"Tột đỉnh sự ngu dốt của đàn bà là biết mình ngu nhưng vẫn ngoan cố ngu tiếp. Tôi đang muốn nói đến cô Trà - kẻ cướp chồng và chị Khuê - người bị cướp chồng. Họ đều 'ngu' y như nhau".
Khi hiện thực >đời sống được tái hiện 1 cách chân thực và sống động trên phim, ai cũng hào hứng được tự mình sắm 1 vai, thoải mái bình phẩm và soi chiếu. Ngay sau khi kết thúc tập 12 của bộ phim ăn khách Hoa hồng trên ngực trái, giữa vô vàn bình luận có 1 vị khán giả quá khích thế này: "Tột đỉnh sự ngu dốt của đàn bà là biết mình ngu nhưng vẫn ngoan cố ngu tiếp. Tôi đang muốn nói đến cô Trà - kẻ cướp chồng và chị Khuê - người bị cướp chồng. Họ đều 'ngu' y như nhau".
Có lẽ mọi tranh cãi cũng đều bắt nguồn từ sự nhu nhược của cô vợ Khuê và độ trắng trợn của tiểu tam Trà. Nhưng khoan chúng ta hãy chỉ trích các nhân vật trong phim bởi ngoài đời thực, rơi vào hoàn cảnh như thế các chị mới hiểu, phụ nữ có nhiều điều khổ tâm lắm.
Khuê là 1 tuýp phụ nữ tồn tại rất nhiều trong cuộc sống thực. Yêu dại dột, dễ dàng thỏa hiệp trong vị trí vợ đảm để bị chồng khinh rẻ. Và sự cam chịu ấy càng được nhân lên khi chồng ra tay giúp đỡ gia đình mình. Vậy nên, ngoài việc là người mình đã từng yêu, anh ta còn là cha của con mình, ân nhân của bố mẹ mình. Có quá nhiều lý do để phụ nữ chấp nhận "sống chung với lũ", buộc mình trong cuộc hôn nhân rối ren và giả tạo.
Nếu nói phát hiện chồng ngoại tình phải bỏ ngay, bỏ luôn thì tất cả chỉ là mặt lý thuyết. Chỉ sống trong hoàn cảnh ấy, người ta mới biết để đưa ra 1 quyết định nó nghiệt ngã thế nào.
Bởi ngay từ đầu, phụ nữ chấp nhận làm nội trợ chăm sóc gia đình đã là 1 sai lầm và sai lầm ấy để lại hệ quả rất lớn như trong trường hợp của Khuê - người chồng thành đạt và có bồ nhí. Nếu 1 cô nàng giỏi giang, độc lập kinh tế như San chỉ cần biết chính xác sự thật, không chấp nhận được sẽ buông bỏ thì cô Khuê yếu thế không đủ can đảm bỏ lại nên nhu nhược hết tìm bằng chứng hơn thua với kẻ thứ 3 rồi chấn chỉnh chồng trong sự bất lực. Thế đấy, phụ nữ không làm ra kinh tế muôn đời tiếng nói vẫn chẳng được công nhận.
Biết chồng thay lòng, biết tất cả không đơn giản là cặp kè vui chơi nhưng vì con, vì quá nhiều thứ phụ thuộc mà phụ nữ chẳng thể dứt bước. Bởi tôi chưa chuẩn bị được hành trang đủ đầy cho con nên tôi nhịn nhục mà chấp nhận cho anh giày vò... sự chịu đựng này đau lắm, tàn khốc lắm!
Phụ nữ chẳng thể thoát khỏi sự đấu tranh với chính mình. Theo những người dày dặn kinh nghiệm cho biết: Cuộc đời rất công bằng, nếu lấy phải người chồng không ra gì thì sẽ có được nhà chồng tốt bù đắp lại. Giống như nhân vật Khuê, mẹ chồng cô quá tốt, quá thương con dâu. Thế nhưng, cái tốt của bà đôi khi lại ghim vào đầu cô những suy nghĩ lệch lạc dẫn đến nỗi đau trở nên chai sạn.
Đáng sợ nhất đối với 1 người vợ vốn mềm yếu chính là được rót vào đầu những tư tưởng khiến bản thân ngày càng yếu mềm, nhu nhược. "Mình là phụ nữ, mình nghĩ phiên phiến cho đỡ mệt... đừng để ý chuyện ong bướm, đàn ông gia đình là quan trọng nhất, không bỏ được...", vậy đó, 1 người mẹ chồng từng bị phản bội tiếp tục mang cái tư tưởng sai lầm ấy dấy lên đầu con dâu. Và rồi, cái nền suy nghĩ nó lại ăn sâu vào đầu phụ nữ, xã hội có hiện đại thế nào các chị cũng chẳng tiến bộ được.
Từ bao giờ mà phụ nữ lại dễ dàng chấp nhận và thỏa hiệp việc đàn ông "ong bướm" khác với đàn ông cặp bồ về đòi bỏ vợ? Vậy ra các anh cứ tha hồ mà ngoại tình, chỉ cần ngoan đạo với vợ con là được sao? Thế mới nói, phụ nữ dễ dàng với đàn ông ngay từ đầu thì chẳng khác nào nhà dột từ nóc.
Lại thêm 1 sai lầm cố thủ nữa của đàn bà khi chị Khuê mạnh miệng tuyên bố với kẻ cướp chồng mình: "Đàn ông kéo quần lên là trở mặt ngay". Quả nhiên không sai, nghe có vẻ thô thiển nhưng đàn ông lúc "trên giường" phần não sẽ hoạt động khác khi anh ta đã "xuống giường". Thế nên mới có những chuyện lúc "thả thính" thì "chúng mình làm bạn", "anh hứa có chuyện gì anh sẽ chịu trách nhiệm với em", nhưng xong xuôi lại "cô tự mình giải quyết đi, tôi không bao giờ bỏ vợ".
Đấy có thể là 1 phần số đông đàn ông tham lam nghĩ thế, nói vậy không có nghĩa những trường hợp còn lại không thể xảy ra. Và đôi khi, phụ nữ cứ chủ quan việc chồng có ong bướm thế nào cũng cần gia đình nên thành ra vừa mất chồng lại vừa làm trò cười cho kẻ khác.
Các chị ạ, trước khi bước chân vào 1 gia đình mới, gọi 1 người đàn ông là chồng thì hãy củng cố vị trí của bản thân trong căn nhà ấy. Còn nếu đã trót làm "cây tầm gửi" thì cũng đừng đòi hỏi những điều quá xa rời thực tế. Tình cảm mà đã không thể cứ vãn, thay vì để kẻ thứ 3 có cơ hội làm mình phiền lòng thì hãy chuẩn bị một hành trang vững chắc cho sự ra đi đầu không ngoảnh lại.