Chúng ta đã quen thuộc với khái niệm IQ và EQ, nhưng nhiều người chưa biết đến một chỉ số quan trọng khác cũng quyết định thành công của con người đó là SQ - chỉ số thông minh xã hội.
Thông minh xã hội (Social Intelligence), xác định bằng chỉ số thông minh xã hội SQ - Social Quotient.
Khái niệm này do Edgar Doll đưa ra từ năm 1937, với mục đích xác định mức độ hòa nhập vào một tập thể rộng lớn thông qua khả năng đánh giá đúng người, đúng việc, sự khôn khéo, cách xử lý có hiệu quả một cá nhân trước mỗi hiện tượng, sự kiện, mỗi tình huống cụ thể...
Thông minh xã hội được xem là chiếc chìa khóa để thành công trong cuộc đời, và nếu như các chỉ số khác đều cao thì cá nhân đó chắc chắn là một người thành đạt trong cuộc sống.
Thông minh xã hội là thứ bạn có thể rèn luyện và nâng cao dân. Muốn làm điều này bạn phải nhận thức được những hành vi của mình khiến người khác yêu quý hay khó chịu.
Dưới đây là 5 sai lầm trong giao tiếp mà người có chỉ số thông minh xã hội cao tránh mắc phải.
Tranh luận những chuyện vô nghĩa
Khi tranh luận với mọi người, thi thoảng hãy ngừng lại để tự nhắc nhở bản thân, bởi cảm xúc dâng lên là khi trí thông minh của ta hạ xuống.
Hãy tự hỏi mình những điều này:
Điều mình muốn nói có phải điều người xung quanh muốn nghe?
Có chuyện gì xảy ra với người này mà mình không biết?
Nếu người khác nhận thua thì mình có thực sự đã chiến thắng?
Họ đúng hay sai?
Có những cuộc tranh luận là cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Đôi khi chỉ cần nói "Có thể bạn đúng" hoặc "Chuyện này để mình nghĩ thêm rồi nói sau nhé", bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và sức lực.
Không lựa tình thế mà cư xử
Người có trí thông minh xã hội cao không chỉ lắng nghe mà còn biết quan sát mọi người xung quanh và lựa tình thế trước khi nói.
Không khí cuộc trò chuyện đang như thế nào khi bạn tham gia? Mọi người tỏ ra lạc quan hay suy sụp?
Ngôn ngữ cử chỉ và biểu cảm khuôn mặt của họ như thế nào? Họ thoải mái, cười đùa hay nghiêm túc, buồn bã?
Việc quan sát trước tình thế sẽ giúp bạn tránh nói ra lời không phù hợp/
Bảo thủ, không chịu lắng nghe khi người khác có ý kiến trái chiều
Người có trí thông minh xã hội cao là người nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh dù ở bất kỳ môi trường nào.
Sự thích nghi linh hoạt này có được là vì họ có tư duy mở, không bao thủ. Họ thích tìm hiểu cách nhìn của những người khác.
Con người đều muốn được lắng nghe, được nhìn nhận.
Những hành vi như phán xét người khác quá sớm, ngắt lời người khác, không chịu lắng nghe người có quan niệm, niềm tin khác biệt với bạn sẽ khiến đối phương cảm thấy bạn không coi trọng suy nghĩ và lời nói của họ.
Bộ não chúng ta thường có những định kiến tiêu cực về người khác. Nhưng nếu tiếp cận đúng cách, bạn sẽ phát hiện mỗi người đều có những điểm đáng ngưỡng mộ, đáng học hỏi.
Nói xấu người khác
Người thông minh xã hội hiểu rằng việc nói xấu người khác không chỉ khiến họ trở thành người xấu, mà còn làm người nghe tự hỏi liệu bạn sẽ nói xấu sau lưng họ hay không.
Bên cạnh đó, theo hiện tượng chuyển đổi tính trạng tự phát (spontaneous trait transference), các nhà nghiên cứu phát hiện bất cứ điều gì bạn nói về những người khác ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận bạn
Nếu bạn khen ngợi ai đó một cách chân thành, mọi người cũng sẽ liên kết bạn với những phẩm chất đó. Ngược lại, nếu bạn liên tục nói xấu sau lưng người khác, bạn bè của bạn sẽ bắt đầu liên kết những phẩm chất tiêu cực với bạn.
Tất nhiên điều này không có nghĩa là người có SQ cao không biết tức giận. Nhưng thay vì phàn nàn, nói xấu sau lưng người khác, họ sẽ góp ý thẳng với người kia.
Chiếm 'spotlight' của người khác
Có những thời điểm bạn cần biết giữ im lặng.
Ví dụ, khi ai đó muốn giãi bày với bạn vấn đề của họ, hãy lắng nghe thay vì kể cho họ thách thức bạn gặp phải.
Khi ai đó đạt thành tựu gì hay làm được việc ngoài vùng an toàn của họ, đừng nói với họ rằng thành tích tốt nhất của họ chỉ là mức tủng bình của bạn.
Hãy để người khác tận hưởng khoảnh khắc của họ. Người thông minh xã hội sẽ biết rằng đôi khi để giúp người khác tỏa sáng, bạn chỉ cần không làm gì cả.