Đàn bà 30 đều đã từng buồn nhiều để dần hiểu rằng mình xứng đáng với những niềm vui. Với họ, nỗi buồn rồi cũng chỉ là một nốt trầm phải có trong một bản nhạc đã có nhiều nốt thăng.
Trước những năm 30 tuổi, đàn bà dễ buồn mà lại chẳng mấy khi vui lâu. Nỗi buồn ấy có thể vì duyên tình lận đận, còn cuộc sống lại lắm đa đoan. Buồn vì người chưa nói đã đi, vì thiên hạ chua cay khó lường. Buồn cả những khi chuyện đời không suôn thuận, mà phận đàn bà lại lắm gian truân. Còn niềm vui khi ấy có khi cũng ngập tràn, vậy mà chẳng giữ được lâu. Vì đàn bà không đủ sức bảo vệ đến cùng, dễ để người khác lấy đi, cũng dễ bị buồn phiền ở đời chiếm hết.
Thật ra, khi ấy đàn bà vẫn còn trẻ, >nỗi buồn chỉ như bản chất mỏng manh trước những năm tháng đầu đời chưa vững vàng. Đã yếu đuối chính là chưa thể bảo vệ được bản thân, cả niềm vui nụ cười của mình. Còn xem trọng dưng lạ thì sẽ còn buồn, còn chưa biết quý trọng mình ắt khó vui lâu được. Còn không đủ sức tự vui tự hạnh phúc, sẽ còn dài ngày khó khăn.
Nhưng đến những năm 30, nỗi buồn của đàn bà lại mang một vóc dáng khác. Đàn bà chưa 30 sẽ chưa biết nỗi buồn có thể nhẹ nhàng như một cái phẫy tay. Đàn bà chưa 30 sẽ chưa biết nỗi buồn có khi cũng thật đẹp, thật nhẹ, thật chẳng là gì quá đáng.
Những năm 20, đàn bà buồn sẽ khóc, chẳng thiết ăn thiết uống, sẽ trầm mình trong tuyệt vọng bi thương. Còn >đàn bà 30 có thể ngồi thong dong nhấm nháp ly cà phê, dáng hình như tỏa sáng, cũng chẳng ai hay họ buồn. Đàn bà khi trẻ có thể vì nỗi buồn mà đổi thay không ngừng, hay có khi lỡ làng đánh mất chính mình. Còn đàn bà 30 vẫn có khi buồn, nhưng cứ buồn là sẽ đẹp hơn, sẽ biết xài tiền phù phiếm cho bản thân. Đàn bà đàn bà chưa 30 chỉ xem nỗi buồn là những gì người ta nhất quyết bắt họ nhận lấy. Còn đàn bà khi 30 lại nghĩ nỗi buồn chỉ là một vật kèm theo khi họ mua một món đồ mình thích.
Đàn bà 30 luôn có thể thản nhiên trước mọi nỗi buồn. Không hẳn là họ sống bất cần, không sợ trời sợ đất. Chỉ là 30 đã là độ tuổi đủ chín để đàn bà nhận ra buồn phiền mấy thì con người vẫn phải sống. Họ chấp nhận nỗi buồn, nếu đó là từ chính họ mà ra. Họ cự tuyệt mọi cảm giác tiêu cực từ cuộc đời hay người khác mang đến. Họ có thể cho đi để vui, và cũng có thể lấy lại chỉ vì người khác không trân trọng. Họ không xem sự từ chối và không tôn trọng của người khác là nỗi buồn mình phải nhận.
Ngược lại, họ vui vì mình đã muốn cho, họ hài lòng với món quà mình đã chuẩn bị cho đối phương. Họ biết tìm niềm vui trong cả sự chối từ cự tuyệt. Vì hơn hết, họ chỉ muốn bảo vệ niềm vui và sự an yên của bản thân, không vì ai khóc thêm, cũng không vì điều gì buồn thêm, ngoại trừ vì chính mình.
Đàn bà 30 dần biết sẽ không nỗi buồn nào trên đời quan trọng bằng chính họ. Họ không giữ buồn phiền cho mình, điều họ muốn giữ là thứ cảm xúc và mong muốn nguyên sơ của bản thân. Nỗi buồn suy cho cùng chỉ là một sự không thỏa mãn, không hài lòng, nó không nên là cả cuộc sống và cảm xúc của họ. Và họ chỉ giữ riêng nỗi buồn bên cạnh trái tim và cuộc sống của mình. Để yên nó ở đó, còn bản thân lại thong thả mà sống với những gì mình muốn.
Đàn bà 30 đều đã từng buồn nhiều để dần hiểu rằng mình xứng đáng với những niềm vui. Với họ, nỗi buồn rồi cũng chỉ là một nốt trầm phải có trong một bản nhạc đã có nhiều nốt thăng.