Hầu hết các bé gái đều được dạy để tránh rủi ro và thất bại. Chúng được dạy luôn mỉm cười thật xinh đẹp, chơi những trò chơi an toàn và nhẹ nhàng, phải học chăm, học giỏi...
Một báo cáo về tuyển dụng cho thấy đàn ông sẵn sàng ứng tuyển vào một công việc, nếu họ đáp ứng 60% yêu cầu. Còn phụ nữ? Họ chỉ ứng tuyển nếu đáp ứng được 100% tất cả các tiêu chí của nhà tuyển dụng. Điều gì làm nên sự khác biệt này?
Nếu quan sát, bạn sẽ thấy có sự khác biệt rất lớn giữa cách dạy dỗ một bé gái và một bé trai của các bậc cha mẹ. Hầu hết các bé gái đều được dạy để có thể tránh rủi ro và thất bại một cách cao nhất. Chúng được dạy luôn mỉm cười thật xinh đẹp, chơi những trò chơi an toàn và nhẹ nhàng, đồng thời nỗ lực đạt điểm cao trong hầu hết các môn.
Các cậu con trai, ngược lại, sẽ được dạy các trò chơi mang tính tranh đấu, nhảy cho thật cao, chạy cho thật nhanh và bằng mọi cách phải bò đến đích. Như một lẽ tất yếu, chúng luôn nỗ lực để chiến thắng.
Theo thời gian, khi các cậu bé này trưởng thành và bước vào một cuộc thương thuyết để đạt được điều mình muốn, hoặc đơn giản chỉ là mời một cô gái mới quen đi chơi, chúng luôn sẵn sàng đối mặt và chấp nhận rủi ro. Và điều này xảy ra không chỉ một lần. Đó là thói quen mà các cậu trai của chúng ta đã được dạy dỗ và hình thành từ bé. Và nhờ lòng dũng cảm ấy, chúng nhận được phần thưởng xứng đáng.
Vào những năm 1980, nhà tâm lý học Carol Dweck đã quan sát những đứa trẻ lớp 5 ưu tú, xem chúng giải quyết bài tập như thế nào. Những bài tập được giao khá khó so với trình độ của chúng. Và Carol nhận thấy những đứa bé gái ưu tú bỏ cuộc rất nhanh. Những bé có IQ càng cao lại càng bỏ cuộc nhanh hơn. Những đứa bé trai ưu tú, ngược lại, xem khó khăn như là thử thách và không ngại đối đầu. Chúng rất giàu năng lượng và sẵn lòng nỗ lực gấp đôi.
Giáo sư Lev Brie, thuộc trường Đại học Columbia, cũng từng chia sẻ về trải nghiệm làm việc của ông với các sinh viên môn khoa học máy tính. Khi các sinh viên nam gặp trở ngại, họ sẽ đến gặp ông và hỏi: “Thưa giáo sư, hình như code của em có vấn đề”. Còn các sinh viên nữ sẽ bảo: “Thưa giáo sư, hình như em làm sai gì đó”. Một cách rõ ràng, các sinh viên nữ có khuynh hướng tự đổi lỗi cho mình nhiều hơn và luôn lo lắng sợ mình làm sai gì đó.
Phần lớn các nghiên cứu đều cho thấy ở cấp bậc lớp Năm, các học sinh nữ thường nổi bật hơn các học sinh nam ở mọi môn học, bao gồm cả Toán và Khoa học. Vì vậy, sự khác biệt về thành công ở giai đoạn trưởng thành phần lớn không do vấn đề năng lực. Nguyên nhân chính là cách mà bé trai và bé gái tiếp cận với thử thách. Và điều này sẽ không chỉ dừng lại ở những năm tiểu học. Nó sẽ định hình thói quen và tính cách của đứa trẻ cho đến tận khi chúng trưởng thành và chi phối mạnh mẽ mức độ thành công trong sự nghiệp của chúng sau này.
Hay nói cách khác, chúng ta đang nuôi dạy những cô gái của mình trở nên hoàn hảo và dạy các chàng trai của mình trở nên dũng cảm. Yếu tố dũng cảm chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ nữ ít hơn nam trong các phòng nghiên cứu khoa học, trong khối giám đốc điều hành, trong các cuộc họp thượng đỉnh… và ở những nơi khác mà bạn có thể thấy.
Để thay đổi điều này, hãy >dạy con gái của bạn dũng cảm, thay vì hoàn hảo! Hãy dạy cho chúng hiểu rằng không có vấn đề gì với việc không hoàn hảo! Hãy dạy chúng dũng cảm trong trường, trong công việc đầu đời và trong tất cả những khía cạnh khác có thể làm thay đổi cuộc đời chúng! Và quan trọng hơn hết, hãy cho các cô gái bé bỏng ấy thấy rằng chúng sẽ luôn được yêu thương và chấp nhận không phải vì chúng hoàn hảo, mà bởi vì chúng dũng cảm.