"Có những thay đổi nhỏ ban đầu tưởng như không quan trọng nhưng sẽ tạo nên kết quả tuyệt vời sau này, chỉ cần bạn sẵn sàng duy trì trong nhiều năm liền." - Jame Clear - tác giả cuốn sách Atomic Habits - cho biết.
Để đạt mục tiêu của mình, bạn cần làm việc có hệ thống. Bạn phải hình thành thói quen và duy trì chúng đủ lâu để có hiệu quả. Điều này thường được nhắc đi nhắc lại cả ngàn lần bởi nó vô cùng chính xác.
Một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất năm 2019 chính là Atomic Habits (Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ) của tác giả James Clear.
Tác phẩm này là cẩm nang để bạn có thể từ bỏ những thói quen xấu và xây dựng những thói quen tốt. Trong đó, tác giả giải thích rất rõ ràng tại sao những thay đổi nhỏ mỗi ngày lại có thể đem lại thành công to lớn.
Nếu chưa đọc cuốn sách này, hãy đảm bảo bạn sẽ đọc trong tương lai. Nhưng đọc thôi thì chưa đủ, bạn phải biết áp dụng chúng vào cuộc sống. Cho tới khi đó, đây là 9 thay đổi nhỏ có thể cải thiện cuộc sống của bạn.
1. Trì hoãn phản ứng
Thế giới hiện tại luôn không ngừng chuyển động, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải phản ứng nhanh nhạy với mọi thứ. Bạn cần học cách nói: "Tôi sẽ cho bạn biết sau" hoặc "Tôi sẽ liên lạc lại với bạn"...
Thay vì đồng ý với một lời mời để rồi nhận ra nó không phù hợp với lịch trình của mình, bạn nên dành vài phút để suy nghĩ kỹ. Điều này sẽ tiết kiệm cả thời gian và sự thất vọng cho bạn về lâu dài.
2. Thuyết phục bản thân hoàn thành nhiệm vụ ngay cả khi không thích
Mỗi ngày, chọn một nhiệm vụ mà bạn không muốn làm và thử hoàn thành nó. Đó có thể là bất cứ việc gì, từ rửa bát cho đến dọn giường, từ chạy bộ cho đến đi chợ nấu bữa tối thay vì gọi đồ ăn.
Sau vài ngày, bạn sẽ nhận ra cái khó không nằm ở công việc, mà ở thói quen trì hoãn của mình. Cảm giác được chọn lựa khiến con người trở nên lười biếng. Thế nhưng, một khi đã bắt tay vào làm, bạn sẽ dần quen và hoàn thành xong công việc từ nhỏ đến lớn.
3. Không dùng mạng xã hội trong 1 ngày
Từ lâu, điện thoại đã trở thành vật bất ly thân của mỗi người. Đôi khi chúng ta cầm nó mà không cần lý do, ngồi lướt mạng xã hội suốt 30 phút trong vô thức.
Chúng ta cũng không thể từ bỏ nó nó hoàn toàn và cũng không muốn làm như vậy. Facebook là một công cụ tuyệt vời để khám phá các sự kiện, Instagram là một nguồn cảm hứng cho sáng tạo.
Tuy nhiên, nó sẽ chỉ có ích khi sử dụng một cách điều độ.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc "cai" điện thoại, hãy bắt đầu cách không sử dụng điện thoại trong 1 ngày hoặc ngừng kết nối với wifi. Dần dần, bạn sẽ thấy mình dành ít thời gian lên mạng hơn mỗi ngày
4. Chuẩn bị cho ngày mới từ tối hôm trước
Ngay từ tối hôm trước, bạn nên chọn sẵn trang phục cho ngày hôm sau và xếp đồ dùng sẵn vào túi. (Đàn ông có thể không hiểu điều này, nhưng phụ nữ có rất nhiều thứ cần mang theo trong túi mỗi ngày.)
Bạn nên viết sẵn danh sách những thứ cần làm và kiểm tra lịch trình để xem mình có buổi họp hay cuộc gọi nào cần thực hiện không.
Việc gì có thể làm được ngay từ tối hôm trước thì nên làm sớm. Sống một cách có kế hoạch sẽ giúp ngày mới trở nên dễ dàng hơn đối với bạn.
5. Chú tâm ăn uống
Khi cùng lúc vừa ăn vừa làm việc/đọc sách/xem phim, bạn thường ăn nhiều hơn mức cần thiết. Chưa kể, thói quen này khiến bạn chẳng khiến bạn ngon miệng, cũng chẳng giúp bạn làm việc năng suất hơn.
Làm sao bạn có thể thưởng thức hết vị ngon của món rau nếu cứ mải mê xử lý tài liệu?
Ăn trưa hay ăn tối chỉ mất của bạn hơn 10-15 phút. Chúng ta liệu có bận đến mức không thể dành nổi 10 phút để nạp năng lượng cho cơ thể không?
Do đó, bạn nên ăn uống một cách tập trung, không nên vừa ăn vừa dùng điện thoại.
6. Sử dụng đồng hồ bấm giờ cho từng nhiệm vụ
Pomodoro là một phương pháp quản lý thời gian để nâng cao tối đa sự tập trung trong công việc. Nó được giới thiệu bởi Francesco Cirillo – CEO của 1 công ty phần mềm người Italia vào năm 1980.
Bản chất của phương pháp này là chia một nhiệm vụ lớn ra thành các nhiệm vụ nhỏ để làm trong một khoảng thời gian ngắn, xen giữa đó là những giờ nghỉ ngắn hạn.
Mỗi ngày, chúng ta đều phải di chuyển tới công ty rồi làm việc liên tục trong 8 tiếng. Đây không phải là điều gì dễ dàng, mà đòi hỏi bạn phải thiết lập và duy trì một thời gian biểu chặt chẽ và nghiêm ngặt.
Chẳng hạn, bạn làm việc 1 tiếng, sau đó cho phép bản thân nghỉ 10 phút, rồi sau đó lại làm việc thêm 1 tiếng nữa.
Phương pháp này vô cùng hữu ích khi bạn cần phải xử lý deadline và đi công tác nhiều nơi mỗi tháng.
7. Để điện thoại ở phía đối diện của căn phòng
Nếu để điện thoại ở bên cạnh khi đang ngủ, bạn sẽ bấm nút "Hoãn báo thức" và dậy muộn vào ngày hôm sau.
Việc thức dậy không khó, trở ngại lớn nhất của chúng ta là ngồi dậy và ra khỏi giường mỗi sáng. Do đó, phương pháp này rất có ích nếu bạn muốn thức dậy đúng giờ.
Nếu đặt điện thoại ở phía bên kia căn phòng, bạn sẽ phải đứng dậy và đi vài bước để tắt nó. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy khát nước theo thói quen quen và nhận ra mình còn rất nhiều việc phải làm trước mắt.
Do đó, bạn không thể cho phép bản thân quay lại giường và ngủ tiếp.
8. Chờ đợi trước khi chi tiêu
Có 2 nguyên tắc bạn nên áp dụng trước khi mua bất kỳ món đồ gì. Thứ nhất, không nên mua đồ ngay khi vừa nhìn thấy, trừ khi đó là thứ mình cần và đã tìm kiếm bấy lâu.
Thông thường, bạn nên chờ vài ngày để suy nghĩ xem nó có thực sự cần thiết không.
Nếu vẫn mơ tưởng về món đồ sau khoảng 3 ngày, bạn có thể mua nó. Còn nếu bạn quên bẵng đi món đồ đó, bạn đã tiết kiệm được một khoản tiền thay vì mua đồ trong lúc bốc đồng.
Nguyên tắc thứ hai áp dụng cho những món đồ đang giảm giá. Ai cũng thích đồ giảm giá, nhưng cái bẫy này khiến chúng ta mua nhiều thứ hơn nhu cầu của mình. Đó là cách não bộ bị lừa bởi chiến thuật marketing.
Chúng cảm thấy hạnh phúc vì mua đồ với giá hời, để rồi mãi đến tận sau mới nhận ra rằng đó chỉ là cảm xúc nhất thời.
Để tránh mua phải những thứ không cần thiết, hãy hỏi bản thân một câu hỏi đơn giản: "Liệu mình có sẵn sàng trả toàn bộ giá cho nó?". Nếu câu trả lời là có, bạn hãy rút ví ra. Còn nếu câu trả lời là không, hãy bỏ qua món đồ.
9. Viết ra mọi ý tưởng
"Mình sẽ nhớ được" là lời nói dối kinh điển nhất mà chúng ta vẫn thường nói với bản thân. Trên thực tế, bạn sẽ quên hơn một nửa số suy nghĩ của mình mỗi ngày.
Do đó, hãy tạo thói quen viết mọi thứ ra giấy, kể cả những thứ tưởng như không mấy quan trọng.