"Sau một thời gian tiếp xúc và làm việc với các bạn trẻ Việt Nam, tôi nhận thấy có rất nhiều những niềm trăn trở, đi hay không đi, theo đuổi hay không theo đuổi, làm hay không làm?".
Sợ bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân chính là một trong những vấn đề nóng hổi nhất của người trẻ hiện nay. Và cũng chính từ nỗi sợ vô hình ấy, các bạn trẻ đã hình thành trong đầu mình biết bao nhiêu là trăn trở, ngập ngừng, phân vân. Tuy nhiên, chuyện đó sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trăn trở rồi các bạn bắt tay vào hành động.
Đáng tiếc, hành động không thấy đâu mà chỉ có mỗi niềm trăn trở còn đọng lại mãi trong đầu, không sao tháo gỡ. Cứ thế nhiều năm sau đó, ai cũng ngoảnh mặt nhìn về và hối hận khôn nguôi.
Xoay quanh đề tài này, mới đây, Nguyễn Phi Vân - chuyên gia nhượng quyền thương hiệu cực kỳ nổi tiếng trên MXH đã chỉ ra 4 niềm trăn trở phổ biến nhất mà 10 năm sau, người trẻ sẽ vô cùng hối hận nếu không bắt tay thực hiện ngay từ bây giờ:
4 NIỀM TRĂN TRỞ
Sau một thời gian tiếp xúc và làm việc với các bạn trẻ Việt Nam, tôi nhận thấy có rất nhiều những niềm trăn trở, đi hay không đi, theo đuổi hay không theo đuổi, làm hay không làm? Hôm nay, chia sẻ với các bạn 4 điều ta sẽ hối hận lắm trong 10 năm tới nếu trăn trở vẫn cứ là trăn trở.
1. Waiting for a perfect time - Chờ thời điểm hoàn hảo
Sẽ chẳng có khi nào là 'perfect - hoàn hảo' để bắt đầu một dự án mới, viết một quyển sách, dành thời gian cho gia đình, hay thay đổi một thói quen xấu.... Sẽ luôn luôn có khó khăn, thử thách. Cứ bắt đầu ngày hôm nay đi đã.
Với mỗi bước đi mới bạn sẽ học cách mạnh mẽ lên, học được nhiều kỹ năng và kiến thức hơn, tự tin hơn, và thành công hơn. The time is now. There is never a perfect time - Thời gian khởi đầu là hiện tại. Sẽ chẳng có khi nào là đúng lúc.
2. Waiting to be picked - Chờ người khác chọn mình.
Trong hành trình của mình, tôi gặp rất nhiều người có khả năng, nhưng họ chỉ ngồi đó chờ người ta đưa cho mình cơ hội. Thời gian đầu đi làm việc quốc tế không tên không tuổi, tôi phải tự mình đi gõ cửa giới thiệu mình với các công ty tổ chức hội nghị quốc tế, tham gia những buổi thảo luận nhỏ, rồi từ đó chứng minh năng lực của mình, xây dựng uy tín của mình.
Những việc này có khi chẳng tính ra được bằng tiền, nhưng sự hiện diện của bạn trong các sự kiện dù bạn đang làm bất cứ ngành nào là vô giá. Kết nối bắt đầu từ đó. Cơ hội bắt đầu từ đó. Đừng chờ người khác chọn mình. Hãy tự chọn mình và hành động.
3. Living someone else's dreams - Sống cho giấc mơ của người khác
Mỗi chúng ta đều có một hoàn cảnh khác nhau, một gia đình và môi trường sống khác nhau. Nếu bạn chưa có một giấc mơ của riêng mình, hãy dành thời gian cho bản thân để nghĩ về điều đó.
Nếu bạn đang sống nhờ vào giấc mơ người khác, dù là cha mẹ, ông bà, anh chị hay một ai đó trong đời, hãy biết rằng mình không nợ ai một giấc mơ. Cuộc đời quá ngắn ngủi. Tuổi xuân rất có hạn. Một ngày nào đó khi mỏi gối chồn chân, bạn sẽ ngồi đó hối hận vì đã sống nhờ vào giấc mơ người khác.
4. Failing to try - Thất bại vì chưa thử lần nào
Tặng các bạn câu này "Try and fail, but don't fail to try." ―John Quincy Adams. Hãy thử dù có thất bại, nhưng đừng thất bại vì chưa bao giờ thử. Làm không được thì làm lại. Làm chưa tốt thì tìm cách làm tốt hơn. Thất bại không đại diện cho giá trị con người của bạn. Thật ra, bạn không dám dấn thân vì bạn đang ở trong vùng an toàn, thử mà thất bại thì sợ mất mặt.
Chẳng lẽ ngồi đó nhìn cả đời mà chẳng làm gì? Người thành công ai chẳng đã từng thất bại? Vậy mới có chuyện hay để khi thành công rồi kể lại cho đời. Tiểu thuyết cuộc đời mình là do mình viết đấy. Một hay vài chuyện thất bại chỉ làm cho đời nhiều màu sắc hơn, làm cho nhân vật sâu sắc hơn, làm cho câu chuyện đáng giá hơn.
Nên thôi, đừng ngồi đó mà trăn trở nữa. Không có bước đi đầu tiên, không có hành động đầu tiên dù còn rất vụn về thì mớ suy nghĩ bòng bong thời gian qua cũng chỉ là dụng binh trên giấy.