Theo các chuyên gia, vợ chồng đổ lỗi cho nhau có thể dẫn đến ly hôn. Sau đây là 4 hệ lụy khi vợ chồng đổ lỗi cho nhau dẫn đến gia đình tan vỡ.
Đổ lỗi là một hành vi của một người gây ra lỗi lầm nhưng không chịu nhận còn đổ lỗi cho người khác. Đây là một biểu hiện của sự tiêu cực trong hôn nhân.
Vi dụ như vợ chồng thường đổ lỗi cho nhau việc con học hành không được tốt, mẹ chồng than con dâu không quan tâm hay nhà cửa chưa được dọn dẹp sạch sẽ…
Theo các chuyên gia thì hành vi đổ lỗi là thể hiện sự thất bại. Thông thường khi họ thấy mình không đủ tốt, không thể làm cho người khác tốt lên, không đủ khả năng để chịu trách nhiệm thì họ bắt đầu đổ lỗi.
Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường trong hôn nhân. Theo một bài báo nói về những lý do phổ biến nhất khiến các cặp đôi ly hôn thì có đến 75% các cặp đôi không có sự cam kết trong hôn nhân.
Vì thế, bạn nên cân nhắc 4 hậu quả của việc đổ lỗi thường xuyên cho vợ hoặc chồng sau đây có thể dẫn đến hôn nhân tan vỡ.
1. Khó giải quyết mâu thuẫn vợ chồng
Hành vi đổ lỗi cho nhau không hiếm ở các cặp vợ chồng. Khi vui vẻ, hạnh phúc thì cùng hưởng, nhưng khi xảy ra chuyện gì không tốt là cả hai lại không ngồi giải quyết cùng nhau mà tìm cách đổ lỗi. Ví dụ như chuyện con cái bị cô giáo phê bình, vợ thì cho rằng chồng chẳng quan tâm, còn chồng thì cho rằng con hư tại mẹ.
Chỉ trích người khác không phải là ý hay, lại càng không tốt cho một cuộc hôn nhân trọn vẹn. Khi cãi vã xảy ra, cả hai vợ chồng chỉ tìm cách đổ lỗi cho nhau thì việc tranh cãi đó chưa bao giờ kết thúc. Khi vấn đề chưa được giải quyết, mâu thuẫn vợ chồng sẽ ngày càng chồng chất lên.
2. Sợ hãi khi đưa ra ý kiến của mình
Nếu thường xuyên đổ lên đầu vợ hoặc chồng mọi chuyện, bạn sẽ nhận một hậu quả là người đó sẽ im lặng. Mà sự im lặng trong hôn nhân là điều đáng sợ vô cùng.
Bạn sẽ không nhận được bất kỳ một ý kiến nào từ người ấy, bởi vì họ sợ rằng khi nói ra, ý kiến của mình lại bị chê bai, phản bác ngay tức khắc.
Họ quyết định thu mình ở một góc và không nói gì, không làm gì mặc cho một người độc thoại. Đó chính là nguyên nhân hủy hoại cuộc hôn nhân của cả hai người.
3. Khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng xa
Một cuộc hôn nhân hạnh phúc luôn có chỗ để vợ hoặc chồng dựa vào, để tâm sự mỗi lúc khó khăn hay sự bất an nào đó đến với họ. Nhưng khi cả hai thường xuyên đổ lỗi cho nhau, mọi chuyện dường như đã khác.
Vợ chồng ngồi lại nói chuyện đã khó, chứ nói gì đến việc tựa vai nhau mà tâm sự. Có những cặp vợ chồng cứ để ý từng chi tiết nhỏ của nhau để soi mói, để trách móc mà họ không hề biết rằng hành động đó dường như giết chết tình cảm của cả hai người.
4. Mệt mỏi và không còn tình cảm thân mật
Chuyện vợ chồng tranh luận, cãi nhau là chuyện bình thường nhưng nếu cứ đổ lỗi cho nhau nhiều như vậy, cả hai sẽ cảm thấy mệt mỏi không còn muốn cố gắng vì nhau, vì gia đình nữa.
Cả hai vợ chồng cũng vì thế mà không còn thân mật với nhau. Khi đó thì hôn nhân tan vỡ là điều có thể xảy ra vì quan hệ vợ chồng là yếu tố để hai người gắn kết với nhau hơn.
Thậm chí, hai người còn cảm thấy ác cảm với nhau sau những lần cãi vã nảy lửa bất phân thắng bại. Thế nên, cuộc sống vợ chồng khó mà hòa thuận, hạnh phúc nếu không có sự cam kết, đồng lòng.