Vạn vật sống ở trên đời đều tồn tại trong mối quan hệ duyên - nợ. Nếu không có duyên có nợ với nhau thì làm sao gặp gỡ? Vậy con cái và cha mẹ ở kiếp này có duyên nợ gì với nhau?
Theo quan niệm duy vật, hay nói chính xác hơn là theo những suy nghĩ cố hữu từ ngàn đời xưa, cha mẹ xem con cái của mình như là một vật sở hữu. Cha mẹ mang nặng đẻ đau, bỏ công dưỡng dục những đứa trẻ, do đó, con cái là vật sở hữu của cha mẹ. Ngoài ra, ở bất kì một thời điểm nào đó trong suốt cuộc đời, cha mẹ thường có suy nghĩ, mình lớn tuổi hơn, trưởng thành hơn, khỏe mạnh hơn con cái. Đó là lí do vì sao cha mẹ cho rằng, mình có quyền ngự trị trong gia đình và con cái thuộc quyền sở hữu của họ.
Tuy nhiên, theo phương diện >tâm linh thì quan điểm chúng sinh bình đẳng được đề cao hơn cả. Điều đó có nghĩa là cha mẹ không hề cao hơn với con cái, không hề có quan hệ chủ sở hữu đối với con cái của mình. Thậm chí, dù cha mẹ sinh ra con cái cũng không thể nói cha mẹ sáng tạo ra con cái. Cha mẹ chỉ sinh ra thể xác của con cái ở kiếp này, nơi chứa đựng linh hồn - điều tồn tại mãi mãi của mỗi chúng sinh. Chính vì vậy mà có câu nói "cha mẹ sinh con trời sinh tính" lưu truyền nhiều đời nay. Con cái và cha mẹ đến với nhau trong kiếp này đều là do duyên nợ. Vậy con cái và cha mẹ ở kiếp này có duyên nợ gì với nhau?
Phật nói: Con gái ở kiếp này là người tình của người cha ở kiếp trước. Kiếp trước không đến được với nhau, tình cảm chưa dứt, nên kiếp này đầu thai làm cha con, tiếp nối đoạn tình cảm không trọn vẹn kia. Còn con trai ở kiếp này là chủ nợ của cha mẹ ở kiếp trước. Kiếp này đứa con trai đến là để đòi món nợ mà kiếp trước cha mẹ chưa hoàn thành.
Theo lời Phật, con cái và cha mẹ tồn tại trong các mối quan hệ nhân duyên như sau: Báo ân - báo oán, đòi nợ - trả nợ.
Đầu tiên là mối quan hệ nhân duyên do báo ân: Trong kiếp trước, hai bên (tức cha mẹ và con cái kiếp này) có ân huệ với nhau, đến kiếp này, trong quá trình đi đầu thai, người con thấy cha mẹ (người quen có ân ở kiếp trước) nên đầu thai vào gia đình này. Người con đến với gia đình sẽ trở thành một người con có hiếu, báo đáp lại ân tình khi xưa. Chính vì thế mà trong dân gian, đối với những gia đình có con cái ngoan ngoãn, có hiếu với cha mẹ, người ta thường nói nhà đó có phúc, cha mẹ kiếp trước tu thân tích đức nhiều nên kiếp này mới được hưởng sự báo hiếu của con cái.
Tiếp theo là mối quan hệ nhân duyên do báo oán: Trong kiếp trước, cha mẹ làm điều không tốt, tạo oán đối với người con. Người con đến kiếp này sẽ trở thành đứa con làm cho cha mẹ phải lo lắng cả đời, làm tổn hại về kinh tế, sự nghiệp, sức khoẻ, tính thần của đấng sinh thành.
Loại nhân duyên tiếp là nhân duyên do đòi nợ: Trong kiếp trước, cha mẹ thiếu nợ con cái về tiền bạc, tình cảm hoặc điều gì đó. Đến kiếp này người cha người mẹ phải thực hiện trả nợ. Đây là một trong những loại nhân duyên để lại nhiều nỗi đau trong cuộc đời cha mẹ nhất bởi trong mối nhân duyên này, họ phải chịu nỗi đau người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Theo quan niệm nhà Phật, nếu cha mẹ nợ ít, con cái sẽ chỉ đến vài năm rồi đi, nếu nợ nhiều thì con cái sẽ ở đến lớn rồi đi.
Một loại nhân duyên nữa là nhân duyên trả nợ: Nghĩa là trong những kiếp sống trước, con cái thiếu nợ cha mẹ nên kiếp này đến để trả nợ bằng cách phụng dưỡng cha mẹ. Nếu nợ ít, sự phụng dưỡng ở mức bình thường, thậm chí tệ bạc. Nếu nợ nhiều, thì người con sẽ làm lụng chăm chỉ, lo cho cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ chu đáo.
Suy cho cùng, không có duyên không quen biết, duyên nợ không nặng không thành cha mẹ con cái. Con cái và cha mẹ kiếp này đến với nhau nhất định do mối nhân duyên tiền định không thể chối bỏ. Chưa biết chưa có tội, nhưng nếu biết rồi mà vẫn không tích đức để những kiếp sau có được mối nhân duyên cha mẹ con cái tốt đẹp thì không được.
Do đó, mỗi người chúng ta, dù với thân phận là con cái hay là cha mẹ, thì cũng cần phải sống tốt, sống có đạo đức để những kiếp sống sau có được sự viên mãn trong mối nhân duyên con cái - cha mẹ.