Sao chúng ta không nghĩ thoáng hơn, không đặt bản thân mình vào những người ở lại và rồi đặt câu hỏi, tại sao họ ở lại?

14:45 24/09/2020

“Đi để trở về” là một bài hát khá hay, lời rất tuyệt, và riêng điệp khúc “đi để trở về” rất nổi, đến mức không ít người đã coi đấy là một khẩu hiệu cho bản thân và cho người khác.

Đi là để trở về, nhưng là trở về đâu? Về với Tổ quốc, với gia đình, với căn nhà yêu mến hay đơn giản là về với chính bản thể của mình, với những câu chuyện, tâm sự, tâm hồn của chính mình?


Đọc comment của rất nhiều người nhận xét về việc người mình đi du học nước ngoài rồi ở lại định cư mà thấy rất nhiều người chúng ta nặng nề với họ quá, với một định kiến đã đóng đinh trong đầu rằng, “phải về chứ, phải về mà cống hiến làm giàu cho đất nước chứ” và “không định báo hiếu cho bố mẹ à”, “ở lại làm giàu cho nước ngoài à”.

Sao chúng ta không nghĩ thoáng hơn, không đặt bản thân mình vào những người ở lại và rồi đặt câu hỏi, tại sao họ ở lại?

Và tại sao chúng ta không mong, không chúc họ hạnh phúc và đúng đắn với những lựa chọn ấy, tại sao chính chúng ta không một lúc nào đó lên đường ra thế giới để mở mang tầm mắt và cởi mở trái tim để sống chân thành, để nhìn các bạn trẻ ở các nước ấy sống ra sao và tự hỏi, tại sao họ có thể sống một cách phóng khoáng như thế, sao họ có quyền đi khắp nơi, quyền đưa ra các quyết định cho cuộc sống của mình?

Mưu cầu hạnh phúc là một điều rất cơ bản của mỗi người, sao không chúc họ vui vẻ và tìm được những bến đỗ (cả về nghĩa địa lý và con người) phù hợp với họ?

Trên đường đi nhiều nơi trên thế giới, mình đã gặp rất nhiều bạn trẻ đi một mình trên các hành trình, và họ trẻ hơn mình rất nhiều, nhưng họ không ngại, không sợ, hoàn toàn độc lập. Mình cũng đã gặp gỡ và nói chuyện với rất nhiều bạn trẻ nước ngoài sống ở một nơi nào đó không phải là nơi họ sinh ra, sẵn sàng đối mặt với các thách thức để có nhiều trải nghiệm.

Từ khi sắp đến tuổi công dân, họ đã được gia đình thúc đẩy tự lập, động viên bước ra khỏi vùng an toàn (ở đây là bước ra khỏi gia đình, độc lập suy nghĩ, độc lập về tài chính) và có thể đi những đâu, làm những gì họ muốn mà không có những ràng buộc đau đáu trong lòng kiểu như “đi là để trở về” chính vùng an toàn ấy.

Họ không có những suy nghĩ rằng nếu mình đi thì mình không còn yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ cha mẹ nữa, mà được khuyến khích nghĩ rằng, họ phải là chính họ, không phải ai khác, họ phải sống hạnh phúc, sống tốt với chính mình.

Đấy không phải là ích kỉ và bất hiếu, mà là một quan niệm kích thích sự phát triển độc lập của các cá nhân, lấy cá nhân làm tế bào phát triển của xã hội.

Hiện tại, nhiều người trẻ Việt đã có những tư duy độc lập như thế, và họ đi. Họ đi không phải để trở về theo như định nghĩa của những người nhiều khả năng sẽ lên tiếng chỉ trích họ.

Họ đi và ở lại những nơi họ thấy phù hợp với cuộc sống, công việc và ở đó họ thấy hạnh phúc. Họ cởi mở mình cho những lựa chọn, những thử thách và họ không sống để làm vừa lòng những ai đó muốn họ trở thành.

Mình không trẻ như họ để lựa chọn cuộc sống ấy, nhưng đấy cũng là cuộc sống mà mình thích. Mình không chỉ trích cách nghĩ ấy, đơn giản bởi vì mình không có quyền phán xét họ, không thể nghĩ thay và sống thay họ. Nhưng mình luôn mong họ hạnh phúc, ở bất cứ đâu trên Trái đất này. Một con người tử tế và hạnh phúc thì ở đâu cũng tốt, dù người đó mang quốc tịch gì.

Ta chỉ được sống một lần. Ta sinh ra cũng không phải chỉ để sống ở một nơi. Ở đâu cảm ta cảm thấy hạnh phúc, nơi ấy chính là nhà…

Theo Trương Anh Ngọc/ Gia Đình Mới