Đừng nói gì trừ khi bạn đã học được cách im lặng. Vì có những thời điểm, càng phàn nàn thì càng dại dột, càng nói nhiều thì càng thiếu khôn ngoan.
Dân gian có câu: “Lời nói đọi máu”.
Trong đó, “Đọi” có nghĩa là cái bát. Câu thành ngữ trên có hàm ý là mỗi lời nói quý giá ngang với một bát máu. Một lời nói có thể cứu sống một con người cũng có thể giết chết một con người.
Dù người nói nhiều lúc vô tâm khi nói lên suy nghĩ của mình, không cần biết đúng biết sai, hay để ý cái lợi cái hại, thì hậu quả đã để lại ảnh hưởng thực tế trong >đời sống. Đến lúc hối hận thì đã muộn, cũng không thể rút lại được nữa.
Ngôn ngữ có sức mạnh đáng ngạc nhiên trong việc điều chỉnh tâm trạng của chúng ta và thậm chí cả những người xung quanh. Nó có thể tạo nên sự khác biệt giữa một ngày vui vẻ và một ngày căng thẳng mệt mỏi.
Do đó, một người chỉ thực sự trưởng thành và khôn ngoan khi biết kiềm chế tính tình của mình, chín chắn và vững vàng hơn khi đối mặt với mọi chuyện. Sự tỉnh táo giúp họ “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, không còn nghĩ gì nói nấy, rước lấy thị phi.
Nhất là với 3 điều sau đây, dù bất bình hay tức giận trong lòng đến mấy, bạn cũng không nên nói ra với người ngoài, để tránh chúng trở thành mầm mống lôi kéo tai ương cho cá nhân cũng như gia đình:
1. Tình hình thu nhập cụ thể
Xung quanh chúng ta, có những người thích thể hiện vị thế, chỗ đứng của mình trong xã hội bằng cách kể lể chuyện giàu nghèo, khoe khoang thu nhập cá nhân. Cũng có người lại thích than nghèo kể khổ, cho rằng mình là “nạn nhân của số phận”, khiến người nghe bất đắc dĩ và cũng mệt mỏi thay.
Bên cạnh đó, thông tin về mức lương cũng vô cùng nhạy cảm, có thể động chạm tới lòng tự trọng của cả người nói lẫn người nghe. Nếu bạn chỉ kiếm được 5 triệu, trong khi bạn bè kiếm được 10 triệu, tự nhiên bạn sẽ xấu hổ và tự ti hoặc ngược lại. Trong trường hợp cả hai có thu nhập tương đương nhau, biết đâu một trong hai người lại nảy sinh suy nghĩ, “anh ta mà cũng được lương bằng mình cơ à”.
Bằng cách này hay cách khác, chúng ta rất dễ nảy sinh tâm lý so sánh, ganh tỵ khi động chạm tới vấn đề tiền bạc, nhất là khi đồng tiền này phản ánh chính năng lực của mình.
Rõ ràng, dù hoàn cảnh kinh tế của bạn đang ở trong tình trạng nào thì cũng không nên chia sẻ công khai với người ngoài. Nhẹ cũng khiến người ta coi thường, khinh miệt, nặng thì trực tiếp gây ra họa cho bản thân, thậm chí là họa sát thân.
2. Nói xấu sau lưng, buông lời khẩu nghiệp
Phật dạy rằng, con người có 4 loại nghiệp từ miệng gây ra, đó chính là: nói lời thêu dệt, nói hai lời, chuyện không nói có và nói lời ác ý.
Những kiểu khẩu nghiệp tưởng chừng chỉ là lời nói gió bay, đưa chuyện trong giây phút rảnh rỗi nhưng có thể để lại nhiều tác hại khôn lường. Đôi khi, chính người nói lại nhận về thị phi mà họ đi gieo rắc cho kẻ khác.
Có câu chuyện kể rằng, trên hành trình truyền đạo của mình, Đức Phật từng gặp nhiều kẻ ngông nghênh, chặn đường chửi rửa. Trong khi chúng buông lời nhục mạ rất khó nghe thì Đức Phật vẫn thản nhiên đi qua, không mảy may tức giận hay đáp lại bất cứ điều gì.
Những kẻ này càng tức tối, chúng chất vấn: “Ông có bị điếc không thế?”
Phật đáp: “Ta không điếc.”
Chúng bèn nói: “Nếu ông không điếc thì sao không nghe tôi chửi?”
Phật mới hỏi lại: “Vậy ta hỏi các ông rằng, nếu ông tặng quà người ta mà họ nhất quyết không nhận, thì ông có cầm lại quà về hay không?”
Chúng đáp: “Đương nhiên là tôi cầm về rồi.”
Phật nói: “Thế thì đúng rồi, món quà này của các ông, ta cũng không nhận. Tự các ông mang vào thân đi thôi.”
Chắc hẳn, trong đời người, sẽ luôn có những thời điểm khó chịu, tức tối. Hoặc vô tình hoặc cố ý, chúng ta lại trút bỏ áp lực trong lòng lên đầu người khác bằng những lời ác ý, khó nghe. Thậm chí, kẻ có lòng dạ tiểu nhân, nham hiểm còn tranh thủ “ăn không nói có”, vu khống và đặt điều thêm để sinh sự.
Nếu chỉ vì xích mích mà buông lời khẩu nghiệp như vậy thì các mối quan hệ xung quanh khó mà êm ấm. Không chỉ đương sự bị nói xấu mà chính người nghe xung quanh cũng sinh lòng nghi ngờ trước nhân phẩm và cách hành xử của bạn.
Do đó, có mâu thuẫn thì giải quyết, có xung đột thì trao đổi. Thay vì đâm sau lưng người khác, hãy chọn cho mình cách xử lý vấn đề “fair-play” và khôn ngoan hơn.
3. “Đưa chuyện” về nội bộ gia đình
Khi gặp bức xúc trong gia đình, người ta vẫn thường vô tư đem đi chia sẻ với bạn bè, thậm chí là hàng xóm, hay người xa lạ xung quanh. Từ trục trặc vợ chồng, cãi cọ giữa mẹ chồng - nàng dâu, cho đến chuyện anh chị em, cô dì chú bác… Tất cả đều có thể trở thành chủ đề để bàn tán hàng giờ đồng hồ.
Chúng ta thường quên mất rằng, người xưa đã có câu: “Xấu chàng hổ ai”, để khuyên dạy con cháu đời sau rằng, trường hợp người thân làm việc xấu thì bản thân mình cũng bị mang tiếng lây và đáng cảm thấy hổ thẹn.
Chuyện nội bộ gia đình dù có tốt, có xấu thì cũng là vấn đề riêng tư, không chỉ với cá nhân bạn, mà còn với từng cá nhân trong chính gia đình đó. Đã là chuyện riêng thì không nên đặt nó ở ngoài miệng, đem đi kêu ca, phàn nàn với người ngoài. Hành động “vạch áo cho người xem lưng” không khác gì đưa phần chuôi dao cho người khác nắm để tấn công ngược lại mình.
Ai cũng có một khoảng trống cho riêng mình và không muốn bị người khác xâm phạm, cũng giống như con người luôn có chuyện riêng tư không muốn cho người khác thấy được. Giữ bí mật cho cá nhân người khác không chỉ là tôn trọng chính họ, mà cũng là một cách tôn trọng chính mình. Nếu không, người ta sẽ đánh giá thấp nhân phẩm của bạn, chỉ coi bạn là kẻ hay đi kể lể lung tung.
Trước khi định nói ra bất cứ điều gì, hãy suy nghĩ thật kỹ đến hậu quả một cách khôn ngoan. Và đừng quên tự hỏi mình rằng, liệu tâm sự điều này với người khác, mọi chuyện sẽ được giải quyết theo hướng tốt đẹp hơn không?
Nếu không, đừng bao giờ tùy tiện mở miệng.
Bạn cho rằng mình chỉ nói bí mật cho gió, nhưng gió sẽ đưa bí mật đi khắp cả khu rừng. Trong một giây phút nhất thời sơ ý, bạn có thể sẽ phải nhận về mình những hậu quả khủng khiếp.