Tiểu thư Vi Kim Ngọc - con gái của quan Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định - đã làm một cuộc cách mạng trong giới trâm anh thế phiệt hồi đầu thế kỷ XX khi dám xin cha từ hôn một thiếu gia danh giá để tự lựa chọn ý trung nhân của đời mình.

07:10 17/08/2020

Bà Vi Kim Ngọc đã làm cuộc cách mạng nữ quyền đầu tiên của thế kỷ XX khi dám xin cha mình sêu trả một hôn ước được sắp đặt từ thủa 13 để tự lựa chọn hôn nhân trên cơ sở của tình yêu. Đến bây giờ >chuyện tình đẹp của bà Vi Kim Ngọc và ông Nguyễn Văn Huyên vẫn khiến con cháu và những người biết chuyện ngưỡng mộ.

Khi cô tiểu thư đẹp người đẹp nết đấu tranh để tự chọn hạnh phúc đời mình

Quan Tổng đốc Vi Văn Định tuy nổi tiếng nghiêm khắc trong cuộc sống gia đình nhưng lại là người tiếp thu văn minh phương Tây từ rất sớm. Các cô con gái của cụ đều được dạy dỗ theo lối Tây học, được học tiếng Pháp, học đàn piano, học vẽ, học nhảy đầm… Vì thế, tiểu thư Vi Kim Ngọc ngay từ nhỏ đã “cầm kỳ thi họa”. Khi cụ Vi còn làm quan ở Hưng Yên, cứ đều đặn hàng tuần, cụ sai người đưa con gái lên Hà Nội học. Cô giáo của tiểu thư Vi Kim Ngọc từng kể lại ấn tượng sâu đậm về cô học trò xuất thân lá ngọc cành vàng rằng: “Cái làm tôi thích thú nhất là Ngọc đánh dương cầm hay, lại biết vẽ, tính tình ý nhị nhẹ nhàng. Theo tôi, thật là một người lý tưởng…”

Bà Vi Kim Ngọc

Tiếng thơm của ái nữ nhà quan Tổng đốc nổi tiếng khắp vùng. Năm tiểu thư Vi Kim Ngọc 13 tuổi, hai họ Vi và họ Dương đã hứa hôn. Thiếu gia Dương Thiệu Tước là một thanh niên ưu tú, nổi tiếng trong giới tân nhạc lúc bấy giờ. Ông nội của Dương Thiệu Tước nguyên là quan Tổng đốc Nam Định Dương Khuê (người bạn thân của nhà thơ Nguyễn Khuyến). Tuy nhiên, vào năm 16 tuổi, trước ảnh hưởng của “làn gió mới” khi các nữ nhân theo Tây học ngày càng nhiều, tiểu thư Vi Kim Ngọc đã đấu tranh với cha mình để từ chối hôn ước này. Cô tiểu thư xinh đẹp chỉ một lòng mơ ước “chọn người tài đức để trao gửi thân, nếu không gặp được đấng nam nhi hào hùng thì thà ở một mình suốt đời”.

Cô tiểu thư Vi Kim Ngọc đã đấu tranh với cha, từ chối cuộc hôn nhân sắp đặt để đợi gặp được người tài đức cũng như tìm được hạnh phúc đích thực của mình.

Điều bất ngờ là cụ Vi Văn Định đã đồng ý trả lễ hứa hôn trong 3 năm theo truyền thống để con gái tự chọn người yêu. Lúc bấy giờ, hủy hôn là điều cấm kị, bởi việc này ảnh hưởng tới danh dự của nhà trai lẫn nhà gái. Nhưng vì tôn trọng hạnh phúc của con, quan Tổng đốc đã có hành động vượt ra khỏi khuôn khổ Nho giáo thông thường.

Năm 1935, trước khi GS Nguyễn Văn Huyên về nước, một người bạn của tiểu thư Vi Kim Ngọc đã đưa cho bà xem bức ảnh chân dung chàng trai 30 tuổi rất mực tuấn tú, giới thiệu là Tiến sĩ Văn khoa, lại còn có bằng cử nhân Luật. Bà Kim Ngọc nhận lời gặp gỡ. Ai ngờ vừa gặp, cặp trai tài gái sắc đã cảm mến nhau, “tình trong như đã mặt ngoài còn e”.

Theo lời kể của GS Nguyễn Văn Huy, ông Huyên và bà Kim Ngọc đã có cuộc tiếp xúc riêng đầu tiên tại Thụy Khuê, trong tư gia một người bạn gái là con gái của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. “Hôm ấy cha tôi đến cùng GS Nguyễn Mạnh Tường. Đó là lần đầu tiên cha mẹ tôi nói chuyện riêng với nhau. Sau đó cha tôi bỏ ông Nguyễn Mạnh Tường ở lại, đưa mẹ tôi lên xe hơi riêng, đi dạo mát vòng quanh Hà Nội”.

Thời gian sau đó, tiểu thư Vi Kim Ngọc vẫn sống chủ yếu tại Thái Bình. Nhớ người yêu, ông Nguyễn Văn Huyên cứ Chủ nhật là lái xe xuống thăm. Thời đó đường sá Hà Nội - Thái Bình đi lại khó khăn, đò phà nhiều, phải đi hơn nửa ngày mới tới nơi, nhưng chàng trai si tình không quản ngại vất vả. 

Có công đi lại có ngày nên duyên, vào năm 1936, đám cưới của tiểu thư Vi Kim Ngọc - con gái Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định - và Tiến sĩ Văn khoa Nguyễn Văn Huyên - em vợ của quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại - đã được diễn ra rất đình đám. 

Cuộc tình gần 40 năm vẫn nồng đượm như thuở ban đầu

Tiểu thư Vi Kim Ngọc có thói quen viết nhật ký từ thời trẻ, nhờ vậy mà chân dung cuộc tình gần 40 năm giữa bà và GS Nguyễn Văn Huyên được thể hiện vô cùng chi tiết qua từng năm tháng.

Sau khi kết hôn không lâu, tiểu thư mang thai con gái đầu lòng. Bà ốm nghén nặng suốt 4 tháng trời, từ 48-49kg xuống còn 41kg, không ăn được gì ngoài quả hạnh đào mà mẹ đẻ đem sang. Nhưng đặc biệt là, người chăm sóc tiểu thư không ai khác lại chính là đấng phu quân. Ông Huyên lo lắng cho vợ, ngày đêm túc trực. Trong nhật ký, bà Vi Kim Ngọc viết: “Cha chăm sóc mẹ từng li từng tí”.

Bà Vi Kim Ngọc sinh nở tại bệnh viện tư nhân lớn nhất Đông Dương bấy giờ là nhà thương Đặng Vũ Lạc, ở ngay đối diện với căn biệt thự 95 phố Gămbetta (nay là phố Trần Hưng Đạo) mà gia đình sinh sống. 10 ngày trong viện, ông Huyên đều đặn nấu nướng cho vợ ăn. Không những thế, một tay ông còn bày biện trang hoàng nhà cửa để đón vợ con về nhà.

“Sau 10 ngày sinh, hai mẹ con được cha chuẩn bị chu đáo ở nhà. Trên phòng ngủ đã có chiếc giường xinh xắn mắc màn tuyn màu hồng... Suốt thời gian mẹ con ở trong viện, cha đã mua một chiếc xe đẩy rất mốt ở Gôđa - cửa hiệu to nhất Hà Nội…

Cha yêu mẹ, yêu con vô cùng! Từ đó tiếng yêu đương của cha mẹ đã có những lời líu lo, bập bẹ dần dần lớn lên…”, trích nhật ký của bà Vi Kim Ngọc.

Trong 10 năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, ông bà Huyên - Ngọc không được gần nhau nhiều. Giáo sư Nguyễn Văn Huyên dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu, làm khoa học và hoạt động cách mạng. Nhưng theo lời kể của người con gái lớn là bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, bất cứ khi nào rảnh rỗi, ông Huyên đều giúp vợ >chăm sóc con cái. Ông thường ngồi trên chiếc võng kê ở hiên nhà để ru con gái ngủ.

Năm 1946, bà Vi Kim Ngọc rời Hà Nội, mang các con theo chồng lên chiến khu bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ dài 9 năm trời. Từ một tiểu thư lá ngọc cành vàng, vì tình yêu với bậc phu quân và niềm tin vào cách mạng, bà Vi Kim Ngọc không ngần ngại từ bỏ cuộc sống trí thức phong lưu, chỉ mang theo những vật dụng sinh hoạt tối thiểu để bước vào cuộc sống nghèo khổ, vất vả, hòa đồng với bà con địa phương như một thường dân.

Lên vùng kháng chiến, ông Huyên vẫn đi công tác biền biệt. Mỗi lần như thế, trang nhật ký của bà Kim Ngọc lại thấm đẫm nhớ thương: “Mùng 8-7 Mậu Tý, tức ngày 12-8-1948. Nắng thu đã hửng. Mát dịu núi rừng Việt Bắc. Không còn oi bức trời hè nữa. Sao cảnh buồn đến thế. Ngày bình thản quá! Trời thăm thẳm, núi xanh xanh, rừng âm u! Lại xa anh Huyên. Anh đi họp 10 ngày mới về, mãi chưa thấy anh về. Mỗi lần anh lên đường lòng em xao xuyến nhớ nhung! Nhớ anh quá! Hôm nay nhớ anh da diết!...”

GS Nguyễn Văn Huy kể, cha ông trong mỗi chuyến đi bao giờ cũng tìm mua quà cho vợ mình. Thói quen của vị Bộ trưởng khiến nhiều người cùng đoàn ngạc nhiên. Bởi ông chọn quà rất kĩ và tinh. Ngoài phấn son, khăn lụa, hay mảnh vải đẹp để bà Kim Ngọc may áo dài, ông Huyên thường tìm mua thuốc nhuộm tóc cho bà. Cách ông chăm sóc bà luôn tinh tế và chu đáo từ những điều nhỏ bé.

Cũng theo lời GS Nguyễn Văn Huy, chưa bao giờ bốn anh chị em trong nhà thấy cha mẹ lớn tiếng với nhau. Họ đồng điệu từ lý tưởng, lề lối sinh hoạt đến tâm hồn. Ví như GS Nguyễn Văn Huyên có sở thích nghe nhạc để thư giãn, mỗi khi ông mở nhạc từ chiếc máy hát cũ là bà Vi Kim Ngọc đi pha trà hay cà phê rồi lặng lẽ ngồi xuống bên chồng thưởng thức. Hai ông bà còn khiêu vũ với nhau rất ăn ý, vừa ngọt ngào vừa thanh lịch, khiến quan khách tại các bữa tiệc ngoại giao quốc tế phải trầm trồ khen ngợi.

Trong hàng trăm lá thư mà ông bà Huyên - Ngọc viết cho nhau suốt 40 năm gắn bó, lá thư nào cũng nồng nàn tình yêu và sự trân quý đúng nghĩa “vợ chồng tương kính như tân”. Từng kỷ niệm nhỏ của hai vợ chồng từ thời hẹn hò đều được tiểu thư Vi Kim Ngọc chắt chiu lưu giữ qua những trang viết. Ví như câu chuyện về một bức hình mà bà tặng cho chồng mình: “Tấm hình đó khi về em đã tặng anh! Anh còn nhớ không? Bức hình em, anh vẫn giữ mãi khi đến ngày chống Pháp, khi tản cư phải để lại Hà Nội. Sau này em cứ tiếc mãi bức ảnh ấy vì anh bảo: em có đôi mắt làm anh yêu say đắm…”

Và dù là lúc mới nên vợ nên chồng hay khi đã bước sang tuổi ông bà, bà Vi Kim Ngọc luôn gọi chồng mình âu yếm đầu mỗi bức thư rằng: “Anh kính yêu, muôn vàn kính yêu của em”. 

 

Năm 1975, GS Nguyễn Văn Huyên phát hiện mắc bệnh ở thận. Căn bệnh được đánh giá không quá nghiêm trọng. Ông đã cùng bà Kim Ngọc sang Đức, tranh thủ đi du lịch trước khi lên bàn phẫu thuật. Hai ông bà đã có 3 tuần trọn vẹn bên nhau đầy hạnh phúc sau mấy mươi năm bĩ cực, thoắt gần thoắt xa. Nhưng biến chứng xảy ra khiến GS Nguyễn Văn Huyên qua đời. Đột ngột mất đi người chồng cả đời tôn kính, yêu thương, bà Vi Kim Ngọc tưởng như không thể sống tiếp. Những dòng nhật ký vào thời gian này bi thương, tê tái như di chúc cuối cùng gửi lại cho các con.

"Bố tôi ra đi, mẹ khóc cạn nước mắt, bỏ ăn uống, thức trắng đêm. Cả ngày bà lần giở từng trang viết, từng kỷ vật của chồng ngắm nghía, ôm ấp. Có lần mẹ còn cầm di ảnh chồng, thủ thỉ tâm sự như lúc ông còn tại thế. Mỗi buổi tối, như một thói quen, bà pha sẵn cốc cà phê, bật bản nhạc ông thích, ngồi đó hàng giờ liền. Mọi đồ vật chồng sử dụng, bà giữ nguyên. Ngay cả hai chiếc vali dùng trong chuyến đi cuối cùng, mẹ nhắc tôi bảo quản cẩn thận. Với mẹ, bố tôi đang đi công tác xa thôi”, GS Nguyễn Văn Huy kể.

Bí quyết giữ gìn tổ ấm với người chồng tài hoa

Cũng theo chia sẻ của GS Nguyễn Văn Huy, dù cả một >đời sống tần tảo, hy sinh trọn vẹn cho chồng cho con nhưng bà Vi Kim Ngọc luôn chú ý đức “Dung” của người phụ nữ. 

Vốn là tiểu thư khuê các được rèn giũa nghiêm khắc, ba đức “Công, Ngôn, Hạnh” của cô con gái nhà họ Vi là điều không cần bàn cãi. Song, do được cha cho học nghệ thuật từ nhỏ, lại thường xuyên được tháp tùng cha đi công du trong ngoài nước, tham gia các buổi tiệc chiêu đãi cấp Hoàng gia, nên tiểu thư Vi Kim Ngọc còn rất ý thức gìn giữ trau chuốt cho vẻ ngoài.

Bà Vi Kim Ngọc rất thích mặc áo dài. Bà có nhiều chiếc áo dài dành cho các sự kiện khác nhau nhưng tất cả đều có thiết kế kín đáo, trang nhã. Bà thường mặc áo dài kết hợp trang sức tinh tế như chuỗi ngọc trai, kiềng bạc. Sau này đi tản cư, rồi tới thời kỳ chiến tranh khó khăn, vất vả, bà ăn ở thanh bạch, hòa đồng với mọi người song áo quần thì luôn chỉn chu, mực thước, đầu tóc chỉnh trang. 

Một nữ đồng nghiệp cùng tổ bộ môn Ký sinh trùng với bà ở trường Đại học Y Hà Nội còn kể, bà từng dặn dò rằng phụ nữ phải chú ý cách ăn mặc, quần áo không nên để nhàu mà phải vuốt thẳng, gấp nếp, “không được lúi xùi”. Với các cô con gái của mình, bà cũng chú ý rèn giũa qua nếp sinh hoạt. Ngày các con còn nhỏ, mỗi sáng trước khi đi học, bà đều gọi từng con tới trước bàn gương để chải đầu, tết tóc, cắt móng tay gọn gàng.

Vào những dịp đặc biệt, bà Vi Kim Ngọc cũng >trang điểm nhưng rất nhẹ nhàng, tinh tế, thoa son môi mà nhìn thoáng qua như không thoa son, nước hoa cũng chỉ xức nhẹ, vừa đủ thoang thoảng. Lọ nước hoa Chanel bà dùng lúc cuối đời đến giờ vẫn còn được trưng bày tại Bảo tàng gia đình.

Bà Vi Kim Ngọc chính là minh chứng cho hình ảnh người phụ nữ tài sắc vẹn toàn khi luôn không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ của bản thân cũng như ý thức giữ gìn sự trau chuốt bề ngoài, sao cho đúng mực và phù hợp với từng hoàn cảnh.

Khi con gái đầu kết hôn, món quà bà tặng cho con chính là chiếc bàn phấn của bà. Chiếc bàn phấn ấy lại được chị gái cả Nữ Hạnh tặng cho em gái Bích Hà, từ Bích Hà tặng lại cho em gái Nữ Hiếu, và cuối cùng là trao tay cho em dâu Vũ Thị Kim. Chiếc bàn phấn cũng như lời nhắn nhủ đầy ẩn ý mà bà Vi Kim Ngọc gửi gắm tới các con, rằng dù trong hoàn cảnh nào thì sự chăm chút, chỉnh trang cho dung mạo luôn vô cùng cần thiết. Đó cũng là một trong tứ đức mà người phụ nữ cần trau dồi cho mình.

Tất nhiên, để xứng đôi với người chồng tài hoa, bà Vi Kim Ngọc không ngừng học hỏi, cầu tiến mà không hãnh tiến. Từ một tiểu thư quen việc tề gia nội trợ, chỉ có trình độ văn hóa cao đẳng tiểu học, khi lên vùng kháng chiến, bà Kim Ngọc ra sức học hành để lấy được bằng tốt nghiệp y sĩ, rồi tự học nâng cao tiếng Pháp và học thêm tiếng Nga, sau trở thành một trợ lý đắc lực của GS Đặng Văn Ngữ. Bà thậm chí còn sử dụng tài hội họa của mình để vẽ tiêu bản chi tiết các loại ký sinh trùng cho sinh viên làm tài liệu học tập. Tấm gương rèn luyện, phấn đấu của bà là hình mẫu để các con cái noi theo trên con đường nghiên cứu khoa học. 

Cuộc đời của ái nữ nhà quan Tổng đốc Vi Văn Định còn rất nhiều điều đặc biệt mà mỗi lần tới thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên là một lần được khám phá ra những khía cạnh mới. Bà Vi Kim Ngọc thực sự là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đúng nghĩa danh xưng “thiên kim tiểu thư” mà người đời xưa thường xưng tụng. 

Những chuyện tình đẹp của gia đình "Danh gia vọng tộc"

Những chứng tính cho tình yêu của ông Nguyễn Văn Huyên và và Vi Kim Ngọc hiện đang được bảo tồn và giữ gìn tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (bảo tàng gia đình) ở làng Lai Xá, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Đến thăm nơi này, người ta mới hiểu thế nào là khái niệm “Danh gia vọng tộc”.

GS Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất với 28 năm 350 ngày. Ông từng đỗ cử nhân Văn khoa năm 1929, cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne (Pháp), sau đó là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Văn khoa tại đây.

Năm 1935, GS Nguyễn Văn Huyên về nước, khước từ lời mời làm quan để đi dạy học tại trường Bưởi. Trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, ông là một trong những người đại diện trí thức Thủ đô cùng với Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Hồ Hữu Tường ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, nhường quyền kiểm soát đất nước cho nhân dân qua chính phủ cách mạng.

GS Nguyễn Văn Huyên có người em trai ruột là GS Nguyễn Văn Hưởng cũng du học Pháp từ nhỏ cùng với ông. GS Nguyễn Văn Hưởng là Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Tư Pháp Việt Nam.

Chị gái ruột của GS Nguyễn Văn Huyên là bà Nguyễn Thị Mão, cô giáo dạy toán bậc trung học đầu tiên và duy nhất trên toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp. Bà hi sinh cả tuổi thanh xuân để nuôi hai em ăn học tại Pháp, mãi tới năm 31 tuổi mới tục huyền với quan Khâm sai Bắc Bộ Phan Kế Toại.

Về phía gia đình bà Vi Kim Ngọc cũng không kém phần danh giá. Quan Tổng đốc Vi Văn Định có ba người rể vô cùng nổi tiếng, là những bậc hiền tài xuất chúng của Việt Nam. Một là GS Nguyễn Văn Huyên, hai là GS Hồ Đắc Di và ba là GS Tôn Thất Tùng. Con cháu của cụ Vi vì thế đều là những nhân vật kỳ tài như GS Tôn Thất Bách, bà Hồ Thể Lan - nữ phát ngôn viên đầu tiên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, hay GS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…

Khái niệm “danh gia vọng tộc” không thể phù hợp hơn với gia tộc của quan Tổng đốc Vi Văn Định, khi các con cháu đều kết hôn với các gia đình hiển hách. Hiển hách không chỉ vì chức cao vọng trọng mà vì tài năng, phẩm cách và sự nghiệp cống hiến đều xuất chúng hơn người, được sử sách lưu danh.

Theo HH - Ảnh: Haley, Tư liệu - Thiết kế: Tiên/ Tổ Quốc