Không cần nói ra, đối phương (người yêu hoặc vợ/chồng) phải tự hiểu, tự cảm nhận mình muốn gì, cần gì để đáp ứng đúng lúc và kịp thời, đó là tâm lý số đông người mắc phải.
Mưa, trời buồn như nụ cười góa bụa. Hiên ngôi nhìn mưa, nhớ lại chuyện hồi sáng. Mọi ngày, đi làm Thanh vẫn hay đèo cô sau xe máy nhưng do mưa cứ rả rích, Thanh đề nghị cô đi xe buýt. Nghe có lý, Hiên làm theo. Xe buýt chạy vòng vèo, đến công ty muộn mất nửa tiếng, trễ giờ tiếp khách, bị sếp khiển trách.
Chiều về, cứ tưởng chồng đến đón, không ngờ anh "chuyển giao" cô cho anh tài xế xem ôm vì vướng “độ”. Tới nhà, bước xuống xe vướng víu thế nào cô ngã sấp xuống đường, may mà không sao. Giờ ngồi đây chờ chồng về, Hiên cảm giác cả thế giới đang quay lưng lại với mình.
Thế là đã ba ngày Hiên không thèm nói câu nào với Thanh, mặc cho anh ra sức dò la gặng hỏi. Chung quy, Hiên muốn Thanh phải tự hiểu, tự cảm nhận nỗi buồn, nỗi cô đơn “thê thảm” của mình. Thế mới tỏ rõ thiện chí, tỏ rõ tình yêu, tỏ rõ sự quan tâm của chồng với vợ, chứ nói ra thì còn ý nghĩa gì?
Không phải những chuyện như thế chỉ xảy ra với các cặp >vợ chồng trẻ như Thanh và Hiên. Ông Hiệp và bà Tím sống với nhau gần bốn mươi năm, trải qua hạnh phúc cũng nhiều, khó khăn không ít, nhưng cũng chỉ vì bắt người khác phải tự hiểu mà hai vợ chồng già suốt ngày “quay lưng ngoảnh mặt” với nhau.
Buổi trưa, bà dọn cơm gọi ông vào ăn. Nhìn món cá kèo kho tộ vàng ươm sướng mắt, ông cẩn thận gắp một khúc bỏ vào miệng. Thế này thì có vô tâm không chứ. Khi sáng, rõ ràng “bả” ngồi kế bên nghe bác sĩ căn đi dặn lại phải cho mình ăn lạt, thế mà cá vẫn kho mặn thế này là sao. Lúc dọn cơm xuống thấy ơ cá gần như còn nguyên, bà hỏi, ông không thèm trả lời. Nhìn ông mặt nặng như đeo chì, bà biết, nhưng áng chừng mãi không ra, đành thôi.
Trở lại chuyện của đôi trẻ kể trên, không hiểu thực ra Hiên muốn gì, Thanh nhắn tin: Em làm sao thế? Không có gì. Không có gì sao thái độ vậy? Anh hỏi lại anh đi, anh đã làm gì, tôi chán mấy người vô tâm như anh lắm rồi. Chán thì sao? Thì chia tay đi.
Thanh ngớ người ra, không hiểu sao mọi chuyện lại xoay chuyển theo chiều hướng... chia tay. Biết là Hiên chỉ dỗi mà nói vậy nhưng thật sự Thanh bắt đầu thấy có một chút mệt mỏi.
Chia tay không phải là... biện pháp của người già. Nhưng ấm ức không chịu nổi, ông Hiệp “trả đũa” bằng cách đợi lúc bà thiu thiu ngủ, ông mở ti vi thiệt lớn, bà giựt thót mình. Thế là chiến tranh bùng nổ mà không ai biết nguyên nhân sâu xa của nó.
Chúng ta sinh ra đã là những cá thể đơn lẻ và khác biệt. Và để đòi hỏi một người hoàn toàn hiểu mình, có thể biết được mình đang nghĩ gì, mình đang muốn gì và thậm chí là yêu theo cái cách mình mong muốn - là một điều bất khả. Điều này ai cũng biết, cũng công nhận nhưng ít ai chịu hiểu và thực hiện nó.
Người ta cứ thích đối phương phải chạy theo và tìm cách đoán biết những suy nghĩ mà đôi khi, chính người trong cuộc cũng không hiểu rõ lắm mình đang muốn gì. Chính thói quen này đã làm cho người có nhu cầu bực bội, ấm ức, vì cho rằng người kia không hiểu mình. Còn người kia lại phát mệt vì chẳng hiểu đối phương muốn gì ở mình. Cuối cùng, chuyện con muỗi trở thành con khủng long, cộng thêm một chút kiêu hãnh, cái tôi, cơn tức... tất cả càn quét không thương tiếc mối quan hệ của hai người, thậm chí đặt dấu chấm hết cho một cuộc hôn nhân một cách lãng xẹt.
Thay vì bắt đối phương phải đoán già đoán non ý mình muốn, hãy rút ngắn công đoạn bằng cách trực tiếp: Ngồi xuống, lắng nghe nhau, nói thẳng ra vấn đề của mình, hoặc những điều mình muốn chồng/vợ thực hiện.
Đối thoại là cách giãi bày, thấu hiểu, cảm thông những gì còn trăn trở trong lòng một cách thẳng thắn để vun đắp >đời sống hôn nhân. Vợ chồng là chuyện trăm năm, thời gian là để xây dựng, để yêu thương. Thời gian không dành để chơi trò cân não, ú tim, rượt bắt để rồi lạc mất nhau chỉ vì những điều cỏn con lúc nào chẳng hay.