Hầu hết các cặp vợ chồng có một khoảng thời gian im lặng nào đó. Nhưng có 4 kiểu im lặng âm thầm phá vỡ hạnh phúc hôn nhân các cặp vợ chồng tuyệt đối nên tránh.
Người ta bảo im lặng là vàng nhưng nó chỉ đúng trong một số trường hợp. Trong cuộc sống vợ chồng, cũng có lúc cả hai người cần sự im lặng. Ví dụ như im lặng khi một trong hai người cảm thấy mệt hay bận công việc.
Tuy nhiên, có 4 kiểu im lặng sau đây là kẻ âm thầm lấy đi hạnh phúc hôn nhân mà bạn có thể không biết.
1. Im lặng khi có mâu thuẫn vợ chồng
Có một vấn đề hôn nhân rất phổ biến ở các cặp vợ chồng đó là "chiến tranh lạnh". Khi có mâu thuẫn vợ chồng xảy ra, một trong hai người hoặc cả hai né tránh vấn đề và chỉ im lặng để cho qua chuyện.
Theo chuyên gia, bộc lộ cảm xúc của mình đối với vợ hoặc chồng, đặc biệt là khi có mâu thuẫn là điều cực kỳ quan trọng. Vợ chồng cần phải hiểu nhau, mà muốn hiểu nhau thì phải nói chuyện. Còn nếu cứ im lặng mà không giải quyết thì vấn đề ngày càng tích tụ, lớn dần lên và khó tháo gỡ hơn.
Im lặng khi mâu thuẫn chưa bao giờ là một điều tốt bởi vì điều đó khiến cả hai nghi ngờ nhau, gây hiểu nhầm và tăng thêm áp lực cho cuộc sống vợ chồng.
Im lặng không nói lời nào không chỉ gây khó chịu cho bản thân vợ hoặc chồng bạn mà nó còn gây áp lực cho bạn. Trong trường hợp này, bạn nên nói những gì cần nói, thế là đủ.
2. Im lặng vì... chẳng có gì để nói cả
Đây cũng là một kiểu im lặng rất đáng sợ ở rất nhiều gia đình. Buổi tối, vợ chồng, con cái quây quần bên nhau ăn tối, nhưng cả hai vợ chồng chẳng nói năng gì, cơm ai người nấy ăn, việc ai người nấy làm bởi vì họ chẳng có gì để nói với nhau cả.
Chuyên gia tiết lộ rằng sự giao tiếp giữa hai vợ chồng là chìa khóa để biết rằng người ấy có đang đi cùng hướng với mình hay không, liệu vợ hoặc chồng có đang cùng chia sẻ trách nhiệm với mình hay không. Nhưng hầu hết các cặp đôi đều đang đi ngược lại điều đó.
Có nhiều người cho rằng vợ chồng thì chỉ nói những chuyện to lớn như việc xây nhà, xây cửa hay mua quà cáp cho bố mẹ, tổ chức tiệc thế nào hay việc học hành của con.
Nhưng như thế chưa đủ, dù hôm nay bạn không có những chuyện to tát để bàn, thì hãy kể một chuyện gì đó ở cơ quan, hay có thể hỏi vợ/chồng ngày hôm nay anh thế nào, dự án anh làm sắp xong chưa...
3. Sợ cãi nhau khi nói chuyện
Đây là hậu quả của việc không nói với nhau một lời nào khi có mâu thuẫn. Có tình trạng là một trong hai người sợ hãi việc nói chuyện với nhau vì vợ chồng khắc khẩu.
Cả hai nói được vài câu là có thể dẫn ra vô vàn lý do để đổ lỗi và cãi nhau. Vì thế, cả hai hoặc một người có xu hướng kết thúc sớm câu chuyện đang nói để đề phòng... cãi nhau.
Dần dần thì nó cũng dẫn đến việc chẳng có gì để nói với nhau và tình cảm vợ chồng lạnh nhạt là điều tất yếu xảy ra.
Dù trong câu chuyện cả hai vợ chồng đang nói có nhiều thứ bạn muốn biểu lộ, nhưng vì sợ cảnh "cơm không lành, canh chẳng ngọt" nên bạn đã im lặng, dần thành thói quen và đó là thứ âm thầm lấy đi hạnh phúc hôn nhân của bạn.
4. Im lặng không trả lời tin nhắn
Không trả lời tin nhắn là điều bình thường khi bạn đang ở trong cuộc họp, đang bận công việc hoặc đang chạy xe trên đường. Đó cũng là điều dễ chấp nhận khi bạn để chế độ im lặng mà không biết.
Nhưng nếu một trong hai người nhắn tin, bạn biết và rảnh lúc đó nhưng không trả lời lại, phớt lờ tin nhắn đó thì nó có thể khiến tình cảm của hai người dần có khoảng cách.
Hay nói đúng hơn, bạn có thể không có hứng trả lời tin nhắn đó, tình cảm vợ chồng ngày càng phai nhạt thì sự im lặng giữa hai người nay sẽ tăng lên gấp bội.