Bạn có biết, thứ có thể khiến người khác khó chịu này hầu như ai cũng đã từng một lần sở hữu?

Phong Kim 05:11 06/08/2020

Trên thế gian này, thứ dễ dàng khiến con người cảm thấy ghê tởm, khó chịu nhất không gì có thể vượt qua một gương mặt giận dữ.

Thứ dễ dàng khiến người ta hài lòng nhất trên thế gian này không gì có thể so sánh với một gương mặt lúc nào cũng nở nụ cười đối diện với tất cả mọi người.

Có thể, bản chất bạn là một người tốt nhưng tính khí không tốt, lúc nào cũng mang một khuôn mặt đằng đằng sát khí, thần thái khó coi thì:

Con cái nhìn thấy, sẽ không dám lại gần;

Bố mẹ nhìn thấy, sẽ không muốn tiếp cận;

Bạn đời nhìn thấy, tình cảm cũng sẽ ít nhiều bị hao hụt.

Trên đời, người không được đối đãi tử tế nhất, thực ra chính là những người có tính khí dễ kích động, dễ nổi giận, không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân.

Kiểu người nào khổ nhất?

Có người thường hay nói, những người khẩu xà tâm phật là những người khổ nhất.

Bởi rõ ràng là xuất phát từ tấm lòng chân thật nhưng khi lời vừa ra đến miệng đã trở thành những thứ nặng mùi khiêu khích, thiếu thiện chí; rõ ràng là muốn tốt cho người khác nhưng chẳng nói được một câu dễ nghe.

Nguyên nhân là bởi tính khí của họ không tốt, muốn nói những lời quan tâm nhưng lại bị tính khí của mình làm cho méo mó.

Cũng có người nói, người hay nóng nảy, dễ giận dữ, hấp tấp vội vàng là những người khổ nhất.

Bởi vì họ nóng nảy hấp tập vội vàng, nên càng theo đuổi sự hoàn mỹ lại càng khiến bản thân phải chịu thêm áp lực. Khi áp lực, lo lắng tích tụ lâu ngày, nó sẽ đè nặng và quật đổ họ, quật đổ cả những người thân xung quanh họ.

Thế nên, điều mà chúng ta vẫn thường gặp trong cuộc sống này mới là: Con người thường dành sự tử tế lịch sự và nhã nhặn cho người lạ, người ngoài và trút hết sự giận dữ, nóng nảy lên gia đình, người thân và chính bản thân mình.

Sự phiền não trong tâm là một nỗi khổ, người nhà tổn thương vì tính khí nóng nảy của bạn – đó cũng là một nỗi khổ.

Tính khí không tốt, lẽ tự nhiên những lời nói phát ra vào thời điểm đó cũng chẳng thể quản lý được.

Và khi bạn nổi cơn thịnh nộ, những lời nói ra từng câu từng câu đều như những nhát dao, không chỉ làm tổn thương những người xung quanh quan tâm đến bạn, người bị thương nặng nhất lại chính là bạn.

Người quan tâm đến bạn, chỉ một câu nói độc địa vô tâm cũng đủ khiến họ như bị sát muối vào lòng. Còn người không quan tâm đến bạn, dù bạn có nói gì, họ cũng chẳng bận lòng. Vì thế, hãy kiểm soát cảm xúc, tính khí của bản thân và kiểm soát thật tốt cái miệng – lời ăn tiếng nói.

Trên đời này, không phải ai cũng bao dung cho tính khí nóng nảy lỗ mãng của bạn. Cũng không phải ai cũng có thể hiểu cho tấm lòng của bạn đâu.

Có một tấm lòng tốt đẹp, tử tế không sai, nhưng tất cả chúng ta đều cần phải học, phải biết cách ăn nói. Đừng bao giờ dùng ngôn ngữ của sự nóng nảy giận dữ để bày tỏ sự tử tế của tấm lòng.

Chúng ta cần hiểu rằng, càng là người thân thiết với ta, lại càng cần có được sự đối đãi tử tế của ta, chứ không phải là thứ cảm xúc bốc đồng, mất kiểm soát.

Dù là sống cùng ai đi nữa, cũng đều cần phải biết cách đặt mình vào vị trí của họ để suy nghĩ cho thấu đáo. Nếu như người khác cũng luôn đối xử với bạn bằng thứ tính khí chẳng ra gì, có lẽ bạn đã sớm rời xa họ rồi.

Thế nên, hãy luôn suy ngẫm và phản tỉnh, nhắc nhở bản thân, phải kiểm soát tốt cảm xúc của mình và đặt mình vào vị trí của người khác, người khác sẽ thấy vui và bản thân bạn cũng sẽ nhận lại niềm vui.

Khi con người chơi, sống với người khác lâu dần, tính khí cũng sẽ trở nên giống nhau. Khi bạn đối xử tử tế ân cần với người khác, bạn sẽ cảm nhận được sự dịu dàng ấm áp của họ.

Còn khi đối xử với người khác bằng thứ tính khí xấu xí, thứ bạn nhận được cũng vậy thôi, không hơn không kém.

Hãy nhớ, ít "đắc tội" với người khác chính là cách để hạn chế "đắc tội" với chính mình. Hãy học cách thay đổi tính khí theo hướng tích cực, để các mối quan hệ trong cuộc sống này trở nên hài hòa hơn, và lẽ tự nhiên, khuôn mặt giận dữ - thứ đáng ghê tởm nhất trên đời cũng sẽ không còn lý do để tồn tại.

Tu luyện tính khí của bản thân cũng chính là tu luyện cuộc đời của chính mình.

Theo Nguyễn Nhung/Tổ Quốc