Khi trao đi tình yêu, chúng ta đều mong tình cảm của mình sẽ được hồi đáp và trân trọng. Nhưng liệu điều đó đồng nghĩa với việc đối phương phải có “trách nhiệm” chung thủy với bạn không?
Nếu được hỏi rằng “Bạn mong người mình yêu sẽ có đức tính nào nhất?”, chắc hẳn nhiều cô gái sẽ không cần suy nghĩ mà trả lời rằng: “Mình chỉ cần anh ấy chung thủy là đủ”. Nhưng nếu hỏi tiếp: “Bạn nghĩ chung thủy là gì?” thì có lẽ không phải ai cũng có thể ngay lập tức đưa ra đáp án.
Cũng giống như tình yêu, chung thủy là điều mà chẳng ai có thể đưa ra một định nghĩa chung và đúng đắn nhất. Bởi mỗi người đều có một ý niệm riêng về sự gắn kết trong mối quan hệ của mình.
Tôi còn nhớ trong một lần ngồi cà phê cùng cả nhóm bạn rất đông, chúng tôi đã hỏi nhau rằng “Chúng mày nghĩ như thế nào thì mới là chung thủy?”.
Hầu hết con gái trong nhóm đều có chung một quan điểm: Chung thủy là không hết yêu đột xuất, không cài Tinder trong điện thoại, không tà lưa hoặc thả thính các em xinh tươi trên mạng, không ăn uống hay xem phim cùng “bạn thân là con gái”. Nói chung là không để ai trong mắt, trong đầu ngoài người yêu mình.
Trong khi lũ con gái tụi tôi cứ nháo nhác tranh luận, kể tội hoặc lấy ví dụ về lòng chung thủy của người này, người kia, thì đám con trai hoàn toàn im bặt. Cho đến khi bị chị em xúm vào “hỏi tội”, chúng mới thú nhận: “Mọi khái niệm về chung thủy mà bọn tao biết đều là do con gái nhồi vào đầu. Nhưng biết thế, chứ hiếm khi nào nghiêm túc nghĩ xem bản thân có chung thủy hay không. Vì thấy chẳng cần thiết.”
Lúc này, Linh - cô gái duy nhất im lặng trong cuộc tranh luận mới kể: “Ngày xưa, tao cũng từng nghĩ nhiều về chung thủy, cũng áp một nghìn lẻ một cái định nghĩa về lòng chung thủy lên người yêu của mình.
Người yêu tao cũng tôn trọng và hợp tác. Cho đến khi tao hết yêu ông ấy, chẳng vì lý do gì cụ thể cả. Tình cảm cứ nhạt dần dù chẳng có người thứ 3 nào hết. Lúc ấy, tao mới hiểu chung thủy chẳng có ý nghĩa gì. Không yêu người khác không đồng nghĩa với việc mãi mãi yêu người này.”
Hóa ra, hết yêu chẳng có một sự liên quan nào đến lòng chung thủy.
Trong cuốn sách “Nội tình của ngoại tình”, tác giả Esther Perel, đồng thời là Chuyên gia trị liệu cho các cặp đôi, cũng đã chỉ ra rằng: “Chung thủy thực chất là một cảm xúc mang tính ngắn hạn và nó mạnh mẽ nhất vào lúc các bạn mới bước vào tình yêu. Đó là thời điểm mà não bộ bạn tiết ra nhiều Oxytocin nhất - một chất khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và muốn gắn bó nhiều hơn với người yêu của mình. Nhưng sau 6 tháng đầu tiên của quá trình hẹn hò, lượng Oxytocin bắt đầu giảm dần và ham muốn gắn kết có thể cũng ít đi.”
Lúc này, có người sẽ lựa chọn việc tiếp tục gắn bó và tìm cách để hâm nóng tình cảm, bù lại lượng Oxytocin hao hụt. Có người sẽ để cho tình cảm nhạt dần vì không tìm thấy động lực duy trì hay cố gắng cho mối quan hệ.
Có chung thủy hay không vốn dĩ chưa bao giờ là điều cốt lõi tạo nên một >tình yêu bền vững hoặc lâu dài. Nó cũng chẳng phải là thứ khiến hai người có thể gắn kết với nhau.
Tôi còn nhớ đã từng đọc được một câu nói rất hay về lòng chung thủy: “Khi bạn yêu một người, đừng mong cầu nhốt người ta trong thế giới của riêng mình và coi sự đồng tình là lòng chung thủy. Hãy để họ giao du, gặp gỡ, kết bạn, thậm chí là quan hệ tình dục với những người khác giới mà họ muốn. Khi đàn ông có nhiều sự lựa chọn, có đủ trải nghiệm rong chơi, họ vẫn muốn ở bên bạn, đó mới là sự chung thủy ít sai số, ít có khả năng thay đổi nhất.”
Đôi khi, chúng ta chỉ có thể nhận ra sự chung thủy của bản thân và đối phương sau sự xuất hiện của những người khác. Vì thế, hãy cứ để nửa kia của bạn thoải mái với cảm xúc và những mối quan hệ của họ. Đừng cố gắng kiểm soát, đừng ép cung những lời hứa hẹn. Sau cùng, bạn hoặc là sẽ tìm được một người thật lòng với mình, hoặc là sẽ nhận ra bản thân xứng đáng với một người tốt hơn. Không cưỡng cầu, không kỳ vọng, phụ nữ nhất định sẽ bớt phải chịu tổn thương, và nhận được nhiều hạnh phúc hơn.