Điều tồi tệ nhất trong hôn nhân không phải là ly hôn mà là phản bội. Phản bội là sự tận cùng của cạn tình cạn nghĩa.
Khi ấy, đàn ông đang tâm vứt bỏ người vợ tào khang của mình để chạy theo một cô nhân tình trẻ đẹp nào đó. Còn đàn bà, khi đã vượt qua ranh giới phẩm hạnh, đạo đức, họ cố chen chân vào hạnh phúc của người khác, cố giành những gì vốn không thể thuộc về mình.
Cái kết đau lòng nhất trong tình yêu chính là có thể bên nhau lúc giông bão, lại không thể cùng nhau khi mưa tan. Bởi khi yêu người ta nghĩ tình yêu có sức mạnh đủ để thay đổi mọi thứ, để cùng nhau vượt qua mọi điều, cho đến khi tất cả chỉ còn lại sự thay lòng. Người ta chỉ nói rằng tình yêu hết như một lẽ dĩ nhiên một khi lòng người thay đổi. Nhưng thật ra đó chỉ là một lời bao biện cho chính những con người thiếu thủy chung.
Bản tính của đàn ông là ham mê của lạ. Họ lấy những gì mới mẻ, những mục tiêu càng lớn và hoàn mỹ hơn làm đích đến khẳng định cho đẳng cấp của bản thân. Người ta hay nói, khi đàn ông thay đổi lộ trình cuộc đời anh ấy thì người phụ nữ cạnh bên cũng được đổi thay. Người phụ nữ bên cạnh anh ấy khi ở đáy cùng của xã hội không thể là người phụ nữ anh ấy chọn khi đã ở đỉnh cao của thành công. Khi mọi thứ anh ấy có đều mới và sang, anh ấy lại muốn một người phụ nữ “xịn” hơn để tự hào. Và để chứng minh sức hút của một người đàn ông thành công, đàn ông thường >ngoại tình.
Bởi đàn ông cũng có tự trọng, họ không thể dễ dàng bỏ người vợ đã từng cùng họ đồng cam cộng khổ. Trước khi bội bạc đến tận cùng, đàn ông vẫn còn chừa chút tình nghĩa cho người vợ tào khang của mình. Chỉ là, chút nghĩa tình ấy dẫu có cố cũng chẳng được bao lâu, nếu cám dỗ đã thật sự được đàn ông chấp nhận.
Và hẳn là những người phụ nữ chấp nhận chen chân vào hạnh phúc của người khác chẳng bao giờ cam chịu “làm lẽ” cả đời. Khi có được cưng chiều và chút ít tình cảm của đàn ông, họ bắt đầu cho mình quyền đòi quyền lợi. Và ở mức cạn cùng nghĩa tình với vợ, đàn ông làm mọi cách để vứt bỏ người phụ nữ đã cùng mình qua hết khó khăn, thống khổ đã từng…
Khi đàn ông không có gì trong tay là lúc có thể thử được thủy chung của đàn bà. Còn đàn ông, thước đo thủy chung chính xác nhất lại là lúc khi anh ta có trong tay mọi thứ. Đàn ông nghèo sợ vợ bỏ mình, còn phụ nữ lại sợ chồng bỏ mình khi giàu sang. Đàn ông nghèo khi chưa có gì lại mong vợ có thể bỏ mọi thứ để một lòng với mình. Phụ nữ khi có chồng giàu sang rồi lại sợ chồng không vượt qua được hư vinh, cám dỗ.
Đàn ông thiếu bản lĩnh mới phải ngoại tình. Đàn ông nông cạn mới phá nát gia đình, bỏ vợ tào khang để theo tình nhân. Nhưng có mấy ai trong số họ chịu nghĩ lại, có gì mới lại không cũ? Hay liệu cô nhân tình kia có thể thay thế người vợ tào khang, có sẵn sàng bên anh lúc gian truân? Hay anh liệu có hối hận, có đường để về?
Và đàn bà đi tìm chồng người khác chính là tự coi rẻ bản thân. Đừng nói là vì yêu, vì cảm xúc vì cô đơn. Đàn ông bản lĩnh chịu được cám dỗ, đàn bà bản lĩnh chịu được cô đơn. Khi họ nuông chiều thứ cảm xúc sai trái của bản thân thì chính là tự đánh mất lòng tự trọng. Thế thì, mọi đổ lỗi sau đó đều là tự chuốc tủi nhục vào thân. Vị trí không phải của mình, muôn đời mình không có tư cách nói đến. Đàn ông của thiên hạ, dẫu có vào tay mình cũng không bao giờ coi trọng mình. Đàn bà một khi chen chân vào hạnh phúc của người khác mãi mãi không có tư cách nhận được hạnh phúc.
Đàn bà, trước khi mang danh kẻ thứ ba hãy tự hỏi mình, liệu bản thân có rẻ mạt đến thế không? Chuyện yêu đương là của mình, sao mang ô nhục cho gia đình người thân? Và người đàn ông kia liệu có đáng để mình hy sinh khi anh ta rốt cuộc cũng chỉ là người chồng bội nghĩa bội tình?
Người ta thường đổ mọi sai trái của bản thân cho tình yêu, một thứ cảm xúc đáng lẽ ra đẹp đẽ và thiêng liêng. Dù rằng cảm xúc hay tình yêu không có sai hay đúng nhưng đừng lấy đó là lý do để tổn thương người khác. Ngoại tình hay làm người thứ ba đó là sự lựa chọn, tình yêu đơn thuần không bao giờ có thể làm được điều đó.
Con người sinh ra có lý trí là để kiềm hãm trái tim, có trái tim là để dẫn đường cho lý trí. Đừng sống chỉ theo cảm xúc, dục vọng mà quên rằng còn phải có lý trí, có đạo nghĩa, có nhân nghĩa trí tín…