Karl Marx từng nói: “Cuộc sống luôn cần có tình bạn, nhưng có được tình bạn thực sự lại không dễ. Mỗi một mối quan hệ đều yêu cầu ta phải gieo giống bằng trung thành, tưới tắm bằng nhiệt tình, vun vén bằng nguyên tắc và chăm sóc bằng sự thấu hiểu".

18:12 15/07/2020

Thời gian khiến chúng ta gặp gỡ rất nhiều người, kết giao rất nhiều bạn. Bản chất của việc kết bạn không hề khó, cái khó nhất là cách để duy trì các mối quan hệ đó. Vì thế, người khôn ngoan cần phải tuân thủ 3 quy tắc bất thành văn sau đây trong việc đối nhân xử thế hàng ngày.

01. Quy tắc 1: Đừng ỷ quan hệ tốt mà phá vỡ giới hạn

Tất cả các mối quan hệ đều có một giới hạn xác định không được phép vượt qua. Một khi mọi thứ đi quá giới hạn, đó cũng là khởi đầu của những rắc rối và xung đột kéo dài.

Trong cuộc sống, có rất nhiều cặp đôi phát sinh tranh cãi vì vấn đề giới hạn với người khác giới. Ví dụ như, khi nhìn thấy người yêu mình sóng vai thân mật đi bên một người khác giới, nói cười vui vẻ, thoải mái đụng chạm lẫn nhau, sự ghen tuông sẽ xuất hiện như một lẽ đương nhiên, kéo theo đó là cảm giác nghi ngờ, không an toàn và nhiều trạng thái tiêu cực khác cho mối quan hệ.

Cho dù đối phương có giải thích: “Đây chỉ là quan hệ đồng nghiệp thân thiết” hoặc “Ra ngoài tiếp khách thì đương nhiên phải tươi cười niềm nở như vậy rồi”... thì khi đó, mọi thứ cũng đã bị ảnh hưởng.

Rõ ràng, dù thân thiết đến mấy thì giữa người khác phái với nhau vẫn cần có một giới hạn rõ ràng. Giới hạn này giúp bạn duy trì khoảng cách và ứng xử từ lời nói tới việc làm một cách thích hợp. Giống như cách nói của cổ nhân: “Quân tử chi giao, đạm nhược thủy”, có nghĩa là, tình cảm giao hảo của người quân tử chỉ cần nhạt như nước là được.

Phương thức giao tiếp thỏa đáng nhất chính là đảm bảo sự thân cận nhưng vẫn duy trì được khoảng cách. Nói chuyện với nhau phải có chừng mực, không vênh váo sai khiến, không làm khó đối phương, đây là tiền đề để tránh cho rất nhiều mâu thuẫn không cần thiết.

Một mối quan hệ thực sự vừa phải đem lại cảm giác tự tại, thoải mái khi ở bên, vừa phải xác lập được giới hạn rõ ràng. Có như vậy, mối quan hệ đó mới kéo dài lâu bền.

Như Lý Thượng Long từng nói: “Sống trên đời, hãy đột phá giới hạn của bản thân, đừng đột phá giới hạn của người khác".

02. Quy tắc 2: Đừng ỷ vào quan hệ tốt mà nói năng khắc nghiệt

Nếu 10 người được hỏi rằng: “Bạn từng nghe những lời động chạm nhất từ ai?”, có tới 6 - 7 người đưa ra đáp án đến từ những người thân thiết nhất, có thể là gia đình, người yêu, bạn thân...

Trong hiện thực, rất nhiều người dùng danh nghĩa “thân thiết thì nói đùa thôi mà” để ngụy trang cho những lời nói làm tổn thương bạn bè, người thân của chính mình, chẳng hạn như là:

“Bộ quần áo cậu mới mua xấu thế, gu thẩm mỹ kém quá!”

“Dạo này ăn gì mà béo vậy?”

“Sao mặt mũi lắm mụn thế, trông sợ quá đi.”

Kỳ thật, từ bạn tốt trở thành người xa lạ cũng chỉ bằng vài câu nói bình phẩm vu vơ vậy thôi. Người nói sẽ cảm thấy đùa giỡn vui vẻ, người nghe lại nhận cảm giác tổn thương, xấu hổ và tự ti. Chính vì càng thân thiết, những lời nói ra lại càng khiến người khác đau lòng.

Hãy nhớ rằng, một người trưởng thành có phẩm đức sẽ không bao giờ cố tình hay vô ý chọc vào vết thương của người khác, lại càng không lấy điểm yếu của bạn bè xung quanh ra trêu đùa.

Lời nói không mất tiền mua, nhưng chọn lựa không kỹ sẽ mất đi những thứ quý giá. Biết dừng lại đúng lúc, không nghĩ rằng lời nói có thể giải quyết được vấn đề, và luôn muốn cải thiện mối quan hệ thì đó mới chính là thấu hiểu. Chỉ có thấu hiểu bản thân và thấu hiểu người khác là tiền đề quan trọng nhất.

Như Tôn Tử từng nói: “Tặng người lời thiện, quý như châu báu, hại người lời ác, hơn cả kiếm giáo.”

03. Quy tắc 3: Đừng ỷ vào quan hệ tốt mà đánh mất lễ tiết

Theo Khổng Tử: “Người quân tử làm việc chi cũng lấy nghĩa làm gốc. Người noi theo lễ tiết mà thi hành. Làm một việc mà có đủ những đức tính: nghĩa, lễ, tốn, tín mới thật là người quân tử.”

Nhưng hiển nhiên, càng có mối quan hệ thân thiết, chúng ta lại càng dễ đánh mất lễ tiết trong giao tiếp thường ngày. Với người lạ, chúng ta tươi cười đón chào, niềm nở lịch thiệp. Còn với bạn bè, người thân, chúng ta trở nên nóng nảy, bộp chộp, to tiếng, cự cãi…

Vì thân thiết, chúng ta tự cho mình là đúng khi nói năng, phán xét hay hành động mà không giữ đúng lễ tiết của bản thân, trở nên vô cùng bất lịch sự. Đến cuối cùng, cảm tình ngày một hao mòn mà bản thân không tự nhận ra.

Câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng không hề xa lạ với bất cứ ai. Lễ tiết ở đây chính là phong độ, trực tiếp tác động tới tiền đồ, số phận và tương lai của mỗi người, có khả năng dẫn dắt và cải thiện đường đời. Lễ tiết làm cho cuộc sống trở nên sống động và phát triển.

Đúng như lời nhà nghiên cứu Xã hội học người Ý - Piriano đã từng nói:

“Lễ nghi giao tiếp góp phần tạo dựng hình tượng, thể hiện tính cách con người, ai không biết hoặc biết mà không vận dụng là sơ suất đáng kể trong môi trường giao tiếp, ngược lại nếu ai nhận biết và vận dụng linh hoạt từng chi tiết nhỏ nhặt trong lễ nghi xã giao, tức là thích ứng với những yêu cầu cơ bản trong mối quan hệ ứng xử giữa người với người, thì sẽ tạo ra nhiều cơ may quý báu cho cuộc đời và sự nghiệp của mình.”

Do đó, dù quan hệ có gần gũi và thân thiết đến đâu, chúng ta vẫn cần duy trì cách hành xử thích hợp, tuân thủ những quy tắc cơ bản trong đối nhân xử thế. Có như vậy, giao tiếp giữa người với người mới ngày càng hòa hợp và gắn kết nhiều hơn.

Như vị triết gia Marcus Tullius Cicero đã nhận xét: “Sự lịch sự là tấm gương phản chiếu chân dung rõ ràng nhất của một người.”

Tình cảm con người nói dài thì rất dài, nói ngắn cũng có thể rất ngắn. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta đối xử và giữ gìn nó như thế nào. Tuy rằng, sau khi trưởng thành, rất ít trường hợp kết giao đều vô tư và không vụ lợi nhưng bất kể xuất phát từ mục đích gì, chỉ cần chúng ta dùng sự chân thành để ươm mầm, vun vén và quan tâm, nhất định mối quan hệ đó sẽ sớm ngày trưởng thành bền lâu vững chắc.

Theo Dương Mộc/Tổ Quốc