trong quá khứ đôi khi thường đẹp đẽ hơn thực tế, trong khi những gì bạn đang có ở hiện tại mới là quan trọng nhất.
Hãy tự hỏi mình rằng liệu bạn sẽ cảm thấy thế nào, nếu khi ở bên bạn mà người yêu vẫn đang so sánh với một bóng hình nào khác?
5. Cố gắng thay đổi người yêu
Bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao có hàng ngàn cuốn sách và khóa học về thay đổi bản thân, nhưng không có mấy cuốn sách nói về việc thay đổi người khác không?
Không một ai có thể thay đổi người khác ngoại trừ chính bản thân người ấy.
‘Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời’, bạn có thể khích lệ người yêu bao nhiêu tùy thích, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần rằng người ấy rất có thể sẽ ‘trước sau như một’.
Bạn có hai lựa chọn, hoặc chấp nhận con người thật của họ như nó vốn có, hoặc tìm một người khác thích hợp hơn dành riêng cho bạn.
Đừng cố gắng thay đổi ai đó, bởi đâu có gì chắc chắn rằng hình mẫu sau khi đổi thay ấy thực sự là ‘nửa kia’ của bạn?
6. Chịu đựng âm thầm, bùng nổ ầm ầm
Trong khi hẹn hò, có ti tỉ thứ của người ấy có thể khiến bạn ‘phát điên’ – thói quen trễ hẹn của nàng, đam mê chơi điện tử quên trời quên đất của anh ấy, hay việc anh ấy vẫn nhắn tin thân mật với cô ‘em kết nghĩa’…
Nếu không mở lòng chia sẻ ngay mỗi khi cảm thấy có gì đó ‘sai sai’ trong mối quan hệ của mình, tất cả sẽ tích tụ và trở thành một quả bom nổ chậm.
Đừng hỏi vì sao vào một ngày đẹp trời nào đó, một cuộc tranh cãi nho nhỏ có thể châm ngòi cho cả hai ‘bốc hỏa’ và dẫn đến chia tay.
7. ‘Ghi sổ nợ’ những gì cho đi và nhận lại
Điều này thường gặp trong rất nhiều mối quan hệ - ta cho đi với những mong muốn tốt nhất nhưng đồng thời, cũng xem xét xem liệu có nhận được những gì tương xứng.
Điều này không hoàn toàn sai, nhưng nếu duy trì như một thói quen, nó sẽ khiến mối quan hệ có một sự căng thẳng ngấm ngầm.
Mỗi người đều có nguồn lực và độ nhạy cảm khác nhau, nghĩ ngợi quá nhiều sẽ khiến cho tình yêu mất đi sự vô tư và hình ảnh của ‘người ấy’ xấu đi một cách không đáng có.
8. Tỏ ra nhạy cảm thái quá
Tự so sánh mình với người khác khiến bạn mất đi sức hấp dẫn
Có rất nhiều biểu hiện của việc nhạy cảm quá đà: Ghen tuông vô cớ, sợ bị bỏ rơi, luôn ủ rũ buồn bã và cần được người kia ở bên 24/7. Dù là gì đi nữa, nó đều khiến người yêu bạn ngày càng mệt mỏi.
Nguyên nhân của sự nhạy cảm ấy hiếm khi là bắt nguồn từ người yêu, mà có thể là từ sự tự ti của chính bản thân.
Cách tốt nhất là tìm lấy sự cân bằng trong chính mình – bằng cách sở thích riêng, thời gian cho gia đình và những người bạn thân thiết, hay có thể là đi đến một vùng đất mới để ‘đổi gió’.
Hãy nhớ, trước khi lọ lem gặp được hoàng tử, nàng đã phải rũ bỏ cảm giác tự ti để bước tới bên chàng và vượt qua mối bận tâm về ti tỉ ‘vệ tinh’ bên cạnh.
9. ‘Đốt cháy giai đoạn’
Con người có thói quen gắn mỗi giai đoạn của mối quan hệ với một cảm giác thành tựu nào đó, và cho là mình sẽ hạnh phúc hơn nếu đạt đến giai đoạn mới.
Khi có nụ hôn đầu, ta sẽ tự hỏi khi nào sẽ là ‘lần đầu tiên’? Có nhiều chàng trai mong muốn mình và người yêu mau chóng thuộc về nhau mà không để tâm đến việc liệu cả hai đã sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những cảm xúc của mình.
Ngược lại, có nhiều cô gái tin rằng đích đến hạnh phúc là hôn nhân trước khi đủ hiểu về ‘người ấy’ – bạn đã chuẩn bị tinh thần rằng chàng trai tuyệt vời trước mắt bạn có thể sẽ thay đổi 180 độ khi trở thành chồng hay chưa?
Hãy trân trọng khoảnh khắc này, khi bạn được yêu và có ai đó để yêu thương.
Đừng nhìn người bạn yêu bằng con mắt phán xét, bởi người ấy cũng như bạn thôi, cũng luôn mong muốn nhận được tình yêu vô điều kiện.