Với một người chồng vô tâm thì cho dù đàn bà hy sinh đến cả đời thì anh ta cũng chỉ gắn điều đó với trách nhiệm và bổn phận. Bi kịch của đàn bà chính là hy sinh cho một người không xứng đáng rồi mơ mộng một ngày sẽ nhận lại sự trân trọng.
Đàn ông tốt không bao giờ bắt người phụ nữ của mình phải hy sinh. Anh ta sẽ không bao giờ muốn nhìn thấy sự mệt mỏi, cực nhọc trên mặt vợ chứ huống hồ hy sinh cả thanh xuân, cả cuộc đời. Ngược lại, với một người chồng vô tâm, tệ bạc thì người >đàn bà hy sinh, có cố gắng đến kiệt sức vẫn chưa thấy đủ. Sai lầm của nhiều phụ nữ chính là hy sinh cho một người đàn ông không xứng đáng.
Anh họ của tôi chính là một người đàn ông sống hời hợt, vô tâm với vợ con như vậy. Cuộc sống hai vợ chồng anh còn nhiều khó khăn, con mới được mấy tháng vậy mà lúc nào cũng thấy anh nhàn nhã, đủng đỉnh. Ai từng chăm con mọn sẽ hiểu nuôi một đứa bé sẽ mệt nhọc và nhiều việc đến mức nào. Vậy mà buổi sáng anh đòi ăn sáng tại nhà với những món nóng sốt do vợ nấu. Ăn xong rồi đủng đỉnh đi làm. Chiều về thong thả ngồi nhậu tại quán, chén tạc chén thù với bạn bè đến nửa đêm mới về. Những ngày không đi nhậu, về nhà phải có cơm canh dọn sẵn. Anh ta chỉ việc ngồi ăn, buông đũa rồi nằm ườn chơi game. Vợ dọn dẹp, chăm con thì mặc kệ.
Tôi thỉnh thoảng qua nhà anh chị chơi, thấy anh cứ nằm hoài nên có ý nhắc anh phụ vợ chăm con. Anh lập tức bật lại: “Ở nhà có chăm con, nấu miếng cơm mà cũng than cực nhọc. Có bằng anh cô vất vả kiếm tiền ngoài kia không?”, “có chăm con mà cũng không làm được thì càm ràm nỗi gì?”… Mỗi lần nghe tôi nói vậy, chị vợ lại giả lả: “Ôi, không sao, chị là được hết mà. Chồng chị đi làm vất vả ngoài kia rồi, về nhà để cho ảnh nghỉ ngơi”.
Ở gần nhà nên tôi biết chị mệt mỏi và cực nhọc ra sao. Đứa con mới 4 tháng, lại hay ốm yếu nên chị nhiều đêm thức trắng. Vậy mà sáng ra đã phải dậy nấu nướng cho chồng. Chồng đi làm, tranh thủ từng phút con ngủ để giặt giũ, rửa chén, dọn nhà. Anh đâu biết, vợ anh vừa ẵm con vừa nấu ăn hay lau nhà. Bữa cơm ngon lành là cố gắng hết sức của chị vậy mà anh về cứ chê món nhạt, món mặn, không hợp khẩu vị. Lúc thì tặc lưỡi: “Biết vậy đi ăn tô phở cho lành”. Còn chị thì cứ im lặng, nhẫn nhịn. Chồng chê thì bữa sau lại cố gắng nấu ăn ngon hơn, dọn dẹp nhà cửa tươm tất hơn.
Chưa bao giờ anh thấy sự mệt mỏi của chị. Đã có lúc tôi thấy chị sốt hầm hầm vậy mà vẫn cứ cố chăm con, dọn dẹp trong khi chồng lại cứ nằm ườn như ông chủ. Tôi bảo với chị: “Tội tình gì cứ phải nhẫn nhịn, hy sinh mãi như thế?”. Chị bảo cũng vì muốn yên cửa yên nhà. Tính anh ấy xưa nay thế rồi, có nói cũng đâu thay đổi được điều gì. Chị cũng cứ cố gắng hết mức để làm vừa lòng chồng. Chỉ mong đổi lấy chút bình yên trong căn nhà. Nhưng chồng chị chẳng hề biết thương vợ, cứ đòi hỏi, yêu cầu chị phải làm tốt hơn.
Hôn nhân thật sự chính là sự sẻ chia và thấu hiểu. Đàn bà có chồng, có con dĩ nhiên sẽ đặt chồng con lên trên hết. Nhiều người phụ nữ vẫn rất hạnh phúc với sự hy sinh của mình bởi vì người chồng hiểu và biết ơn sự hy sinh đó. Còn một người >chồng tệ bạc, ích kỷ thì cho dù vợ có hy sinh đến cả đời anh ta chỉ gắn điều đó với trách nhiệm và bổn phận. Bi kịch của đàn bà chính là hy sinh cho một người không xứng đáng rồi mơ mộng một ngày sẽ nhận lại sự trân trọng.