Trong một mối quan hệ mà bạn không có sự tôn trọng lẫn nhau, bạn sẽ chịu đựng việc bị đối xử như một tấm thảm chùi chân; còn nếu không có sự yêu thương, bạn sẽ bị thiếu thốn sự thấu cảm từ đối phương; và cuối cùng nếu không có sự tin tưởng, bạn sẽ dung thứ cho việc nói dối và lừa dối nhau.

Phong Kim 05:10 10/09/2020

Bạn có cảm thấy mệt mỏi khi phải cãi vã suốt ngày với người yêu của mình không? Bạn có cảm thấy bất an khi ở trong mối quan hệ hiện tại? Bạn cảm thấy rằng sau mỗi chuyện xảy ra, người ấy đều lặp lại những gì mà bạn không mong muốn? 

Đã đến lúc bạn cần nhìn lại những thói quen độc hại mà có thể bạn hoặc người yêu của mình đang mắc phải, và làm thế nào để điều chỉnh chúng.

Mối quan hệ độc hại là gì?

Mối quan hệ độc hại xảy ra khi một hoặc cả hai cá nhân chìm đắm trong sự ích kỷ của riêng mình. 

Trước tiên, để xác định những mối quan hệ đang có nhiều vấn đề, bạn cần xác định được thế nào là một mối quan hệ lành mạnh. Ba đặc điểm quan trọng trong mọi mối quan hệ lành mạnh gồm: Tin tưởng, tôn trọng và yêu thương. Trong một mối quan hệ, chỉ cần thiếu đi một điều sẽ tạo ra sự mất cân bằng.

Trong một mối quan hệ mà bạn không có sự tôn trọng lẫn nhau, bạn sẽ chịu đựng việc bị đối xử như một tấm thảm chùi chân. Thiếu đi sự yêu thương? Bạn đang yêu cơ mà? Vắng bóng sự tin tưởng sẽ khiến mối quan hệ chìm trong sự hoài nghi và kiểm soát.

5 thói quen độc hại mà đa số mọi người nghĩ là lành mạnh trong tình yêu 

Trong tình yêu, chúng ta cứ tự cho mình rất nhiều ngoại lệ vì nghĩ rằng: Mình đang yêu. Vì yêu nên mình có quyền làm điều này, điều kia, thiết lập rất nhiều giới hạn và thậm chí là luật của riêng bạn. Đôi khi, chính những điều đấy đang biến tình yêu của bạn trở thành một phiên bản độc hại với đầy những sự tổn thương, khó chịu và kìm nén. 

1. Ở bên nhau mọi lúc

Khi bắt đầu ở trong một mối quan hệ, tình yêu thương có thể biến thành khó chịu khi có bất đồng xảy ra là điều bình thường, xung đột có thể xảy ra bởi mối quan hệ nào cũng sẽ cần thời gian để phát triển và trưởng thành hơn. Một mối quan hệ trưởng thành đòi hỏi cả hai cá nhân phải tách biệt và độc lập. Bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ nằm ngoài mối quan hệ của mình (như là sở thích riêng, gặp gỡ bạn bè, phát triển bản thân, v...v…) đều sẽ góp phần khiến bạn trở thành một người tốt hơn. "Khoảng trời riêng" cũng là thứ giúp cân bằng lại con người bạn, giúp bạn có thể dành thời gian cho bản thân và không đánh mất mình. 

Dĩ nhiên là khi yêu, chúng ta luôn muốn ở cạnh người mình yêu thương và luôn cảm thấy có bao nhiêu thời gian cũng là không đủ. Nhưng đây cũng là lúc chúng ta nên tỉnh táo. Điều có vẻ ngọt ngào này sẽ giết chết khoảng thời gian bạn dành để nghỉ ngơi, để bồi đắp cho bản thân mình. Chưa kể, việc gặp gỡ liên tục một người sẽ khiến bạn cảm thấy sự nhàm chán trong tình yêu đến sớm hơn dự kiến rất nhiều. 

Bạn sẽ dần nhận ra sự quan trọng của việc không "kè kè" bên nhau suốt ngày sẽ bắt đầu vào lúc mối quan hệ dần trở nên trưởng thành hơn. Và chắc chắn, sẽ không một mối quan hệ nào cứ kẹt mãi ở giai đoạn đầu - khi tình yêu mới chớm nở đâu, bởi chúng ta cũng sẽ sớm cảm thấy mệt mỏi vì cứ phải đáp ứng nhu cầu gặp gỡ của một người trong cả một thời gian dài, ta sẽ thấy dần đánh mất mình, vì không có thời gian soi chiếu, nhìn nhận bản thân, cũng chẳng có thời gian gặp gỡ bạn bè để tìm kiếm lời khuyên gì sất. 

2. Luôn luôn “chấm điểm” mọi hành động

Nhiều người có một nỗi sợ rất lớn trong tình yêu, đó là sợ mình bị thiệt. Họ luôn sợ mình phải đầu tư nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn, cho đi nhiều hơn. Dĩ nhiên là trong tình yêu luôn cần sự công bằng cho cả hai, nhưng đôi khi, việc luôn so đo khiến cho tình yêu trở nên tính toán quá nhiều. Một trong những người bạn của tôi luôn chấm điểm mọi thứ người yêu của cô ấy làm, vì cô ấy cho rằng điều đó giúp đánh giá được bên nào đang làm nhiều quá, bên nào làm ít quá.

Tuy nhiên đối với đa số con người chúng ta, chúng ta thường có xu hướng đánh giá quá cao những gì mình làm và đánh giá thấp những gì người khác làm cho mình. Ngay cả ví dụ như bản thân tôi, rất dễ để tôi đếm tuần này mình đã rửa bát đĩa đến 5 lần, nhưng lại chẳng để ý rằng người bạn đời của tôi đã giặt giũ, phơi phóng toàn bộ đống quần áo trong tuần và lau dọn nhà cửa khi tôi không có mặt.

Những người đang ở trong mối quan hệ lành mạnh sẽ hiểu rằng những sai lầm trong cuộc sống, các vấn đề phức tạp sẽ luôn xảy ra và đôi khi chúng ta cần nghĩ cho bạn đời của mình nhiều hơn. Hy sinh một chút, dù bạn không nhận lại được ngay, hoặc ngay cả bạn sẽ chẳng nhận được gì - nhưng nếu điều đó khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, hãy cứ làm. Bởi suy cho cùng, chúng ta bước vào tình yêu cũng chỉ để tìm kiếm niềm vui và ý nghĩa trong việc chăm sóc, quan tâm một ai đó quan trọng với mình. 

3. Cố gắng giải quyết tất cả mọi vấn đề 

Hãy tưởng tượng rằng người yêu của bạn có một tính xấu khiến bạn không thể chịu nổi. Bạn đã thử cố cho qua vài lần, nhưng điều đó vẫn khiến bạn phát điên và luôn phải kìm nén. Bạn cũng từng thử nói chuyện với người yêu mình về điều đó. Các bạn cũng đã cùng nhau đọc sách hoặc cùng nhau ra đưa giải pháp về “công bằng” khi tranh cãi về những việc này. Rất nhiều phương pháp đã được thử nhưng có vẻ tất cả đều không ăn thua. Không một bên nào muốn sửa điều đó, và các bạn nghĩ rằng có thể việc tiến tới hôn nhân sẽ giải quyết được vấn đề này.

Thực ra không.

Các bạn đã thử rất nhiều cách và không có gì thay đổi, các bạn vẫn ở bên nhau và tiếp tục mối quan hệ. Sau đó, khi các bạn có con. Và thật kinh hoàng khi vấn đề này quay trở lại. Cả hai đều nhận ra rằng dù mình có cố gắng đến thế nào, sự thật vẫn hiển hiện ở đó. Đó là đôi khi thực sự tồn tại những khác biệt lớn đến mức hai bạn không thể hàn gắn. 

Nếu điều đó vẫn còn tiếp diễn, vậy lý do vẫn còn tiếp tục mối quan hệ không lành mạnh này là gì? Các giải pháp không hiệu quả sẽ dẫn đến các vấn đề tốn kém hơn gấp nhiều lần trong tương lai như: lãng phí thời gian, tiền bạc, năng lượng, ly hôn, quyền nuôi con, v..v… Hoặc hãy nghĩ đơn giản hơn: Nếu mình cứ cố bấu víu vào mối quan hệ này chỉ vì sợ đổ vỡ, vậy 10 năm nữa, 20 năm nữa mình vẫn sẽ chìm đắm trong những nỗi buồn khổ này thì sẽ thế nào? 

Do vậy, bạn nên đưa ra quyết định quyết đoán hơn với những vấn đề không thể giải quyết được ở thời điểm hiện tại, thay vì chấp nhận và tiếp tục đau khổ.

4. Không thẳng thắn

Tôi biết có một anh bạn là là vua của “gợi ý”. Khi anh ý và vợ mình đi siêu thị cùng nhau hay ở nhà lướt web, anh ta nếu bắt gặp một món đồ ưa thích thì sẽ nói rằng: “Chà, đây là một món quà tuyệt vời cho bản thân đấy nhỉ?”. Mặc dù điều đó có vẻ rất vô hại và dễ thương, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề tai hại khi bạn thường xuyên áp dụng thói quen đó vào trong mối quan hệ của mình đặc biệt là trong những tình huống mà cả hai đang thực sự cần trao đổi điều gì đó với nhau.

Nhiều người trong chúng ta thích gợi ý, lảng tránh hoặc đưa ra những lời nhận xét mang tính tích cực thụ động để tránh xung động hơn là thẳng thắn và trung thực. Giả sử như bạn không thích mẹ chồng của mình vì bà luôn chỉ trích cách làm cha mẹ của bạn. Thay vì nói trực tiếp với chồng mình thì bạn chỉ cố gắng lảng tránh khi ở bên cạnh anh ý bằng những câu nói: “Nhưng em muốn ghé qua nhà thăm mẹ”, hay “Em nghĩ là các con muốn về sớm”.

Cuối cùng thì bạn có thể sẽ khiến người bạn đời của mình khó chịu và nói chuyện với bạn. Thật không tốt khi bạn không đề cập thẳng vào vấn đề mà chỉ mong đối phương hiểu được suy nghĩ của mình, chỉ vì bạn muốn tránh xung đột với họ. Nhưng cuối cùng, bạn chỉ mang đến cảm giác khó chịu vì đối phương cứ phải dò hỏi và đoán ý của bạn. 

Hãy lựa thời điểm thích hợp để có thể nói ra suy nghĩ và cảm xúc của mình. Thời điểm bạn chọn ở đây rất quan trọng, đó không phải là ngay lập tức hoặc sau khi cuộc cãi vã xảy ra. Bạn nên tìm một thời điểm (có thể là vài ngày sau), khi mà cả hai đã hết nóng giận và bình tĩnh hơn, bạn cũng nên chuẩn bị những vấn đề gì mình sẽ nói để nửa kia của mình hiểu mong muốn của bạn hơn.

5. Tỏ ra ghen tuông

Ghen tuông không đồng nghĩa với việc thể hiện mong muốn tình cảm của bạn, và điều đó càng chắc chắn không có nghĩa là nếu đối tác của bạn không ghen tức là họ không yêu bạn. Ghen tuông đồng nghĩa với sự bất an và sợ hãi. Mọi người thường làm những điều điên rồ khi họ cảm thấy không an toàn. Khi ghen, đối phương thường không tôn trọng quyền riêng tư của bạn, họ theo dõi bạn và buộc tội bạn.

Bây giờ, bạn chỉ cần trả lời đúng một câu hỏi này thôi: “Bạn có tin tưởng người ấy của mình hay không?”. Đơn giản vậy thôi. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy ghen tuông một chút, nhưng bạn nên tin rằng đối tác của bạn có thể tự xử lý vấn đề theo cách giữ vững những lời hứa mà các bạn đã hứa với nhau. Còn nếu bạn đã không có niềm tin ở bạn đời mình thì tại sao bạn vẫn còn tiếp tục mối quan hệ này làm gì?

Ví dụ, anh bạn tôi kể rằng anh mới quen được cô bạn này 3 tháng. Trong thời gian đầu, cô gái này vẫn thỉnh thoảng nhận được tin nhắn từ bạn trai cũ bày tỏ muốn quay lại. Anh bạn tôi ban đầu cũng cảm thấy ghen tuông và cãi nhau rất nhiều với bạn gái vì cảm thấy cô không thể hiện sự dứt khoát. 

Nhưng sau này, anh chợt nhận ra vấn đề ở đây là sự tin tưởng. Anh chỉ cần nói rõ việc anh cảm thấy không thoải mái và không thích việc bạn gái mình trả lời lại tin nhắn người yêu cũ. Cô gái kia cũng hiểu người yêu mình cảm thấy thế nào, cô cũng trao đổi lại cách xử lý của mình để khiến người yêu quan tâm. Sự việc kết thúc khi cô gái phớt lờ những tin nhắn của gã người yêu cũ, và anh bạn tôi thì học được một bài học về sự tin tưởng.

Việc đúng đắn ở đây là bạn cần nhận ra tình yêu được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng. Nếu bạn đang cảm thấy ghen tuông, tức là bản thân bạn cũng đang có vấn đề chứ không chỉ đối phương. Bạn có thể trao đổi thẳng thắn, chia sẻ mọi cảm xúc tiêu cực,.. để cả hai hiểu nhau hơn và tránh để sự việc bị đẩy lên một mức khó có thể kiểm soát được.

---

Như bạn thấy đấy, có rất nhiều hành động hay là thói quen độc hại mà chúng ta trước giờ không để ý, vô tình để nó diễn ra trong một mối quan hệ mà không hề hay biết. Tuy nhiên, tất cả những thói quen đó đều có thể thay đổi nếu hai bạn nhận ra sớm hơn. 

Và cuối cùng, trong mọi tình huống hãy luôn luôn ghi nhớ, mọi tình yêu đều bắt đầu với 3 yếu tố quan trọng nhất: Tin tưởng, tôn trọng và yêu thương. 

Theo Tiko Chiko - Design: Minh Trang/Tổ Quốc