Có rất nhiều cặp vợ chồng cãi nhau qua tin nhắn điện thoại vì nhiều lý do. Nhưng cãi nhau qua tin nhắn điện thoại có thể "lợi bất cập hại".
Bạn mỏi mệt vì gửi tin nhắn điện thoại
Trong khi tin nhắn chủ yếu là dùng để giao tiếp thì không ít vợ chồng dành thời gian hàng tiếng đồng hồ chỉ để trách móc, giận hờn, thậm chí chửi bới, nạt nộ nhau.
Tin nhắn điện thoại, Zalo, Facebook hay các mạng xã hội khác chỉ nên dành cho các mẩu tin ngắn gọn, là phương tiện để truyền đạt thông tin.
Một câu chuyện dài giữa hai người không nên giải quyết qua tin nhắn điện thoại vì có thể khiến cả hai mỏi mệt. Ngoài ra, bạn còn mất thời gian để ngồi bấm, gửi, chưa kể việc lỗi mạng, lỗi máy khiến bạn có thể bực mình hơn.
Không thể tập trung vào vấn đề
Cả hai người sẽ không thể tập trung vấn đề nếu sử dụng tin nhắn để giải quyết mâu thuẫn. Lý do là vì hai bạn có thể bị sao nhãng bởi những thứ xung quanh và không thể tập trung được vấn đề mình cần giải quyết là gì.
Có những cặp vợ chồng còn cãi nhau khi làm việc, khi đang đi chơi với bạn bè, thậm chí khi đang đi chơi với con. Tranh luận kiểu này khiến vấn đề của họ chằng đi đến đâu cả.
Tranh luận dai dẳng khi gửi tin nhắn điện thoại
Cãi nhau qua tin nhắn sẽ không giúp hai vợ chồng có thể thỏa mãn được điều mà mình muốn. Thậm chí khi nhắn tin để trách móc nhau, hai vợ chồng lại được dịp lôi chuyện quá khứ ra để chì chiết, hay có người còn nghĩ ra nhiều lỗi của nhau để lấy đó làm bệ phóng cho một màn cãi vã ngoạn mục trên điện thoại.
Cứ thế, cuộc tranh luận của hai người không thể kết thúc được mà cứ dài lê thê từ ngày này sang ngày khác vì lúc đầu chỉ nói một chuyện, sau rồi hai chuyện và cuối cùng là rất nhiều chuyện.
Tin nhắn có thể bị quên
Khi hai người thật sự có xung đột không giải quyết trực tiếp mà qua tin nhắn điện thoại có thể kết quả sẽ không đi đến đâu.
Bởi vì việc gửi tin nhắn có thể thực hiện ở bất cứ nơi đâu nhưng nó cũng có thể bị quên lãng nếu chúng ta vừa nhắn tin mà vẫn phải làm việc, lái xe, chăm con, làm việc nhà...
Thế cho nên, nếu đã có mâu thuẫn gia đình, hai người nên dành thời gian nói chuyện trực tiếp thay vì qua nhắn tin. Đó thật sự không phải là một cách tốt, thậm chí còn gây cho bạn sự ức chế, căng thẳng trong cuộc sống, công việc.
Tin nhắn không biểu lộ cảm xúc
Trên mạng xã hội Zalo hay Facebook, Instagram đều có những biểu tượng bộc lộ cảm xúc khi gửi tin nhắn. Nhưng nó không thể thay thế cho cảm giác thật sự của bạn ngay lúc đó.
Cảm xúc khi hai người khi nói có thể giúp câu chuyện chân thực hơn bao giờ hết. Bạn không thể để hình bạn khóc thay cho nước mắt, cũng không thể để hình mặt cười khi cả hai người làm hòa.
Kể cả giọng nói của bạn cũng có thể làm cho câu chuyện rẽ sang hướng khác đi chứ không như những con chữ trong tin nhắn.
Tin nhắn điện thoại không thật sự an toàn
"Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa" hoàn toàn đúng trong trường hợp cả hai vợ chồng sợ bố mẹ, con cái hay hàng xóm nghe thấy tiếng cãi nhau, họ chọn tin nhắn để giải quyết mâu thuẫn.
Nhưng những tin nhắn trên điện thoại thực sự không an toàn chút nào. Đôi khi bạn quên xóa cuộc hội thoại đó hoặc cố ý để làm... bằng chứng cho lần cãi vã tiếp theo thì vô tình người khác có thể đọc được cuộc nói chuyện không hay ho của hai người.
Bạn có thể thấy hối tiếc vì đã gửi tin nhắn điện thoại
Không như kiểu nói chuyện trực tiếp, khi nhắn tin qua điện thoại, cả hai đều có thể bị tổn thương nghiệm trọng. Họ cảm thấy đau khổ và đôi khi cả hai còn khóc cạn cả nước mắt vì những lời đau đớn người ấy nói ra. Bởi vì bạn hoàn toàn có thể đọc đi đọc lại nhiều lần những tin nhắn đó và càng thấy đau khổ hơn.
Trong khi bạn có thể cảm nhận được tình yêu qua cử chỉ của vợ hoặc chồng khi nói chuyện trực tiếp thì nhắn tin sẽ che lấp tất cả mọi thứ khiến cả hai càng ngày càng mâu thuẫn, càng ngày càng xa cách.