Tết, chẳng hiểu từ khi nào đã trở thành nỗi sợ, thậm chí là nỗi ám ảnh đối với nhiều chị em phụ nữ.
“Đang yên đang lành thì… Tết” là tâm trạng chung của không ít chị em >phụ nữ ở thời điểm hiện tại. Càng cận Tết, tâm trạng ấy lại như tăng lên gấp nhiều lần. Nếu ngày thường, công việc của chúng ta chỉ là một đến hai đầu việc (đi làm, nội trợ, chăm con) thì đến Tết, chúng được nhân lên gấp đôi, gấp ba hoặc có thể nhiều hơn nữa.
Nói thế để thấy, chị em phụ nữ đã chịu thiệt thòi như thế nào sau khi lập gia đình, nhất là hy sinh bản thân vì gia đình. Có người đã ốm vì Tết, có người tủi thân vì chồng vô tâm không cho về ngoại ăn Tết và cũng có gia đình ly tán vì những chuyện vụn vặt trong Tết.
Chẳng biết từ khi nào, Tết đã trở thành nỗi sợ, thậm chí là nỗi ám ảnh đối với nhiều chị em phụ nữ đến thế!
Tôi có một cô bạn. Ngày còn trẻ, cô ấy rất thích Tết, vì đơn giản, cứ đến Tết là cô xách balô lên và đi du lịch. Bạn tôi là một người theo chủ nghĩa xê dịch. Cô luôn muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Với cô ấy, được chứng kiến những phong tục lạ, độc đáo trong dịp Tết của các địa phương, nơi cô ấy đặt chân tới là điều thú vị nhất trong mỗi dịp nghỉ lễ.
Vì thế, cô nói với tôi, Tết sẽ chẳng có gì ý nghĩa và hay ho nếu cứ ru rú ở trong nhà, hết ăn rồi ngủ hoặc chỉ là thăm bà con họ hàng lân cận. Thế nhưng, cái mà cô ấy cho là chẳng có gì hay ho ấy lại chính là điều mà cô đã trải qua sau 2 cái Tết ở nhà chồng.
Chắc mọi người sẽ thắc mắc tại sao một người theo chủ nghĩa xê dịch lại chịu “bó gối” ở nhà như vậy? Tất cả là vì cô không vượt qua được những lề thói của quê hương, nơi chồng cô sinh ra.
Cô không thay đổi được sự thật, rằng cô đã làm dâu trong một dòng họ với vai trò là dâu trưởng. Cô không làm thay đổi được tư tưởng của chồng cô cũng như bố mẹ anh ấy.
Chính vì thế, hai từ “trách nhiệm” và đã trói buộc đôi chân cô trong suốt những ngày nghỉ lễ tại miền quê ngoại thành Thủ đô.
Đó là chưa kể đến, hai vợ chồng cô đã có những tranh luận, nếu không muốn nói là xung đột gay gắt xung quanh chuyện sắm sửa lễ nghi, quà cáp rồi những đầu việc mà cô sẽ phải làm trong những nghỉ lễ ấy.
Sau nhiều lần đôi co, cuối cùng, cô cũng chịu xuống nước. Cô biết, mình cô không thể chống lại cả một dòng họ, và dù sao năm ấy, cô cũng là dâu mới, năm đầu ăn Tết ở nhà chồng.
Khi ấy, trong thâm tâm cô tự nhủ: Đợi khi đã thành “ma cũ” lúc ấy cô sẽ tha hồ tung hoành, vẫy "đôi cánh" như cô đã từng oanh liệt như hồi còn độc thân.
Thế nhưng, cái Tết đầu tiên, cái Tết thứ hai rồi nhiều cái Tết về sau, mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi cả. Vẫn là guồng quay sắm sửa Tết, tất bật lau dọn nhà cửa, chuẩn bị cỗ bàn tất niên, giao thừa, tiếp khách trong những ngày Tết rồi sau đó là màn dọn dẹp “>hậu trường”.
Dĩ nhiên, trong những ngày nghỉ lễ, vợ chồng cô vẫn có những khoảng thời gian đi thăm thú một vài nơi gần nhà nhưng quãng thời gian ấy với cô, cũng chẳng còn được trọn vẹn.
Tôi hỏi: “Nếu được gia đình nhà chồng đồng ý cho đi du lịch trong dịp Tết này, mày có đi không?"
Cô chẳng cần suy nghĩ quá lâu mà thẳng thừng: “Thôi, ở nhà cho lành”.
- Tại sao lại như vậy? Chả phải mày sợ Tết sao?
- Đúng là tao sợ Tết, nhưng tao sợ lời dị nghị của cả dòng họ hơn.
Câu nói của cô khiến tôi phải suy ngẫm và có chút "sởn da gà" khi nghĩ về viễn cảnh tương lai của mình. Sau khi lấy chồng, cô bạn tôi như thành một người khác. Với cô, và có lẽ, với rất nhiều chị em khác, hạnh phúc bình dị trong mỗi dịp Tết của họ có thể chỉ là: “Tết giống như bao ngày khác”!