Đàn ông nói dối đều có nguyên do. Nếu họ nói dối với mục đích tốt thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu họ nói dối để che đậy điều không muốn vợ biết thì chắc chắn sẽ là họa sau này trong hôn nhân. Đàn bà khôn ngoan luôn có cách ứng phó cao tay khi biết chồng nói dối.
Khi biết chồng nói dối những điều không cần thiết, hay để che đậy điều gì đó, >đàn bà khôn không chọn bắt bẻ hay tra hỏi chồng. Vì lời nói thốt ra rồi chẳng thể bắt tại trận. Huống hồ, khi chồng đã nói dối rồi thì khi bạn tra hỏi chỉ tạo điều kiện cho anh ấy nói dối thêm. Điều cần làm ngay từ lúc đầu là im lặng và quan sát để tìm cho được chứng cứ. Có chứng cứ rồi thì nói chuyện với nhau cũng dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, đừng “bứt dây động rừng”, đừng để chồng phát hiện bạn đang nghi ngờ hay để tâm đến anh ấy. Bạn càng bận tâm lời nói dối của chồng, sẽ càng khiến anh ấy tìm cách che đậy những gì mình đang muốn giấu diếm. Tốt nhất là cứ vui vẻ như mọi ngày, lẳng lặng quan sát cho tới khi tìm được bằng chứng rõ ràng.
Mọi lời nói dối của đàn ông đều có nguyên do rõ ràng. Quan trọng là, lý do nói dối đó bạn có chấp nhận được hay không. Nếu anh ấy nói dối để tạo cho bạn bất ngờ, để bạn không lo nghĩ, không buồn phiền thì đó là một lời nói dối đáng để chấp nhận. Nhưng nếu chồng nói dối để che giấu lỗi sai nào đó thì nhất định không được bỏ qua. Bởi thế, hãy tìm cho ra lý do vì sao chồng lại phải dối lừa bạn. Đây cũng sẽ là điều cốt lỗi để thấy được những góc khuất trong mối quan hệ vợ chồng. Có gì bạn chưa biết, vì sao chồng phải giấu?
Khi đã tìm được nguyên do cho những lời nói dối của chồng, đàn bà khôn sẽ cho chồng cơ hội tự nhận lỗi. Họ sẽ khéo léo gợi mở bằng một ví dụ nào đó giống chồng. Họ sẽ thể hiện sự mong muốn lắng nghe những điều chồng chưa thể nói. Họ sẽ để chồng hiểu không có sự tổn thương nào hơn việc bị lừa dối trong hôn nhân. Họ muốn chồng tự nguyện nhận sai. Cách cư xử này không chỉ thể hiện sự cảm thông, bao dung của một người vợ, mà còn gợi mở để chồng “thú tội” dễ dàng hơn. Vì một người vợ khôn ngoan luôn tinh tế để chồng tự nguyện nhận mình sai và hối lỗi, hơn là chỉ ra lỗi sai của chồng. Họ muốn chồng thấy dù chồng có phạm lỗi, họ vẫn tôn trọng chồng trước.
Khi chồng nói dối, không người vợ nào thấy yên ổn được. Vì những lời nói dối sẽ là cội nguồn cho một sự đổ vỡ sau này, nếu như cả hai không kịp nhận ra và sửa chữa. Một cuộc hôn nhân chứa đựng quá nhiều lời nói dối sẽ chỉ đi đến kết cục tan vỡ nhanh chóng. Thật ra, dù là ai thì cũng sẽ có vài lần nói dối trong đời, kể cả là với những người mình yêu thương. Nhưng quan trọng là đừng để những lời ấy trở thành con dao đâm thủng hôn nhân của cả hai. Nhất là với đàn ông, có khi nói dối rồi sẽ thành quen, lạc đường lúc nào cũng không hay…