Đàn bà đôi khi, lùi lại là tiến, quan trọng người đàn ông ấy xứng đáng cho chúng ta hi sinh.
Trong cuộc sống, có không ít những câu chuyện hai vợ chồng cùng nhau lập nghiệp và trở nên giàu có. Nhưng giàu đến mức bước vào hàng ngũ tỷ phú đô la thì khiến người ta phải gật gù thán phục. Đúng là "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn".
Đi ăn lẩu đêm vô tình được chủ quán mê đắm
Hiện tại, Haidilao đã là một chuỗi lẩu có đến 600 cửa hàng toàn thế giới. Tập đoàn Haidilao International Holding IPO cũng trở thành huyền thoại khởi nghiệp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ngược dòng thời gian, câu chuyện của người sáng lập công ty - tỷ phú Trương Dũng cùng cô vợ hơn một tuổi Thư Bình khiến người ta phải xuýt xoa mãi không thôi.
Trương Dũng tốt nghiệp một trường kỹ thuật dạy nghề tại Thành Đô và bắt đầu làm việc ở xưởng máy kéo với mức lương chỉ 18 đô la một tháng (417 nghìn đồng). Tuy nhiên, "máu" kinh doanh trong người anh lúc nào cũng sục sôi. Anh đã thử bắt tay vào kinh doanh vài mặt hàng nhưng thất bại. Sau đó, Trương tiên sinh quan sát thấy rằng những người Thành Đô rất thích ăn lẩu và một quán lẩu nhỏ ra đời từ đó.
Thời điểm ấy, có một cô gái xinh đẹp, nóng bỏng ngày nào cũng đến ăn lẩu. Cô ấy là Thư Bình, làm nhân viên ở tiệm gội đầu đối diện cửa hàng lẩu và hơn Trương Dũng một tuổi. Thư Bình rất mê ăn lẩu và mê luôn hương vị đặc biệt do quán của ông chủ Trương tạo ra. Một thời gian sau, hai người bắt đầu trò chuyện qua lại và yêu nhau lúc nào chẳng hay.
Trương Dũng rất yêu Thư Bình. Sự nhẹ nhàng, khéo léo và duyên dáng của Thư Bình khiến thanh niên họ Trương mê mẩn. Anh càng muốn nhanh chóng được cưới cô gái này về làm vợ. Tuy nhiên, Trương Dũng cũng hiểu rõ rằng, bản thân mình phải khác, phải trở nên có tiền hơn thì mới mang đến hạnh phúc, cuộc sống đầy đủ hơn cho người con gái mình yêu.
Một thời gian sau, họ làm đám cưới. Những kế hoạch kinh doanh của Trương Dũng diễn ra khá chậm chạp. Nửa năm sau khi kết hôn, tiền tiết kiệm đã cạn, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu lại câu chuyện làm ăn. Trương Dũng không học đại học, không có tiền, không có quan hệ và chỉ có con đường duy nhất để đi, con đường không sợ khổ, không sợ mệt và không sợ chờ đợi. Anh phải tự tay thay đổi cuộc đời của mình và vợ. Từ đó, một kế hoạch kinh doanh táo bạo ra đời.
Lời an ủi của vợ và những thành công đầu tiên
May mắn cho Trương Dũng là anh có một cô vợ rất thấu hiểu và ủng hộ chồng vô điều kiện. Lấy chồng nghèo, chẳng có tiền nhưng Thư Bình chưa bao giờ kêu ca. Dù không quá hiểu về chuyện nấu lẩu nhưng cô có thể ngồi cả ngày nghe chồng nói về ý tưởng và những cách thức cho cửa hàng sắp ra đời.
Sau đó, Trương Dũng đã tìm đến vợ chồng người bạn thân lâu năm. Đến gặp bạn, họ Trương mặc dù không một xu dính túi nhưng phát biểu rất tự tin: "Tôi muốn mở một nhà hàng lẩu. Nếu sẵn sàng theo tôi thì dốc hết vốn liếng vào đây". Một câu nói hết sức buồn cười nhưng nên biết rằng, sức hấp dẫn trong dự án của Trương Dũng là cực kỳ lớn. Hai người bạn góp được 4000NDT (13 triệu đồng), vợ anh có 2000NDT (6,5 triệu đồng). Bản thân Trương Dũng tay trắng nhập cuộc nhưng vẫn được coi là một cổ đông với đóng góp tương đương.
Khi đó, vợ Trương Dũng rất thích chơi mạt chược. Người đàn ông yêu vợ đã lấy luôn tên Haidilao (một cách chơi mạt chược của người Tứ Xuyên) làm tên nhà hàng. Bấy giờ, nhà hàng chỉ có vẻn vẹn bốn bàn nhưng kinh doanh rất tốt bởi chiến lược "có một không hai" từ ông chủ Trương.
Khách hàng được chăm sóc tận răng từ lúc đỗ xe, đi vào cho đến khi ăn xong. Khi nhà hàng quá đông khách, những người ngồi chờ sẽ được làm móng, đánh giày, chơi trò chơi và ăn đồ ăn nhẹ miễn phí. Dù nhà hàng ngày càng phát triển song đôi khi Trương Dũng cũng mất tự tin vào chính bản thân mình. Khi đó, người vợ Thư Bình sẽ tiến đến an ủi và động viên chồng: "Rồi anh sẽ thành công, em tin tưởng anh, nhất định chúng ta sẽ thành công".
Đúng là một may mắn lớn của chính họ Trương khi đã lấy được một cô vợ tin chồng hết mực, luôn thấu hiểu và chưa hề chê bai sự khó khăn của chính anh. Một thời gian sau, nhà hàng nhanh chóng phát triển và mở thêm hai chi nhánh nữa. Lợi nhuận bắt đầu tăng thêm, con đường đi này xem như mang lại kết quả khả quan.
Ông trùm của đế chế lẩu và sự trợ giúp tài tình từ người >vợ thông minh
Nhà hàng lẩu ngày càng phát triển nhưng nó vẫn chỉ là một mô hình kinh doanh gia đình. Những ngày sau, Trương Dũng nhận ra mô hình hiện tại kinh doanh sẽ không tốt. Cần phải có một chủ lớn nhất, được quyết định mọi quyết sách của nhà hàng. Cô vợ trẻ Thư Bình thấu hiểu tham vọng của chồng và tự đề xuất việc mình sẽ trở về làm nội trợ rồi sinh con ở nhà.
Trương Dũng nhanh chóng đồng ý. Anh cũng ngỏ ý muốn mua lại số cổ phần của người bạn đồng sáng lập và trở thành người nắm trong tay Haidilao, có quyền sinh quyền sát. Vợ và những người bạn không còn lãnh đạo ở Haidilao, tuy nhiên số lợi nhuận được chia hằng năm cũng giúp họ bước vào hàng ngũ tỷ phú đô la và trở nên cực kỳ giàu có.
Còn cô vợ Thư Bình sau đó đã sinh cho chồng một cậu con trai. Bà chú tâm vào chuyện >nuôi dạy con, chăm lo cho gia đình để chồng yên tâm kinh doanh. Hiện tại, từ một nhà hàng lẩu ban đầu, Haidilao đã có đến 600 chi nhánh trên toàn thế giới. Năm 2011, có hơn 10.000 nhân viên làm việc cho Haidilao. Vợ chồng họ cũng nhiều năm liền nằm trong danh sách những người giàu có nhất Trung Quốc. Hiện tại, ước tính tài sản của Trương Dũng lên đến 14 tỷ đô.
Đúng là trong cuộc sống, đôi khi một cuộc gặp gỡ góp phần thay đổi cả đời người. Nếu như Trương Dũng không có một cô vợ mê ăn lẩu, yêu và tin tưởng ông vô điều kiện thì có chắc sẽ có chuỗi cửa hàng lẩu Haidilao danh tiếng như hôm nay. "Của chồng, công vợ", Thư Bình có lẽ là mảnh ghép hoàn hảo để giúp tỷ phú họ Trương có một đời vinh quang. Từ một anh công nhân nghèo, gặp được một người phụ nữ như Thư Bình đã khiến Trương Dũng quyết tâm kinh doanh và cuối cùng hái về quả ngọt.
Sự hi sinh lớn nhất của bà là sát cánh bên chồng ngày khó khăn nhưng chẳng màng danh tiếng, công lao lúc vinh hiển, sẵn sàng lui về >hậu trường làm hậu phương vững chắc cho chồng. Đàn bà đôi khi, lùi lại là tiến, quan trọng người đàn ông ấy xứng đáng cho chúng ta hi sinh.