Anh em bạn bè khi rủ nhau đi nhậu mà ông nào cáo bận vì ở nhà phụ vợ thì bị mỉa mai “đàn ông sợ vợ”. Nhưng có thật như thế là sợ vợ, và có thật như thế thì không đáng mặt đàn ông?
Từ bao giờ tôn trọng vợ bị đánh đồng là sợ vợ, không đáng mặt đàn ông
Cứ trăm lần như một, hễ bạn bè í ới rủ nhau đi nhậu mà Hoàng báo bận vì ở nhà giữ con cho vợ, thì y như rằng anh chàng lại ẵm về một… rổ gạch đá từ hội anh em chiến hữu. Người thì bĩu dài môi chê trách Hoàng sợ vợ, núp váy vợ, có mỗi cái việc đi chơi cũng không dám ho he. Người lại mỉa mai vợ Hoàng phải tốt số lắm mới lấy được anh chàng, chăm chỉ lo lắng cho vợ con hết phần người khác.
Nhưng đổi lại, Hoàng chẳng hề mảy may quan tâm đến. Hoàng vẫn nói với mọi người rằng việc ai người nấy làm. Cuộc vui chỉ đúng nghĩa là cuộc vui khi người ta cảm thấy thoải mái, thảnh thơi và giải tỏa stress cùng bạn bè. Còn một khi cuộc vui đó bị đánh đổi bằng sự ấm ức hay nhọc nhằn của vợ, sự chờ đợi chơ vơ của con thơ, thật sự không đáng.
Hoàng cho rằng lấy vợ về thì hai vợ chồng nhất định phải tôn trọng lẫn nhau. Việc vợ anh từ bỏ không gian riêng tư tụ họp bạn bè để lo cho >gia đình, thì người chồng như anh cũng có thể làm được. Khi nào việc nhà chưa xong thì hai vợ chồng đỡ đần nhau. Còn khi việc nhà tươm tất, tâm lý thoải mái, thì việc gặp gỡ bạn bè lúc bấy giờ chẳng ai cấm cản, cũng chẳng gây áp lực tới ai.
Đồng thời, Hoàng cũng nhấn mạnh thời đại này là thời đại mới. Phụ nữ hay đàn ông đều gánh vác trọng trách ngang nhau, thậm chí việc làm mẹ, làm vợ của >phụ nữ còn nặng nề hơn đàn ông rất nhiều. Đem quy chụp quan niệm "sợ vợ", "không đáng mặt đàn ông" ra mà dọa anh là sai lầm. Thậm chí, kể cả là sợ vợ, là không đáng mặt đàn ông nhưng gia đình hạnh phúc cũng chẳng hề hấn gì.
Bạn hay vợ đều là người đồng hành, nhưng vợ mới là người cùng đi đến cuối
Đáng tiếc là không phải người đàn ông nào cũng có thể suy nghĩ thấu đáo như trường hợp của anh Hoàng kể trên kia. Thậm chí đã từng có một thời xuất hiện trên MXH bài đăng của một người phụ nữ van xin bạn của chồng mình đừng rủ rê chồng mình chơi bời nữa.
Mỗi câu mỗi chữ là một vết cứa xé lòng khiến người ta ngậm ngùi thương cảm. Phận làm phụ nữ, làm vợ, làm mẹ của đứa trẻ sắp chào đời nhưng lại không nhận được sự đỡ đần, chăm sóc, thương yêu của chồng. Trong khi đó, bạn bè chồng càng tích cực rủ rê, anh chồng càng đi chơi quên hết cả đường đi lối về. Chỉ cần có bạn bè, không cần có vợ.
Kết cục cuối cùng của câu chuyện tất nhiên là một kết cục buồn. Bởi khi quá đau người ta sẽ phải buông, và người phụ nữ trong câu chuyện trên cũng vậy. Đáng tiếc hơn, xã hội ngày nay lại có vô vàn những người đàn ông, những người chồng vì ham chơi với bạn bè mà bỏ xó vợ con như thế.
Trong khi rõ ràng, bạn bè dù thân thiết, dù chí cốt đến đâu cũng chỉ là những người đồng hành cùng ta một quãng đường ngắn ngủi. Còn vợ mới là người sẽ cùng chúng ta đi đến cuối cuộc đời. Trong cuộc vui của bạn bè, chúng ta vắng mặt một vài hôm vẫn không khiến chúng ta xa nhau. Nhưng trong cuộc hôn nhân vuông tròn, nếu chúng ta thường xuyên vô tâm và coi rẻ vợ mình, thì cái giá phải trả đôi khi là hạnh phúc của cả đời người.
Đàn ông khôn không bao giờ ngại mang tiếng mình sợ vợ. Thậm chí đàn ông khôn còn áp dụng triệt để phương châm "đội vợ lên đầu". Chỉ có đàn ông dại mới đem đánh đổi cuộc vui phút chốc bên bàn nhậu, lấy sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân vuông tròn.