Giống như tỷ phú Lý Gia Thành từng nói: Một người thật sự thành công, không cần dùng cách khoe khoang để chứng minh. Người càng thích thể hiện thứ gì, thường lại càng thiếu thứ đó!
Đời sống hiện thực, có so sánh mới có động lực, có so sánh mới biết ưu - khuyết điểm của bản thân để mà thay đổi và phấn đấu.
Nhìn nhận được ưu điểm của bản thân, nhận được tán thành từ người khác sẽ khiến chúng ta có thêm tự tin và sức mạnh vào chính mình. Nhìn nhận được khuyết điểm còn tồn tại, nhận được lời khuyên để sửa chữa cũng giúp chúng ta ngày một phát triển, hoàn thiện mình tốt hơn.
Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt tốt và xấu. So sánh đôi khi cũng bị biến tấu thành sự thể hiện. Mà càng thể hiện, người ta càng dễ nảy sinh lòng hư vinh phù phiếm. Đó là lý do mà chúng ta phải luôn cẩn trọng trong lời nói của mình.
Một người >đàn ông bản lĩnh “cấp cao” nên học cách sống trầm tĩnh, suy nghĩ chín chắn rồi mới hành động chứ không thể bộp chộp và xốc nổi như cậu thiếu niên choai choai. Đặc biệt là có những khía cạnh mà người ta thường tránh nhiều lời vì thể hiện chỉ khiến những người xung quanh nảy sinh ganh ghét và đố kỵ.
1. Khoe khoang thành tích trong công việc
Núi cao luôn có núi cao hơn, người giỏi vẫn xuất hiện người giỏi hơn. Đó là lý do mà chúng ta luôn phải sống khiêm tốn và thận trọng, luôn giữ lòng nhiệt tình và ham học hỏi từ mọi người xung quanh để không ngừng tiến bộ.
Một người đàn ông bản lĩnh sẽ có cho mình một số thành tựu nhất định sau nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp. Đây là những giá trị mà họ đổi lấy bằng thời gian và công sức của chính mình. Khi đã ngồi vào một vị trí xứng đáng, họ có thể tự hào vì năng lực bản thân.
Tuy nhiên, họ tuyệt đối không nên khoe khoang hay thể hiện. Trên thế giới này, luôn có rất nhiều người bản lĩnh hơn mình. Chút thành tựu hiện tại chỉ như muối bỏ biển khi so với họ mà thôi. Đàn ông trưởng thành sẽ không lấy thế mà nhụt chí, nhưng cũng phải nhìn nhận rõ ràng sự thật này để tránh ngủ quên trên chiến thắng, lơ là với con đường tiến bước tương lai.
2. Khoe khoang tình cảm gia đình
Đến một giai đoạn nhất định, tình cảm ở nhiều phương diện, bao gồm cả gia đình và tình thân, đều trở nên ổn định. Về cơ bản, mọi người đều đã trải qua khoảng thời gian không ngừng cọ xát, mài giũa và thích ứng lẫn nhau để dần dần trở thành những người thân thiết thực sự gắn bó.
Chỉ có những người “cấp thấp”, chưa đủ thấu đáo mới thường xuyên phô trương chuyện tình cảm. Phàm là người càng thích khoe khoang thì gia đình của họ lại càng thiếu êm ấm. Họ càng thể hiện thì càng tạo cho người xung quanh cảm giác “hòa bình giả tạo”, đầy nghi kỵ và chán ngán.
Đời sống tình cảm giống như cốc nước, nóng hay lạnh, chỉ có người uống vào bụng mới biết. Gia đình có hòa thuận êm ấm hay không cũng chẳng nhất thiết phải khoe mẽ với người ngoài vì thực chất, họ cũng chẳng hề quan tâm.
3. Khoe khoang thành tích của con cái
Người làm cha mẹ quan tâm đến điểm số của con cái là điều bình thường, nhưng điểm số không đại diện tài năng cũng như cả tương lai của một đứa trẻ. Thành tích học tập giỏi đến mấy cũng không đại biểu cho thành tích trên trường đời về sau. Ngược lại, một đứa trẻ điểm số ở lớp không hề xuất sắc cũng không thể hiện rằng chúng không làm nên trò trống gì cả đời.
Mọi sự so sánh chỉ mang tính tương đối. Dù thế nào, người làm phụ huynh cũng không nên khoe khoang mà cần giữ thái độ khiêm tốn, làm gương cho con cái, khích lệ chúng không ngừng tiến lên phía trước.
Cần biết rằng, có rất nhiều yếu tố không chắc chắn trong quá trình trưởng thành có thể thay đổi vận mệnh một người. Do đó, con cái trong nhà phát triển đến trình độ nào, người trong nhà biết với nhau là đủ. Thể hiện quá nhiều sẽ rước lấy phiền toái cho bản thân, cũng đem tới ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ nhỏ.
4. Khoe khoang học thức bản thân
Một người thực sự trí tuệ sẽ kinh qua rèn luyện của cuộc đời, hiểu rõ đạo đối nhân xử thế, lại càng am hiểu câu nói “Thùng rỗng kêu to”.
Con người luôn có giới hạn, chẳng ai có thể trở thành bách khoa toàn thư, hiểu biết 100% mọi sự mọi việc trên thế giới. Do đó, đừng chỉ biết “da lông” bên ngoài mà đã tùy tiện vênh váo, ra vẻ “ta đây”. Đó là hành vi của một người cấp thấp mới phạm phải.
Càng có giác ngộ cao, người ta lại càng cảm thấy biển học vô bờ. Đọc nhiều sách vở, người ta lại càng cảm thấy tri thức của mình khuyết thiếu.
Thành công như tỷ phú Bill Gates mà còn phải đọc rất nhiều sách – khoảng 50 cuốn mỗi năm (tức mỗi tuần 1 cuốn) – và nhận từ đó rất nhiều lợi ích. Chúng ta lại càng phải duy trì tâm thái ham học hỏi, không ngừng tiếp cận những nguồn kiến thức mới để tích lũy, rèn luyện thêm cho bản thân.
Khi bạn dành thời gian để nghĩ về những gì đang đọc, để xem liệu thông tin đó có áp dụng được cho cuộc sống của mình (hay của người khác) hay không và bằng cách nào, thì giá trị của những gì bạn đọc được sẽ tăng lên rất nhiều.
Dù giá trị của bạn cao đến mức nào, hãy luôn nhớ rằng, không gian phát triển vẫn còn mở ra vô hạn phía trước. Có một tâm thái tốt mới có sự chuẩn bị tốt, có chuẩn bị tốt thì mới có cơ hội tốt!
Có thể thấy rằng, đàn ông “cấp cao” là người bản lĩnh, từng trải, có sự hiểu biết nhất định về các mối quan hệ và nguyên tắc ở đời. Họ học được cách bình thản tiếp nhận tất cả những gì thuộc về mình, buông bỏ lòng hư vinh và ham muốn thể hiện.
Dù người bên ngoài có thái độ thế nào, dù cuộc sống có thay đổi ra sao, họ cũng có thể dùng bản lĩnh vững vàng và kinh nghiệm sống phong phú để ổn định bản thân, duy trì tâm trí kiên định và quỹ đạo nhân sinh.
Sống nhẹ nhàng mới có thể dễ dàng tìm được sự thỏa mãn, không màng ánh mắt và cái nhìn người ngoài. Đây mới là phong thái của một người thành công với tầm nhìn khoáng đạt.