Khi tư vấn cho khách hàng, các chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình nhận thấy có những thói quen xấu rất hay gặp ở các cặp vợ chồng.
1. Dành hết thời gian trước giờ đi ngủ để xem TV
Cùng nhau xem một vài tập phim có thể giúp bạn >giải trí sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Nhưng nó có thể thành thói quen xấu nếu bạn dành hết thời gian trước giờ đi ngủ cho màn hình TV hay điện thoại, thay vì làm việc gì đó để hai vợ chồng thực sự kết nối với nhau.
Theo chuyên gia tâm lý Shannon Chavez từ London, các cặp đôi dành nhiều thời gian xem TV hơn cả "thân mật" hay dành thời gian chất lượng cho nhau, điều đó khiến họ ưu tiên chiếc TV hơn cả nhau hoặc >chuyện vợ chồng.
Theo Shannon, vợ chồng nên tắt TV và nghe nhạc, massage cho nhau hoặc những hình thức khác để giúp nhau thư giãn, giảm stress.
2. Hay ngắt lời nhau
Trong lúc tranh cãi nóng nảy, bạn có thể ngắt lời vợ/chồng mình. Thói quen ngắt lời sẽ khiến đối phương cảm thấy không được tôn trọng và yêu thương, theo nhà trị liệu Kurrt Smith ở California, Mỹ cho biết.
Hãy có ý thức hơn khi giao tiếp giữa vợ chồng, để đối phương nói hết suy nghĩ của mình trước khi bạn nói ra ý kiến của bạn.
3. Đánh mất chính mình trong hôn nhân
Nhà trị liệu Nicole Saunders đến từ North Carolina, Mỹ cho biết, khi mới bắt đầu mỗi quan hệ, bạn có thể cảm thấy thật tuyệt vời ngay cả khi phải trả giá bằng những sở thích, mối quan hệ hay thói quen cá nhân. Không có gì lạ khi bạn có thể đánh mất bản thân trong hôn nhân.
Nhưng sau khi thời kỳ trăng mật qua đi, bạn nhận ra mình đã vì tình yêu mà dần xa cách với bạn bè, tụt hậu với mục tiêu công việc, không quan tâm đến sở thích của mình và không dành thời gian cho việc chăm sóc bản thân.
Điều đó sẽ khiến bạn kiệt sức, miễn cưỡng.
Do đó đầu tiên bạn cần dành cho nhau những ưu tiên cũng như giới hạn nhất định.
Trò chuyện rõ ràng và thường xuyên sẽ giúp bạn tái sắp xếp thời gian và năng lượng mà không làm ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng.
Bạn đầu bạn có thể thấy bất an khi dành ít thời gian hơn với vợ/chồng mình, nhưng giao tiếp có thể giúp bạn an tâm hơn và tận dụng tối đa thời gian dành cho nhau.
4. Kỳ vọng vợ/chồng biết 'đọc suy nghĩ' của mình
Thật tuyệt vời nếu vợ chồng có thể đoán trước nhu cầu của nhau trước khi người kia nói ra.
Tuy nhiên theo nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Lynsie Seely từ San Francisco, Mỹ cho biết, một số khách hàng đặt kỳ vọng không công bằng đối với vợ/chồng mình.
Họ mong người kia đọc được suy nghĩ của mình và biết họ cần gì hoặc cảm giác của họ ra sao.
Khi đối phương không thể làm điều này, họ tự mình đưa ra kết luận rằng đối phương không quan tâm mình hay mình không quan trọng.
Chúng ta đưa ra những giả định tiêu cực về vợ/chồng mình, dẫn tới khoảng cách giữa cặp đôi.
Theo Seely, thay vì để bạn đời phải giải mã những suy nghĩ sâu kín nhất của bạn, hãy tập cách nói ra những gì bạn cần, ví dụ như: "Em đang thấy rất buồn, anh có thể ôm em một lúc được không?"
5. Luôn phải là người đúng
Rất khó để có một cuộc tranh luận hiệu quả khi cả hai vợ chồng đều quan tâm đến thắng thua hơn là giải quyết vấn đề.
Chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình Jess Davis cho biết, các cặp vợ chồng trở nên bế tắc trong các vấn đề vì họ cảm thấy mình phải là người đúng.
Hơn thua khi tranh cãi có thể gây bế tắc và thất vọng, trở thành rào cản khiến hai vợ chồng không thể giải quyết vấn đề.
Bạn cần hiểu hai vợ chồng bạn chung một thuyền và có thể làm việc cùng nhau thay vì cạnh tranh.
6. Không dành thời gian cho nhau
Công việc, con cái và những vấn đề khác trong cuộc sống khiến các cặp vợ chồng khó dành thời gian chất lượng cho nhau như khi mới hẹn hò.
Nếu bạn bị động chờ đợi một cơ hội thì sẽ rất khó. Hai bạn phải cố ý dành thời gian cho nhau, dù chỉ là 10 phút mỗi ngày cũng được.
Vợ chồng có thể cùng nhau dắt chó đi dạo, biến nó thành thời gian bên nhau và kết nối giữa vợ chồng.
7. Né tránh nói chuyện về những vấn đề nhạy cảm
Chúng ta sợ sẽ bị đối phương phán xét, làm tổn thương hoặc từ chối, do đó chúng ta chọn cách "dễ dàng" hơn là né tránh một số vấn đề.
Theo nhà trị liệu Nicole Saunders, thói quen né tránh ngay từ đầu có thể khiến vợ chồng không thể phát triển kỹ năng giao tiếp cần thiết để xây dựng một hôn nhân lành mạnh, an toàn.
Ví dụ bạn có thể đã sẵn sàng có con, nhưng vì hai vợ chồng chưa bao giờ nói về tương lai cùng nhau nên bạn cảm thấy thảo luận chủ đề này là quá tế nhị.
Kết quả là bạn dần chai sạn cảm xúc của mình, những chủ đề này chỉ có thể được đưa ra sau khi một trong hai người say xỉn, và cuộc nói chuyện biến thành cuộc cãi vã.
Đến hôm sau khi tỉnh dậy, bạn thấy lo sợ và không thoải mái và càng né tránh nói chuyện về vấn đề này.
Theo Saunders, các cặp vợ chồng nên tập nói chuyện sâu dần từ những cuộc trò chuyện bình thường.
Tiếp xúc dần dần với các chủ đề nhạy cảm này sẽ tăng khả năng chịu đựng cho các cặp đôi và xây dựng kỹ năng giao tiếp hiệu quả cần thiết.