Tết vẫn là tết đó thôi. Bận rộn đến bao nhiêu mà cứ hân hoan, thênh thang bước qua thì mệt nhọc rồi cũng nhẹ tựa lông hồng.
Những ngày gần đây có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi đâu tiếng thở dài về thân phận của một người đàn bà ngày tết. Bao nhiêu chị em kêu khốn khó về tài chính, sự sợ hãi với nghĩa vụ, chức trách làm dâu hay nỗi niềm chạnh lòng khi không được về ngoại, chồng lại bên nặng bên khinh không nhắc nhiều đến quà biếu cho nhà ngoại… Những nỗi lòng ấy như khiến tôi thắt lại, bởi ít nhiều cuộc sống gần chục năm làm vợ của tôi cũng đều đã trải qua hết thảy. Nhưng rồi tôi lại ngồi công bằng mà hỏi, rốt cuộc mình có thích tết hay không?
Câu trả lời thật lòng là có! Bởi dù có kêu than nhiều đến bao nhiêu, những khó khăn chất chồng ra sao đi nữa thì khi một mùa xuân mới đang đến, ngày được sum vầy đoàn viên bên gia đình, được reo vui với trẻ nhỏ về niềm vui ngày tết… vẫn khiến lòng tôi chộn rộn nhưng theo cách thật bình yên.
Những cái tết xưa thời còn con gái tuy đã qua rất xa nhưng vẫn luôn còn vẹn nguyên kí ức trong tim tôi. Tôi nhớ mình đã từng ríu rít bên nồi bánh chưng nấu từ chiều tối đến tận nửa đêm. Lũ trẻ chúng tôi cứ chạy qua chạy lại trông coi, mồi thêm lửa, đợi bố vớt từng chiếc bánh ra, ép chặt cho nước ra hết rồi treo bánh lên đầy khắp chạn, lúc la lúc lỉu như những chú lợn con. Mỗi đứa lại được một chiếc bánh tí xíu làm của để dành, không dám ăn mà cứ mân mê, treo khắp các giá sách của mình.
Tôi nhớ năm nào đến khoảng 1 tháng trước tết, anh trai cũng lại gieo xuống khoảng đất trước nhà một ít hạt cây hoa cánh bướm hoặc thược dược – những loài hoa báo hiệu mùa xuân thật đặc trưng ở quê tôi. Rồi anh mang chum đựng gạo của mẹ ra cắm cành đào đã đi xin được ở nhà người thân, bạn bè. Có những nhà trong làng tôi, người ta trồng luôn một cây đào trước cổng và năm nào cũng có hoa đào nở tưng bừng mà chẳng cần phải mất công kiếm tìm, đi mua khi tết đến.
Còn nhà tôi, ngoài hoa đào, anh trai còn cắm thêm một lẵng hoa đủ loại thật đẹp để trên bàn trà. Hồi ấy chưa có giỏ hay lẵng hoa, bình hoa nên anh sáng tạo dùng xốp cắm rồi đặt xốp lên một chiếc đĩa trắng vốn thường dùng để thức ăn. Cái sự tỉ mẩn chăm chút cho ngôi nhà nhỏ của anh đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi từ khi nào không hay. Để rồi lớn dần lên, trở thành một người vợ, tôi bất giác cũng có sở thích bày biện cây cối, cắm hoa hay trang trí những góc trà bánh trong căn chung cư của mình.
Những đốm pháo hoa rực rỡ đêm giao thừa hay xác pháo rơi đầy khắp các con đường làng cũng là hình ảnh hằn sâu trong kí ức tôi. Tôi còn nhớ cứ sáng mùng 1 tết, cả đám anh chị em họ tập trung tại nhà ông bà để chúc Tết và nhận tiền lì xì từ ông bà. Ngày ấy bà móm mém nhai trầu, môi lúc nào cũng đỏ choét, hào sảng gọi tên từng đứa cháu lại gần. Tiền lì xì chỉ là 200 đồng hoặc 500 đồng thôi mà mừng vui hết cỡ, cứ ngồi so nhau tiền đứa nào mới hơn, mang đống tiền lì xì ra đếm đi đếm lại, nhiều đứa lớn còn lém lỉnh đổi một tờ lấy nhiều tờ…
Tết xưa chẳng việc làm gì ngoài cứ tha thẩn vui chơi từ hết nhà này sang nhà khác, đến bữa đói thì tự biết đường về nhà gọi mẹ chứ cũng chẳng áp lực gì việc ăn uống. Còn ngày nay thì đã phần nào hiểu hơn nỗi niềm của mẹ, của bà ngày xưa khi phải tự tay chuẩn bị mâm cỗ, đong đếm thức ăn cho mấy ngày tết, không quên hỏi thăm lễ nghĩa người già, họ hàng đôi bên và chăm lo cho cả những đứa trẻ nhỏ. Tết không chỉ vui riêng thân mình nữa mà còn là phải tạo ra niềm vui, sự đủ đầy cho rất nhiều người khác.
Thế nhưng dù có như thế nào thì cũng hãy cứ vui vì tết vẫn là tết đó thôi. Bận rộn đến bao nhiêu mà cứ hân hoan, thênh thang bước qua thì mệt nhọc rồi cũng nhẹ tựa lông hồng. Những niềm vui xưa đã qua thì nay ta có niềm vui mới.
Là được tự tay chuẩn bị áo quần mới cho cả nhà, trở thành nhà thiết kế bất đắc dĩ của tất cả các thành viên và nhận sự tín nhiệm tối đa “mẹ vẫn luôn tuyệt nhất”. Là được trổ tài khéo léo trong những món tết truyền thống của cả gia đình. Là được nhìn thấy niềm vui thơ trẻ khi xưa của mình trong ánh mắt long lanh của con. Là được gặp lại bố mẹ, anh chị em và ríu rít chuyện trò như chưa hề có khoảng cách không gian, thời gian bao lâu nay. Là được thấy mình cũng như xuân hơn trong thời khắc chuyển giao của đất trời…
Thế nên dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì cũng hãy tìm ra những niềm vui bé nhỏ và tận hưởng cái Tết theo cách riêng của mình. Đừng bế tắc, đừng sợ hãi khi tết đến. Hãy cho phép mình nghĩ về những điều tươi đẹp, gột rửa đi những oán hờn, sân si và tìm cho mình một lý do để vui tiếp ngày xuân. Ký ức tươi đẹp đã qua hãy cất giấu trong tim, chứ đừng luyến lưu quá nhiều, bởi đó là hành trang lớn nhất để chúng ta đi qua những dài rộng tương lai. Ai rồi cũng sẽ lớn, nhưng tết sẽ chẳng bao giờ đổi thay. Tết vẫn ở đó như một dịp để vui, để người đàn bà được phù phiếm theo đúng nghĩa nhất!