Nghĩ đến những ngày tháng qua, chị rùng mình sợ hãi. Chị thà trở thành người đàn bà độc thân, thà sống một mình cả đời còn hơn mỗi ngày đều chịu giày vò, khổ sở.
Đàn bà lấy chồng, dẫu ở hoàn cảnh, ở địa vị nào cũng chỉ cầu mong bản thân có chốn đi về yên ấm, có một bờ vai nương dựa bình an. Thế nhưng, nếu ai cũng được như ước nguyện thì cuộc đời này đã không có những giọt nước mắt, những cuộc ly hôn đau khổ. Đôi khi, đàn bà độc thân còn sướng gấp vạn lần có chồng.
Chị họ tôi nhan sắc không vượt trội nhưng dễ nhìn. Đến 35 tuổi vẫn chưa kết hôn bởi chị còn nhớ người yêu cũ. Mối tình đầu ấy cứ ở mãi trong tâm trí khiến chị khó mở lòng với ai. Chị cũng thử quen vài người sau đó, nhưng được vài tháng lại chia tay. Ba mẹ, họ hàng rất sốt ruột cho chị. Bữa cơm nào cũng đem chuyện chồng con ra bàn. Đi đâu, chị cũng nghe hàng xóm hỏi những câu như: “Sao mãi chưa chịu có chồng?”, “Tính làm bà cô già à…”.
Rồi đùng một cái chị cưới. Người đàn ông làng bên, năm nay cũng xấp xỉ bốn mươi được mai mối cho chị. Chị nói với tôi, cưới đại cho ba mẹ yên lòng chứ thật tâm chẳng có tình cảm gì sâu nặng với anh. Nghe ba mẹ thở dài hoài chị cũng chán. Đám cưới đơn sơ diễn ra trong sự vui mừng, chúc phúc của hai họ. Chị tôi cứ rơm rớm nước mắt trong ngày cưới, chẳng hiểu vì vui hay vì buồn.
Cưới chồng rồi, cuộc đời chị bắt đầu chìm trong nước mắt. Sống chung dưới một nhà chị mới nhận ra chồng mình nghiện rượu nặng. Sau vài tuần sống tử tế, ít la cà nhậu nhẹt anh lại trở về sống với con người thật của mình. Buổi sáng, mở mắt ra anh đã kiếm chai rượu tu một ngụm cho đỡ thèm. Cả ngày không chịu làm ăn, cứ tụ tập ở quán nhậu gần chợ mà “chén tạc chén thù”. Có lần tôi đã thấy chị mình đứng khóc trong quán nhậu. Chị tìm đến tận nơi, năn nỉ anh về. Anh không về mà còn quát tháo chị trước mặt bao nhiêu người. Chị tôi buồn, tìm về khóc với mẹ. Bác tôi lại lựa lời bảo chị mềm mỏng mà khuyên răn chồng.
Chị vốn sống bằng nghề may, những tưởng cưới chồng về có người đỡ đần, ai ngờ chị phải còng lưng làm lụng mệt nhọc để nuôi thêm chồng. Những đêm say về, hễ chịu lên tiếng bảo anh thay đổi anh không ngại ngần vung tay tát chị. Rượu biến anh thành một con người khác, cộc cằn thô lỗ. Rồi chị tôi có thai. Chị mừng rơi nước mắt, cũng nghĩ chồng mình sẽ thay đổi khi có con. Nhưng vui mừng vài bữa, không có rượu trong người anh như mất sức sống và khi bạn bè rủ rê lại chứng nào tật ấy. Những ngày có bầu chị khổ sở vô cùng. Không được chồng quan tâm chăm sóc lại bị anh chửi rủa, có lần nhậu say về chị càm ràm anh tát chị rồi đập luôn cái máy may.
Vì quá mệt mỏi nên chị tôi sinh non. Thằng bé sinh thiếu tháng cứ ốm dặt dẹo, khóc lóc cả ngày lẫn đêm. Anh chồng vẫn chứng nào tật ấy, bỏ bê vợ mới sinh mà đi nhậu nhẹt đến nửa đêm mới về. Chị tôi u uất đến mức trầm cảm. Bác tôi phải đón chị về chăm sóc. Khi vợ sang nhà ngoại, chồng chị không hề sang thăm hay đỡ đần gì. Nhiều lần sang thăm, tôi thấy chị len lén lau nước mắt. Tôi biết chị rất buồn khi có người chồng như vậy. Nghĩ tới tương lai mù mịt phía trước mà không khỏi đau lòng.
Trước khi chưa cưới chồng cuộc sống của chị vui vẻ biết bao nhiêu. Còn bây giờ, dù khóc cạn nước mắt thì cũng chẳng thể làm chồng thay đổi. Có con rồi mà anh vẫn không hề suy nghĩ lại. Con ma men trong người lấn át ý chí, làm anh bạc nhược. Sống với người chồng như vậy chị liệu có hạnh phúc? Chị có chồng, chưa một ngày nào được quan tâm, ghé vai phụ giúp việc gì dù lớn hay nhỏ, lại còn bị đánh bị chửi? Vậy chị có chồng để làm gì?
Rồi chị quyết định ly hôn với chồng và ở hẳn bên nhà mẹ. Cuộc sống của người đàn ông đó bây giờ không còn liên quan đến chị. Công việc may vá cũng đủ cho mẹ con chị sống qua ngày. Nghĩ đến những ngày tháng qua chị rùng mình sợ hãi. Chị thà trở thành người đàn bà độc thân, thà sống một mình cả đơn còn hơn mỗi ngày đều chịu giày vò, khổ sở.