“Điều gì làm cô nhớ nhất về những người chồng của mình?”. Thật bất ngờ, đó không phải là những món quà đắt hay những chuyến du lịch: “Đó là hình ảnh chồng tôi vào bếp nấu những món tôi thích".
Ba nấu ngon hơn mẹ
Anh Nguyễn Quang Thuần (Q.12, TP.HCM) là dân Sài Gòn chính hiệu lấy được “cô em Bắc kỳ nho nhỏ”. Tình yêu giúp họ vượt qua mọi cản trở địa lý, nhưng cuối cùng kẹt ở đoạn ăn uống. Anh Thuần “kể tội” vợ: “Hồi mới cưới, bả nấu ăn tôi không tài nào nuốt nổi. Hai miền Bắc - Nam quả thực có nhiều điều khác nhau trong khâu ăn uống, tôi ưa ngọt, bả ưa mặn... Thế là mỗi bữa ăn bả nấu, bả ăn ngon lành, còn tôi thì ngồi ngó”.
Ngán cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” trong mỗi bữa ăn, anh Thuần xắn tay vào bếp. Ban đầu anh chỉ nấu những món miền Nam để phù hợp với khẩu vị của mình, dần dà anh học hỏi thêm cách nấu các món ăn miền Bắc. Vợ anh Thuần thương chồng, cũng chịu khó học cách nấu món ăn miền Nam lẫn cách nêm nếm gia vị cho phù hợp với khẩu vị của chồng. Từ đó mâm cơm gia đình hai miền Bắc - Nam trở nên hòa hợp dễ ăn, dễ nuốt hơn.
Tôi nói với anh Thuần: “Có rất nhiều doanh nhân từ Mỹ, châu Âu sang Việt Nam làm ăn. Một trong những lý do lớn nhất cản trở họ chính là làm quen với các món ăn bản xứ. Nhiều ông chịu không nổi mấy món nặng mùi như mắm, cá khô Việt Nam mà “bỏ của chạy lấy người”. Ăn uống nhiều khi cũng rất quan trọng, không hòa hợp được chuyện ẩm thực thì mâm cơm gia đình nhiều khi trở thành… tai họa. Thương vợ như anh Thuần, chịu khó vào bếp phụ vợ nấu ăn, chuẩn “gia đình văn hóa” rồi còn gì!”.
Đầu bếp nghiệp dư Sani (bìa phải): “Đừng mở lời nói yêu thương vợ nếu chưa nấu được cho cô ấy một bữa ăn ngon”
Anh Lê Quang Lâm (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) là chủ một doanh nghiệp nhỏ có bà xã làm giáo viên. Công việc làm ăn buộc anh Lâm phải giao tiếp rất nhiều. Anh Lâm cho hay, thật ra có tới 1001 lý do để từ chối bạn nhậu hoặc đối tác sau mỗi buổi chiều. Nhưng vì ham vui lẫn ham nhậu nên thời gian trước anh thường hay tụ tập bạn bè, đối tác để ăn nhậu, “tám” đủ thứ chuyện trên đời.
Cơ duyên làm bạn với ông táo của anh Lâm bắt đầu vào thời điểm doanh nghiệp anh làm ăn thua lỗ. Áp lực duy trì công ty đang trên đà đổ vỡ làm anh Lâm căng thẳng, mệt mỏi... dẫn đến stress.
Anh Lâm tếu táo: “Giai đoạn đó quả thật rất kinh khủng đối với tôi và cả gia đình, tôi trở nên gắt gỏng, dễ nổi nóng. Bia rượu không thể nào xoa dịu những khó khăn trước mắt, “nâng chén tiêu sầu càng sầu hơn”. Tình cờ tôi đọc được một bài báo nói rằng nấu ăn có thể giúp người ta giải tỏa bớt stress, thế là tôi bắt đầu đi chợ nấu những món ăn đơn giản cho cả nhà. Lâu dần tôi thấy thích thú với bếp núc, thời gian rảnh rỗi, tôi dành cho gia đình nhiều hơn.
Điều này giúp tôi lấy lại thăng bằng và bước qua cơn stress triền miên hồi nào không biết”. Từ khi anh Lâm bắt đầu thích thú với chuyện bếp núc, thú vui mỗi chiều tan việc của anh Lâm thay đổi hẳn. Thay vì chờ tin nhắn, cuộc gọi của bạn nhậu rủ nhau đi bù khú... anh lại tất tả vào siêu thị, đi chợ mua mớ thực phẩm mà mình ưng ý nấu ăn cho cả nhà.
Vợ anh Lâm khen chồng: “Ổng mới vào bếp nửa năm thôi mà tay nghề lên dữ lắm nha. Giờ ổng nấu ăn còn ngon hơn tôi nữa. Mấy đứa nhỏ bây giờ toàn đòi ba nó nấu mới chịu ăn cơm!”.
Đừng nói yêu vợ nếu chưa nấu cho cô ấy một bữa ăn ngon
Tôi gặp Sani tại lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” được tổ chức tại Bình Dương. Sani là đầu bếp nghiệp dư đến từ Ấn Độ. Gian hàng ẩm thực của Sani hôm ấy đông nghẹt khách tham quan. Đôi tay điêu luyện của Sani đang biểu diễn làm món bánh truyền trống của Ấn Độ: bánh Pita. Tôi thấy rất nhiều cô gái xinh đẹp xin phép Sani chụp hình lưu niệm. Sani vui vẻ chụp hình cùng mọi người, vừa tranh thủ bán đồ ăn cho khách tham quan.
Tôi hỏi Sani: “Ấn Độ phong kiến thế mà đàn ông vẫn vào bếp à?”. Sani đáp: “Mâm cơm gia đình của người phương Đông rất quan trọng, để giữ hạnh phúc gia đình cần vai trò cả phụ nữ lẫn đàn ông. Đừng mở lời nói yêu thương vợ nếu chưa nấu được cho cô ấy một bữa ăn ngon”.
Tôi chẳng biết Sani đúc kết chân lý đó ở đâu, nhưng trong thâm tâm có chút… thẹn thùng. Bởi vì từ khi lấy vợ tới giờ, tôi chưa nấu cho vợ con một bữa ăn ra hồn. Điều làm tôi hăng say vào bếp chính là làm mồi nhậu cho chiến hữu... lai rai, để các bạn nhậu khen tôi bằng những lời có cánh, rằng “thằng này làm mồi bén quá!” chẳng hạn. Có thể tôi sẽ chuyển sang nấu những món ăn mà vợ con ưa thích để cả nhà cùng ăn. Dù sao, chuyện đàn ông vào bếp cũng có nhiều cái lợi và thú vị...
Nữ diễn viên - người mẫu Phi Thanh Vân, từng trải qua hai lần hôn nhân đổ vỡ. Tôi hỏi cô ấy: “Điều gì làm cô nhớ nhất về những người chồng của mình?”. Thật bất ngờ, đó không phải là những món quà đắt giá, những chuyến du lịch đến những xứ sở thần tiên. Phi Thanh Vân chân thành: “Đó là hình ảnh chồng tôi vào bếp nấu những món mà tôi ưa thích. Hình ảnh người đàn ông với cái tạp dề lăn xả vào bếp toát lên vẻ nam tính và sức quyến rũ khó cưỡng”.
Đàn ông vào bếp có phải rất quyến rũ không? Câu hỏi này tôi sẽ đợi lúc thuận tiện hỏi bà vợ ở nhà. Nhưng cái lợi của việc đàn ông vào bếp đem lại cho gia đình là rất lớn. Phi Thanh Vân chia sẻ thêm: “Khi người chồng vào bếp sẽ tạo ra sự an tâm cho người vợ, cô ấy sẽ có cảm giác được bảo bọc che chở. Nhất là thời gian vợ nằm cữ (mới sinh đẻ), không vào bếp nấu ăn cho con cái được, nếu chồng vào bếp thì chắc chắn người vợ sẽ rất an tâm”.
Tôi bắt đầu hoang mang khi còn rất nhiều quan niệm trái chiều về việc đàn ông vào bếp, chẳng hạn: “Đàn ông vào bếp chỉ là thằng đàn bà”, hay “Đàn ông vào bếp là đồ vô tích sự chẳng làm nên trò trống gì”. Nhưng tôi nghĩ việc gia đình là việc chung, nấu ăn hay giặt giũ đều cần có sự chia sẻ của cả vợ lẫn chồng. Tôi không có tham vọng trở thành vua đầu bếp như Ramsay hay Martin Yan, nhưng có lẽ tôi sẽ xin lỗi đám bạn nhậu, bớt thời gian làm mồi cho chiến hữu để học nấu món ăn gia đình. Rất có thể chiều nay tôi bắt đầu với món rau luộc, chỉ cần bà vợ khen lấy lòng kiểu “anh luộc rau ngon quá”, biết đâu tôi sẽ nghiên cứu món tiếp theo: trứng chiên.