Kẻ biết người là kẻ khôn, người tự biết mình là người sáng suốt. Trí tuệ nằm ở chỗ bạn có hiểu thấu chính mình hay không.
Có câu chuyện kể rằng, khi Trang Tử và Huệ Tử đang đi bộ trên cầu sông Hào, Trang Tử ngắm những con cá dưới nước và thở dài, "Những con cá này, chúng đang bơi thật vui làm sao!"
Huệ Tử nói: "Ông không phải là cá, sao biết cá vui?"
Trang Tử nói: "Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết?"
Cuộc sống giống như một vở kịch, niềm vui nỗi buồn đều là của riêng mình. Học cách suy ngẫm và hiểu thấu chính mình thông qua 5 câu nói kinh điển sau đây, bạn sẽ tìm ra trí tuệ đích thực của bản thân.
1. Yêu bản thân để bạn có thể yêu người khác
Trang Tử đã từng nói: "Đừng lấy tạp, tạp ắt nhiều, nhiều thì nhiễu, nhiễu sẽ ưu, ưu thì hết cách. Từ xưa đến nay, xong mình mới tới người.”
Ôm đồm quá nhiều thì việc nhỏ cũng thành việc lớn, trở nên phức tạp quá mức, dễ gây hỗn loạn. Một khi hỗn loạn thì sẽ gây ra thảm họa. Cho nên, người xưa mới dạy rằng, bản thân vững vàng thì mới có thể giúp được người khác.
Có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Trước phải tu thân, tu dưỡng chính mình rồi mới có đủ tư cách để lo cho gia đình, cho đất nước và thiên hạ. Đây không chỉ là thước đo đánh giá năng lực một người mà còn là lời nhắc nhở bạn đừng mải lo Đông lo Tây mà quên lo cho bản thân mình.
Ngàn dặm trường chinh bắt đầu từ một bước chân. Nếu bạn muốn học cách yêu thương người khác, bạn nên bắt đầu bằng việc yêu thương chính mình.
2. Tự biết, tự hiểu mới có thể làm nên đại sự
"Nực cười châu chấu đá xe tưởng, rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng."
Có con châu chấu trước xe ngựa, nó không tránh mà cứ giương càng lên chống lại, dám lấy yếu để chống mạnh, dù có chết cũng không khuất phục.
Có người nhìn vào sẽ thấy khâm phục ý chí sắt đá và dũng cảm của chú châu chấu, dù có đương đầu với kẻ mạnh cũng không run sợ.
Có người lại thấy giống loài này thật kỳ lạ, chẳng biết sức mình khỏe hay yếu, thấy đối thủ là liều thân xông lên mà thiếu ý thức về sức mạnh của chính mình.
Dũng cảm là điều đáng khâm phục nhưng lỗ mãng và thiếu hiểu biết lại vô cùng đáng sợ. Một người có thể thiếu năng lực, thiếu tài chính, nhưng anh ta không thể thiếu kiến thức về chính bản thân mình.
Bản thân là kim cương dao cắt không sứt hay đồ sứ mong manh dễ vỡ, bạn phải tự hiểu lấy mình. Giống như lời Lão Tử từng nói, “Kẻ biết người là kẻ khôn, người tự biết mình là người sáng suốt.”
Chỉ khi nhìn nhận hoàn cảnh và thấu hiểu ưu khuyết bản thân một cách khách quan, toàn diện, người ta mới có thể không rơi vào cái bẫy hiểm nguy của kiêu ngạo tự phụ hoặc mặc cảm tự ti, bình tâm tỉnh táo đi hết cuộc đời, biết điều gì nên làm, điều không nên.
3. Bức xúc, do cảnh giới của bạn chưa đủ tĩnh
Trang Tử đã từng nói: "Không trách thị phi, không bàn chuyện thế tục."
Tư thế tao nhã nhất của con người không phải là tranh cãi thị phi đúng sai, mà là học cách chung sống hòa bình.
Trăm kiểu người có trăm lập trường khác nhau, trong khi thế giới có đến hàng tỷ người. Cho nên mới nói, trên đời không có đúng hay sai tuyệt đối, chỉ có góc độ và cách nhìn khác nhau mà thôi.
Do đó, những người trưởng thành sẽ học cách nghĩ nhìn nhận vấn đề từ con mắt của người khác. Chỉ có kẻ ấu trĩ ngây thơ mới dùng thế giới nhỏ của bản thân để so đo, bức xúc và chịu đựng những suy nghĩ tiêu cực.
Nhân sinh trên đời sẽ luôn có những người và những điều bạn không thể hiểu hết, đừng quan tâm quá, hãy mỉm cười và qua đi.
4. Thành bại do trời, thuận theo tự nhiên
Người xưa có câu: “Tình canh vũ độc”, nghĩa là ngày nắng đi cày, ngày mưa đọc sách.
Một câu nói đơn giản này đã ngắn gọn mô tả một cuộc sống ung dung tự tại, không màng sự đời, thể hiện tâm hồn cao thượng, không phiền não, hàm chứa trí tuệ thuận theo tự nhiên của cổ nhân.
Trời nắng trời mưa là quy luật tự nhiên. Thiên nhiên sẽ không vì ý nguyện của con người mà thay đổi quy luật của mình. Với những gì không thể thay đổi được thì biết thuận theo, tận dụng chính điều đó để đem lợi ích về cho mình mới là lựa chọn của người trí tuệ.
Cảnh giới của sự khôn ngoan ở đời nằm trong 6 chữ: “Tẫn nhân sự, nghe thiên mệnh”, tức là làm hết sức mình và tuân theo số mệnh.
Đứng trước tình huống không thể cứu vãn, chúng ta phải học cách điều chỉnh tâm lý, thoải mái đối mặt.
5. Nội tâm sáng trong, bạn mới có thể không lạc lối
Người xưa đã dạy, “Nhìn tướng biết tâm, nhìn tâm biết mệnh.”
Con người sinh ra có đôi tai để lắng nghe, đôi mắt để quan sát và một trái tim để cảm thụ. Cảm quan bên ngoài khiến con người sinh ra dục vọng, còn cảm thụ nội tâm chính là lá chắn bảo vệ chúng ta không bị lạc lối.
Tâm trí của chúng ta giống như một tấm gương. Mặt gương càng sáng, không lem đất bùn thì càng có thể phản chiếu một con người tốt đẹp hơn.
Trang Tử đã từng nói: "Kẻ có nhiều ham muốn, dục vọng là những người hiểu biết nông cạn"
Người không biết kiềm chế dục vọng sẽ đánh mất linh tính trong cuộc sống, phúc phận trời cho tự nhiên cũng bạc mỏng. Vui nhưng không được vui quá, vui quá ắt hóa không vui.
Nuôi dưỡng dục vọng vừa phải như nguồn động lực, bạn có thể tiến bộ rất nhanh. Nhưng nếu buông bỏ để dục vọng bộc phát thái quá, được nuông chiều vô độ thì sớm muộn chúng cũng trở thành mãnh thú, thôn tính nhân tâm, khiến chúng ta phạm vào tai họa.
Gia Cát Lượng cũng dạy con trai rằng: “Không đạm bạc thì không tỏ rõ được chí hướng, không yên tĩnh thì không thể gây dựng được chí hướng cao xa”.
Trong tâm không có tạp niệm, vô dục vô cầu, thì sẽ khiến chí hướng càng rõ ràng, càng kiên định.
Khi tâm tĩnh lặng thì mới có thể rộng lớn, sâu sắc như bầu trời cao xa. Có duy trì tâm thái tốt thì mới khắc chế được tính nóng vội. Người có thể tĩnh lặng được như thế thì tầm nhìn mới lâu dài, cao xa được.