Sự cám dỗ được tạo ra từ nhu cầu của con người, không có hoàn cảnh nào xô đẩy, không có thế lực nào ép buộc.
Đối mặt với cuộc hôn nhân trên bờ vực tan vỡ, người hiểu được bản chất, sẽ bình tĩnh đối mặt, cố gắng tháo gỡ và kết quả có là gì cũng thanh thản chấp nhận. Nhưng người sống trong sự ảo tưởng họ sẽ chỉ bó gọn suy nghĩ ở thế giới của riêng họ. Bởi họ chẳng bao giờ hiểu được một điều: Sự cám dỗ được tạo ra từ nhu cầu của con người, không có hoàn cảnh nào xô đẩy, không có thế lực nào ép buộc.
Tôi có quen một cô bạn, hôn nhân của cô ấy rất viên mãn cho đến một ngày cô ấy phát hiện ra chồng ngoại tình. Cô ấy tỏ ra rất bản lĩnh và khẳng định với tôi một chân lý có vẻ thực tế: "Trứng chỉ chấp nhận một tinh trùng vào cơ thể và từ chối hàng nghìn tinh trùng còn lại. Cũng giống như phụ nữ, một khi có được người đàn ông yêu thương, cô ấy sẽ từ chối tất cả những người đàn ông khác".
Nhưng không lâu sau đó thì bản thân cô ấy cũng ngoại tình, giống như kiểu "ông ăn chả thì bà phải ăn nem" mới là bình đẳng vậy! Không chọn ly hôn, cũng không giải quyết triệt để sự phản bội âm ỉ của chồng, cô ấy lại giải thích với tôi bằng lý lẽ: "Đàn ông ngoại tình chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu tình dục còn đàn bà yếu lòng sa ngã là để bù đắp những thiếu hụt cảm xúc do đàn ông gây ra".
Vậy đó, suy cho cùng vẫn là con người chủ động nhưng họ lại luôn luôn không tự nhận lỗi về mình. Có lẽ bởi họ chẳng hiểu gì về bản chất của tình yêu, luôn nghĩ mình yêu đến quên mình, đến mức có thể chết đi được nhưng sự thật đâu phải vậy.
Hôn nhân tan vỡ bởi người trong cuộc không hiểu bản chất của tình yêu
Từ xưa đến nay, con người luôn tin tình yêu là thứ thuộc về bản năng và tự nhiên nhất. Một khi chúng ta gặp đúng người, chúng ta sẽ tự biết cách yêu, dễ dàng kiểm soát cảm xúc bằng trực giác của mình.
Rất ít thứ mang lại cho con người cảm giác hạnh phúc tốt hơn tình yêu, vì vậy mọi người đều có bản năng yêu. Tồn tại song song với nó, vẫn có nhiều điều mang lại nỗi đau và sự thất vọng lớn hơn cả tình yêu ban đầu mà các cặp đôi dành cho nhau. Người ta cưới bởi vì yêu nhưng không thể chỉ dùng tình yêu ấy để nuôi dưỡng hôn nhân. Tình yêu sau hôn nhân là một kỹ năng để học hỏi, không chỉ là cảm xúc được cảm nhận.
2019 - năm vàng của làng ly hôn khi các cặp đôi được nhiều người ngưỡng mộ lần lượt đường ai nấy đi. Từ Song Jong Ki - Song Hye Kyo xứ Hàn, Phạm Băng Băng - Lý Thần xứ Trung cho đến Ngọc Lan - Thanh Bình xứ Việt và rất nhiều cặp đôi khác đều chọn kết thúc xa vời cổ tích mà chúng ta mong đợi. Nhưng những tươi đẹp, hòa hợp ăn ý mà chúng ta xem chỉ là những vai diễn của họ trên phim, những câu chuyện mà họ kể trước khi 2 chữ "hôn nhân" chưa xảy ra. Vậy cái kết của ngày hôm nay vẫn là một tình yêu đích thực?
Yêu chưa bao giờ đơn giản, đừng nghĩ yêu chỉ dừng ở mức độ cảm xúc rung động và ước nguyện về "ngôi nhà và những đứa trẻ". Thật dễ dàng để nhanh chóng mất niềm tin vào tình yêu vì nó không đáp ứng được những kỳ vọng của đôi bên, khuếch đại những câu hỏi về đối phương. Chúng ta cần biết rằng nhiều khó khăn của tình yêu, hôn nhân không phải do sự ngu ngốc, gian dối hay lựa chọn sai lầm của bản thân mà bởi vì tình yêu là một năng lực đòi hỏi phải học tập và rèn luyện nghiêm túc.
Vậy nên người ta mới có khái niệm vợ/ chồng là người bạn đời của nhau chứ không còn là tình nhân như thuở yêu đương nữa. Yêu đến mấy thì chung sống lâu dài cũng sẽ có những lúc nhàm chán, thậm chí ghét tới mức không muốn nhìn mặt. Vì vậy muốn đồng hành đường dài hãy coi nhau là bạn, bạn tri kỉ, bạn tâm giao để đôi bên thoải mái nhất, không còn cảm giác như gánh nặng của nhau.
Chủ nghĩa lãng mạn chỉ mang lại đau khổ
Đã có bao nhiêu cô nàng cưới xong mới gào thét: Người đàn ông từng tặng hoa, tặng quà cho tôi Valentine năm ấy năm nay đã bắt tôi ở nhà ôm con một mình còn anh ta đi đá bóng? Đã có bao nhiêu chàng trai kết hôn rồi mới tiu nghỉu: Vẻ nhí nhánh, dễ thương của cô ấy ngày nào đâu rồi, giờ chỉ còn là một mẹ bỉm sữa luộm thuộm và cả ngày càu nhàu? Phải chăng hôn nhân đã giết chết sự lãng mạn mất rồi!
Nên nhớ, kết hôn cũng giống như mua bảo hiểm trọn đời. Người ta chỉ quan tâm đến quyền lợi thụ hưởng và lợi ích lâu dài chứ chẳng ai nhìn vào mấy giá trị viển vông. Vậy nên, sự lãng mạn ngày yêu nhau không còn phù hợp với hôn nhân nữa rồi. Có chăng cũng nên dừng ở một mức độ khác, thực tế và gần gũi hơn.
Không ai theo đuổi ảo mộng và nồng nàn đến hết đời, người ta chỉ cần hôn nhân bền vững, no đủ và yên bình. Tình yêu lúc đó là chấm dứt mọi sự cô đơn, chấp nhận mọi khiếm khuyết, vì nhau mà thay đổi tích cực.
Có thể vì một cô vợ người đầy mùi mắm muối mà bạn tìm đến sự ngọt ngào, thơm tho hơn. Có thể vì một anh chồng khô khan, thiếu tinh tế mà bạn ngả vào vai người đàn ông lãng mạn, ga lăng hơn. Nhưng chẳng có mấy cái kết nào tử tế cho sự phản bội ấy. Càng lún sâu bạn sẽ càng nhận ra tình yêu đích thực mà bạn nghĩ đã chết yểu từ ngày kí vào tờ hôn thú rồi, còn loại tình cảm này chỉ là trò chơi giải khuây trong lúc buồn chán mà thôi.
Tôi nhớ một cuốn sách nào đó có câu: "Chủ nghĩa lãng mạn là một 'phong trào' văn hóa và tinh thần có thể tác động tàn phá đến khả năng của người bình thường để có một cuộc sống hài hòa và tình cảm. Cũng vì thế mà sự cứu rỗi của tình yêu nằm trong một loạt những hiểu lầm về chủ nghĩa lãng mạn ấy".
Nghe có vẻ khó hiểu nhưng nếu không yêu một cách đúng đắn, cuối cùng tất cả chỉ là một trò lừa bịp và ảo giác. Chủ nghĩa lãng mạn thuần khiết không liên quan gì đến cuộc sống hôn nhân ổn định lâu dài của con người ngoại trừ sự phấn khích về tình cảm mà nó mang lại trong giai đoạn đầu của tình yêu.
Một cuộc hôn nhân bền vững đòi hỏi đôi bên phải từ bỏ kỳ vọng vào nhau và luôn sẵn sàng đối mặt với bi kịch
Vậy sau khi từ bỏ quan điểm lãng mạn trong hôn nhân, chúng ta nên sử dụng loại tâm lý nào để đối mặt với mối quan hệ kém hoàn hảo nhưng chân thực của mình?
Nghiên cứu cho thấy chúng ta dễ đau khổ khi bước vào hôn nhân chủ yếu là vì những kỳ vọng của chúng ta trong tình yêu cao hơn những thứ khác, nghĩa là chúng ta có quá nhiều ảo mộng về đối phương một cách vô thức. Có thể vì sự cô đơn đã lâu, có thể vì chúng ta luôn ghim trong đầu những tiêu chuẩn về người bạn đời, hi vọng về sự xuất hiện của họ và bỏ qua một điều, bên kia cũng là người hoàn toàn bình thường như bạn.
Do đó, để thoát khỏi sự độc hại của chủ nghĩa lãng mạn, trước tiên chúng ta phải hạ thấp cái tôi, những kỳ vọng cao về hôn nhân và đối xử với trái tim mình một cách chân thực nhất. Có lẽ chúng ta sẽ có được nhiều hạnh phúc hơn và có một mối quan hệ ổn định, hài hòa hơn.
Trong mỗi đám cưới, người ta thường tránh những câu không hay và gọi đó là "nói gở", là "điềm". Thế nhưng, trong sâu thẳm tiềm thức, hãy sẵn sàng một tinh thần đối mặt với bi kịch xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong mỗi cuộc hôn nhân, bất kể đối phương là ai, khiến bạn yêu nhiều đến thế nào cũng phải có những lúc làm chúng ta chán nản, tức giận, buồn bã, thất vọng. Ngược lại, đối với họ, chúng ta cũng vậy. Cảm giác trống rỗng và không trọn vẹn trong tâm trí sẽ không bao giờ kết thúc. Đây là sự thật không thể xóa nhòa và thay đổi được khắc sâu trong "kịch bản" cuộc sống.
Do đó, lựa chọn người cam kết chỉ là để xác định loại đau khổ nào bạn sẵn sàng chịu đựng nhất, thay vì tìm một cơ hội để thoát khỏi nỗi đau một cách kỳ diệu.