Trong quan hệ vợ chồng, mâu thuẫn giữa đôi bên là điều không thể tránh khỏi. Điều này chẳng riêng gì ở các nước Á Đông mà bất cứ cặp vợ chồng nào cũng có những mâu thuẫn và hiểu lầm nhau.
Vậy tại sao cứ cuộc sống gia đình thì nảy sinh mâu thuẫn, cãi cọ mà đôi khi nguyên nhân theo như nhận định lại “chẳng đâu vào đâu”?
Nguyên nhân trước khi thành vợ chồng, mỗi người trong chúng ta đều có một lối sống riêng, một quan điểm và một cách suy nghĩ riêng nên sau khi kết hôn, người chồng hoặc người vợ bắt đầu trở lại chính bản chất của mình và công khai thể hiện ý định quay về với cuộc sống đã thành thói quen trong nhiều năm trước đó.
Bất mãn vì cá tính
Những lo toan vất vả trong cuộc sống hàng ngày đã làm cho Bích cảm thấy cuộc sống vợ chồng của mình, ngày càng đi vào ngõ cụt. Ngoài thời gian làm việc tối mặt và căng thẳng ở cơ quan, cô thường xuyên phải đối mặt với bản tính cộc cằn, hay hạch sách thậm chí ghen tuông vô lý của Phú, chồng cô.
Cứ mỗi lần đi làm về muộn, Bích lại cảm thấy khó chịu vì ánh mắt soi mói cùng những câu nói bóng gió của chồng: ''Sao đi làm giờ này mới về? Phụ nữ đã có gia đình, hết giờ phải về nhà, em đừng đi đâu lung tung đấy!” hoặc: ''Anh chưa thấy ai làm việc kiểu đi sớm về trễ như em cả!”. Bích sẵng giọng:' ''Anh có ghen cũng ghen vừa vừa thôi chứ! Em đi làm chứ có đi chơi đâu mà anh nói khó nghe thế? Vậy ở nhà, chờ anh nuôi nhé?”.
Có lần, sau giờ tan sở chị em trong phòng đột xuất rủ nhau đi thăm cô đồng nghiệp bệnh nặng nên Bích chưa kịp điện thoại cho chồng, đến bảy giờ tối cô mới về đến nhà. Phú sốt ruột chờ vợ, vừa nhìn thấy Bích, anh đã mặt nặng mày nhẹ làm cô phát ngượng với cô bạn cùng về chung. Rồi cả hai lời qua tiếng lại, bữa cơm tối hôm đó xem như ''ế”, Bích cũng chẳng thèm gọi chồng nửa tiếng. Sẵn bực bội trong lòng, cô khăn gói về nhà mẹ ruột ở cả tuần lễ.
Loanh quanh trong ngôi nhà rộng rãi nhưng thiếu bóng dáng quen thuộc của vợ, đến lúc này Phú mới cảm thấy mình có lỗi đã xử sự hơi quá đáng với vợ mình. Thu hết can đảm và dẹp bỏ tự ái đàn ông sang một bên, anh quyết định sang nhà mẹ vợ để “rước” vợ về.
Tức nước vỡ bờ
Trong xóm ai cũng thầm khen anh Lợi thật may mắn có người vợ hiền lành và luôn tuân theo “lệnh” của chồng như chị Hoa. Mỗi lần bạn bè có đám tiệc, chỉ khi nào anh đồng ý chị mới dám đi. Trong những dịp đi chơi hoặc thăm viếng họ hàng hai bên, có anh tức là có chị, mọi người có thể không nhìn thấy chị nhưng anh thì vẫn luôn có mặt. Có người hỏi tại sao chị phải nhún nhường với chồng như thế thì chị chỉ nói: ''Cho êm cửa êm nhà. Chứ tính anh ấy thì ai cũng biết”.
Mà đúng thế thật, tính anh Phước giống như Trương Phi, hễ điều gì không theo ý anh thì không ai được làm, nhất là vợ con trong nhà. Cho đến một lần, mẹ vợ ở quê bệnh nặng, quá lo lắng về bệnh tình của mẹ nên chị Mai cứ đứng ngồi không yên, về thăm thì phải chờ chồng nhưng anh Lợi đi công tác đến hai ngày nữa mới về, đi một mình chị lại không dám. Cuối cùng chị đánh liều dắt đứa con gái năm tuổi cùng về quê.
Khi biết bệnh tình mẹ chị đã qua khỏi cơn nguy ngặt, hai mẹ con chị trở về nhà ngay ngày hôm sau, cũng là ngày anh Lợi vừa đi công tác về. Biết chuyện vợ đi mà không chờ ý mình, anh nổi giận la hét om sòm. Cảm thấy quá uất ức, chị Hoa cũng lồng lên và lớn tiếng lại với chồng. Lần đầu tiên, anh Phước giật mình khi chứng kiến tận mắt thái độ của vợ anh và anh chợt hiểu… Vợ anh đã chịu đựng quá nhiều và giờ đây, cô ấy không còn biết cả nể chồng nữa.
Để tạo được mối quan hệ tốt và giảm thiểu càng nhiều càng tốt những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, đòi hỏi cả hai cần biết tạo sự cân bằng. Nếu một người lúc nào cũng muốn người kia phải theo ý mình, còn người kia chỉ biết nghe theo thì làm sao loại trừ những nguyên nhân tiềm ẩn, chỉ chờ có ngày bùng nổ.
Thay vào đó, cả hai cần chọn giải pháp nói thẳng nói thật những điều chưa hài lòng của nhau, trong một phạm vi nào đó, và cùng tìm cách giải quyết êm đẹp sự việc để đem lại cảm giác thanh thản trong lòng cho mỗi người.