Nếu cách đây vài thập kỷ, trái tim phụ nữ chỉ đập rộn ràng trước những đấng mày râu say mê sự nghiệp không đoái hoài gì đến việc nhà thì nay những rung động ấy lại hướng vào các anh chàng chăm đeo tạp dề vào bếp.
Bởi vì bây giờ phụ nữ cũng làm việc xã hội như nam giới nên khi trở về nhà họ không thích phải hầu một gã lười nằm khểnh xem ti-vi chờ vợ dọn cơm lên mời ông xơi mà muốn có một ông chồng cùng vào bếp, cùng rửa bát lau nhà với vợ.
Nếu trước kia >đàn ông làm những việc đó là đáng xấu hổ, thậm chí mẹ chồng nào thấy con trai mình phải nấu cơm rửa bát là “xồn xồn” ngay. Thì bây giờ, ngày càng nhiều đàn ông tin rằng họ làm việc nhà giỏi hơn phái đẹp. Họ khoẻ và nhanh nhẹn hơn. Họ lau nhà, phơi quần áo, điều khiển máy giặt, máy hút bụi nhanh và thạo hơn.
Ảnh minh họa
Một cuộc khảo sát được tiến hành ở Anh quốc gần đây cho thấy, 66% đàn ông đã làm việc nhà 8 giờ trở lên/một tuần, vượt cả vợ họ vì phụ nữ chỉ có 62%. Trong khi đó, cách đây vài thập kỷ phụ nữ làm việc nhà 30 giờ/một tuần, còn đàn ông làm ít hơn 5 lần.
Đặc biệt đàn ông làm các món ăn thường sáng tạo hơn, họ không thích lặp lại các món nên hay “cải tiến” cái gì đó cho ấn tượng hơn.
Xu hướng “thích của lạ” của đàn ông từng khiến chị em bao phen đau đớn thì nay lại được vợ khen hết lời khi chồng vào bếp. Có bà xã phải thốt lên: "Món gì lạ miệng thế này. Ngon quá đến sách dạy nấu ăn cũng chưa có!”.
Tiếc thay, trong khi đó đàn ông Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung xem ra thua xa các nước châu Âu và Bắc Mỹ trong lĩnh vực này. Chỉ có chừng 1/4 đàn ông châu Á có tham gia vào việc bếp núc.
Bởi vì từ xưa trong truyền thống, Á châu người ta chia việc gia đình ra làm hai loại: việc đàn bà và việc đàn ông. Đàn bà làm hết các việc nội trợ vất vả còn đàn ông chuyên làm các việc kỹ thuật như sửa chữa các đồ dụng gia đình.
Nhưng thời đại ngày nay đã khác. Nhiều khi đồ dùng chưa hỏng đã thay vì lỗi mốt. Hoặc nếu hỏng thì gọi thợ sửa chữa chứ chẳng ai tự "chọc ngoáy" như ngày xưa. Tóm lại khối lượng “việc đàn ông” ngày càng ít đi, trong khi “việc đàn bà” lại tăng lên do nhà rộng hơn, quần áo nhiều hơn và nấu ăn cũng phức tạp hơn.
Khảo sát 7.000 đôi vợ chồng trẻ ở Pháp cho thấy 80% những gia đình nói rằng họ đang hạnh phúc thì đều có chồng chia sẻ việc nhà với vợ.
Nhà nghiên cứu tâm lý gia đình người Pháp, Louise Colley cho rằng: "Vợ chồng chia sẻ việc nhà có nhiều cái lợi. Nó không chỉ khiến họ mạnh khỏe hơn mà còn mang lại niềm vui và gắn bó với nhau hơn”. Những anh chàng phàn nàn vì bị vợ “cấm vận phòng the” hầu hết là những anh không mó tay vào việc nhà.
Trái lại khi chồng làm việc nhà rất hay bông đùa với vợ, khiến tình yêu có cơ hội hâm nóng hơn. Điều bất ngờ là thời gian làm việc nhà cùng nhau tăng lên thì thời gian “giao ban” trên giường cũng tỷ lệ thuận với nó. “Công thức ma thuật” này cải thiện rõ rệt mối quan hệ giữa họ.
Ảnh minh họa
Kỳ lạ hơn, khi đàn ông làm nội trợ, tính gia trưởng tự nhiên biến mất. Tất cả các đôi hạnh phúc hầu như không có đôi nào khoán trắng việc nhà cho vợ.
Những biến đổi trên đây bắt đầu từ chỗ ngày càng nhiều phụ nữ thành đạt ngoài xã hội. Không có lý gì khi về nhà lại chịu để các ông chồng bắt nạt, bắt vợ phải hầu hạ mình.
Trong khi ở nước ta lắm anh vẫn cho rằng, làm việc nhà là “thiên chức” của phụ nữ, và coi ngoại tình là một thứ “đặc quyền” của đàn ông thì trên thế giới người ta không gọi đàn ông đeo tạp dề là “quẩn quanh xó bếp” mà là đàn ông “ga-lăng” và sành điệu, biết làm tất cả những gì mà phụ nữ thường làm.
Khi có khách đến nhà, nhiều anh chồng trẻ thích tự làm món ăn tiếp bạn. Cảnh chồng ngồi ba hoa với khách, đợi vợ hì hục nấu nướng bưng lên đã xưa, có chăng chỉ còn ở mấy nước châu Á nghèo và lạc hậu.