Số liệu năm 2018 cho thấy bình quân mỗi ngày một phụ nữ Ấn Độ phải dành 312 phút cho việc nhà trong khi đàn ông chỉ dành khoảng 29 phút.
Bác sĩ da liễu Rahul Nagar tại New Delhi cho biết gia đình ông có sự phân công lao động rõ ràng. Vợ của ông Nagar dù cũng là bác sĩ nhưng sẽ phải nấu nướng và >chăm sóc con cái. Cũng tương tự như bao gia đình trung lưu Ấn Độ khác, bác sĩ Nagar thuê người giúp việc để làm các công việc dọn dẹp nhà cửa còn bản thân ông hầu như chẳng làm việc nhà mấy.
Tuy nhiên đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chính phủ buộc phải áp đặt lệnh cách ly, khiến người giúp việc cũng phải ở nhà. Hệ quả là cuộc sống của bác sĩ Nagar hoàn toàn thay đổi. Trước đây cứ mỗi 5 tiếng làm việc nhà của vợ thì ông Nagar chỉ làm khoảng 1 tiếng thì nay vị bác sĩ này phải lo hầu hết mọi thứ, từ chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa cho đến nấu nướng.
"Vợ của tôi là bác sĩ cho bệnh viện công nên không thể nghỉ ở nhà mùa dịch như tôi mà phải trực liên tục. Bởi vậy tôi phải ở nhà và làm mọi thứ", ông Nagar ngậm ngùi.
Không riêng gì bác sĩ Nagar, các số liệu thống kê cho thấy đàn ông Ấn Độ chia sẻ việc gia đình nhiều hơn với vợ trong mùa dịch, một điều hiếm thấy với định kiến trọng nam khinh nữ vô cùng nặng của xã hội Ấn Độ.
Giáo sư kinh tế Ashwini Deshpande của trường đại học Ashoka đã so sánh dữ liệu của trung tâm CMIE giữa năm 2019 và 2020 để đi đến kết luận rằng việc bị cách ly khiến đàn ông Ấn Độ làm việc nhà nhiều hơn. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho bình đẳng giới tại Ấn Độ.
Báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy phụ nữ tại Ấn Độ cũng tương tự như nhiều quốc gia khác phải làm những công việc nội trợ không công mà chẳng được ghi nhận. Số liệu năm 2018 cho thấy bình quân mỗi ngày một phụ nữ Ấn Độ phải dành 312 phút cho việc nhà trong khi đàn ông chỉ dành khoảng 29 phút.
Tại Ấn Độ, những trang thiết bị giúp dọn dẹp nhà cửa như máy rửa bát, máy hút bụi… hầu như không phổ biến và phần lớn việc nhà phải làm thủ công. Đây là nguyên nhân khiến tầng lớp trung lưu thuê rất nhiều người giúp việc, từ người rửa bát cho đến dọn dẹp hay giặt giũ. Với giá lao động rẻ mạt từ tầng lớp nghèo khổ, các hộ gia đình trung thượng lưu cảm thấy không có vấn đề gì nếu không có máy giặt hay máy hút bụi.
Thế nhưng, dịch bùng phát khiến rất nhiều phụ nữ gia đình trung lưu quá tải công việc bởi họ đã quen với sự có mặt của người giúp việc. Hệ quả là những trận cãi vã nổ ra và vị thế của người đàn ông trong gia đình Ấn Độ bị lung lay.
Ngoài ra, việc 104 triệu nam giới mất việc trong tháng 4/2020 vì đại dịch cũng khiến tình hình xã hội Ấn Độ trở nên phức tạp. Đàn ông không có thu nhập lại phải ở nhà nhiều đã buộc họ tham gia các công việc nội trợ nhiều hơn để phụ giúp cho nữ giới.
Dẫu vậy, Giáo sư Deshpande cho biết bà cần chờ đợi thêm các cuộc khảo sát vào tháng 9/2020 để có thêm kết luận. Trong lịch sử, những biến động về xã hội như chiến tranh hay dịch bệnh thường sản sinh sự thay đổi trong cộng đồng và gGiaos sư Deshpande kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ làm cân bằng giới tính hơn trong xã hội Ấn Độ.