Nếu tất cả các đức ông chồng đều cho rằng chỉ cần tặng cho vợ một món quà trong ngày 8/3 là có thể yên tâm không lo bị “bắn tỉa” bởi những “đôi mắt hình viên đạn” thì các ông đã lầm to.
Ngày 8/3, anh Thi mang quà về vội vàng “đưa” cho vợ như mọi năm. Rồi anh vội vã đi. Anh đi đâu? Đi nhậu cùng bạn bè, đi chơi thể thao, đi dancing hay… đang đưa một cô bạn gái nào đó đi shopping? Bao nhiêu câu hỏi quanh quẩn trong đầu chị Thi nhưng chị không tiện hỏi. Chị không ghen tuông, trách hờn, chỉ là cảm thấy tủi thân mà thôi.
Không cả việc mở ra xem đó là món gì, chị mang gói quà để trong hộc tủ, sắp hàng với những gói quà 8/3 của các năm trước và thấy lan tỏa một nỗi buồn vô cớ.
Vì sao món quà 8/3 không mang đến cho chị hạnh phúc hay ít nhất là một niềm vui?
Cuộc sống gia đình chị dư thừa về vật chất. Chị cần gì ở chồng? Chị cảm thấy thiếu một sự ân cần chia sẻ. Anh ấy không hiểu rằng, phụ nữ cần nhất sự thấu hiểu và cảm thông. Chẳng ai muốn bên nhau mà không có lấy một sự thấu hiểu.
Phụ nữ cần hiểu khó khăn của chồng để cùng chia sẻ, đàn ông cũng cần thấu hiểu vợ để chia sẻ, nuông chiều. Anh đâu hiểu rằng đối với chị, có những khoảnh khắc bình thường của >đời sống vợ chồng dễ dàng nằm sâu trong ký ức của chị. Chỉ một cái nắm tay, một hành động vuốt tóc, một phút gần nhau bối rối đã đủ để con tim rung động. Anh đâu biết rằng chị thích một buổi tối 8/3 có nến và hoa trong một không gian trữ tình, lãng mạn chỉ có hai vợ chồng. Chị không cần một món quà đắt tiền vội vàng, mang tính “thủ tục” của anh.
Chị cần người đàn ông trưởng thành, tinh tế, lãng mạn, chân thành để chị luôn có cảm giác an toàn khi ở bên người đàn ông mình yêu. Chị cần được bảo vệ và chở che về mặt thể chất lẫn tinh thần. Chị muốn anh luôn ở bên cạnh mỗi khi chị cần. Chị muốn anh ấy có thể giúp chị thoát khỏi những bất an, phán xét hay thói xấu của cuộc đời.
Chị muốn anh hiểu và trân trọng những điều chị làm cho anh và gia đình cũng như sự có mặt của chị trong cuộc đời của anh ấy. Nhưng hình như anh chưa hề nghĩ về chị như thế.
Đàn ông đôi khi đánh giá sai lầm người phụ nữ bên cạnh mình vì anh ta không có khả năng thấu hiểu. Vì không thấu hiểu nên nhiều ông chồng không biết rằng, có khi người vợ đâu cần những món quà đắt tiền. Một cử chỉ lãng mạn, một lời nói yêu thương đôi khi lại làm họ thấy ấm lòng. Phụ nữ luôn muốn được lắng nghe, tâm sự và chuyện trò cùng với chồng mình chứ không phải là một món quà vô tri giác. Nhiều anh chồng nghĩ ngược lại, thay vì thường xuyên trò chuyện, tâm sự, giãi bày với vợ mình thì canh đến ngày lễ tết, sinh nhật…“quăng” cho một món quà càng có giá trị càng yên tâm.
Để duy trì cuộc hôn nhân được lựa chọn do tình yêu, cả hai cần phải biết cách dung hòa để đáp ứng, chấp nhận nhu cầu của nửa kia thay vì ra sức tranh cãi để giành mọi thứ theo mong muốn của bản thân. Kết hôn là đích đến hạnh phúc của những người yêu nhau nhưng lại là thời điểm bắt đầu cho cả hai học cách sống lâu dài, hạnh phúc bên nhau. Càng hiểu về thực tế hôn nhân, người ta sẽ càng biết cách xây dựng hôn nhân bền vững cho mình.
Theo thời gian, ai rồi cũng sẽ thay đổi. Hôn nhân bền vững khi người ta biết linh hoạt và thích nghi với hoàn cảnh, với mọi sự thay đổi tất nhiên.
Cuối cùng, chị Thi nhận ra rằng, nếu mình kỳ vọng mối quan hệ của mình với bạn đời sẽ mãi như hồi mới cưới thì đó là điều không tưởng. Thay đổi không phải là mối đe dọa đối với hạnh phúc mà là cơ hội để cuộc hôn nhân trở nên thú vị hơn.
Tuy nhiên, dẫu sao chị vẫn muốn nói cho anh biết, không phải là một món quà trao nhau vội vàng mà là một bữa ăn ngon hay đi mua sắm, dạo phố hoặc một chuyến du lịch ngắn ngày cùng nhau mới là cần thiết cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, không chỉ riêng dành cho ngày 8/3.