Hóa ra tốt quá đôi khi cũng không hay, bởi lẽ nhiều người sẽ coi sự tốt bụng của bạn là điều nghiễm nhiên, thành ra không biết trân trọng.
Dù không muốn thừa nhận nhưng có không ít người trong số chúng ta mắc phải hội chứng mang tên "hội chứng người tốt". Người mắc hội chứng này thường có xu hướng cho đi 100% những gì mình có, luôn muốn làm hài lòng đối phương tuyệt đối bất kể là trong tình bạn, tình yêu hay trong công việc.
Dẫu biết cho đi không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với nhận lại nhưng nếu sự mất cân bằng này diễn ra quá thường xuyên, có lẽ bạn nên dành thời gian xem xét lại mối quan hệ mình đang có. Bởi rất có thể đối phương đang cho rằng việc giúp đỡ, hỗ trợ, đối xử tốt với họ là nghĩa vụ của bạn. Họ coi sự dịu dàng, ân cần từ phía bạn là hiển nhiên nên không biết trân trọng, thậm chí ngó lơ. Về lâu về dài, tình trạng này sẽ khiến bạn cảm thấy cực kì mệt mỏi và áp lực.
Dưới đây là 8 dấu hiệu giúp bạn nhận ra có phải người khác đang xem nhẹ những nỗ lực của mình hay không:
1. Bạn luôn phải cố gắng thể hiện ra ngoài những gì mình có
Khi một người cảm thấy không an toàn, họ có xu hướng thể hiện những điểm tốt mà mình có để người khác nhìn ra giá trị của họ. Việc chia sẻ câu chuyện hoặc trải nghiệm này giúp họ cảm thấy mình gần gũi hơn người khác, không bị người khác xem nhẹ.
2. Bạn muốn người khác chứng minh tình cảm của họ với bạn bằng hành động
Mỗi khi có ai đó nói họ yêu quý bạn, bạn sẽ cố gắng soi xem hành động của họ có nhất quán với lời nói hay không. Bạn cho rằng chỉ nói miệng là vô nghĩa, bạn cần họ chứng minh bằng thực tế cơ.
3. Bạn luôn có cảm giác những thành tựu mình đạt được chẳng có gì đáng chúc mừng
Nếu đối phương chỉ quan tâm đến thành công của họ và ngó lơ thành công của bạn, đây là chuyện không tốt chút nào. Tình trạng này chỉ xảy ra khi người đó quá ích kỷ hoặc không thực sự quan tâm bạn.
4. Khoảng cách giữa những gì bạn trao đi và những gì bạn nhận lại là quá lớn
Sự cân bằng giữa cho và nhận giúp một mối quan hệ thêm mạnh mẽ. Nếu một người lúc nào cũng phải cho đi và một người chỉ chăm chăm nhận về, sự liên kết giữa họ sẽ càng ngày càng trở nên mông lung, yếu ớt.
5. Khi hai bạn ít liên lạc, bạn thấy buồn còn người ấy thì không
Trong bất kì mối quan hệ nào, sự giao tiếp, liên lạc luôn cần đến từ hai phía. Nếu bạn thường xuyên bị đối phương cho ăn "bơ" hoặc thiếu quan tâm, rõ ràng bạn không phải ưu tiên quan trọng nhất trong cuộc sống của người ấy rồi.
6. Mọi người chỉ tìm đến bạn khi cần sự giúp đỡ
Vì bạn lúc nào cũng có mặt để giúp đỡ người khác khi họ cần nên họ luôn mặc định rằng tương lai bạn vẫn sẽ vậy. Và khi bạn nói từ chối, họ sẽ ngay lập tức gán mác ích kỷ cho bạn. Điều bạn cần làm chính là lập ra giới hạn, đừng để người khác lấn lướt quá đà.
7. Chẳng ai buồn quan tâm đến những ngày quan trọng có liên quan đến bạn
Mọi người luôn bận rộn với cuộc sống của mình và thỉnh thoảng quên mất ngày sinh nhật của bạn, ngày kỉ niệm tình yêu với bạn... Khi việc này xảy ra quá thường xuyên, bạn sẽ buộc mình suy nghĩ rằng phải chăng họ cố tình quên, hoặc đơn giản, bạn chẳng là ai để họ cần phải nhớ hết...
8. Bạn luôn cảm thấy ghen tị khi nhìn người khác hạnh phúc
Sự tự ti cộng với việc phải nhìn người khác có những thứ bạn không có chính là nguồn cơn dẫn đến lòng ghen tị. Cảm giác này thực chất dễ hiểu thôi, nhất là khi bạn hy sinh rất nhiều nhưng vẫn không được đối xử tốt ở mức độ tương đương.