Ai trong chúng ta cũng có lúc phải nói lời xin lỗi và nhận được lời xin lỗi. Tuy nhiên lời nói xin lỗi tưởng giản đơn nhưng không phải lúc nào cũng chân thành và có tác dụng như chúng ta vẫn nghĩ.
Nói xin lỗi nhưng không thực sự hối lỗi thì cũng chẳng khác nào việc nói dối. Những lời xin lỗi không chân thành sẽ khiến người nghe khó chịu vô cùng.
Dưới đây là 12 kiểu xin lỗi giả tạo mà bạn có thể hay gặp trong cuộc sống.
1. 'Bạn đang làm quá mọi chuyện.'
Lời xin lỗi này gây cảm giác như thể đang đổ lỗi ngược lại cho bạn. Về mặt hình thức, người đó đã xin lỗi nhưng đồng thời, rõ ràng là họ không cảm thấy hối hận vì những gì họ đã làm.
Ngược lại, họ chuyển cảm giác tội lỗi sang bạn để bình thường hóa việc họ đã làm, rằng họ chẳng làm gì sai còn bạn mới là người nhìn nhận mọi chuyện không đúng cách.
2. 'Tất nhiên việc của bạn quan trọng hơn của tôi.'
Câu nói này làm giảm đi giá trị lời xin lỗi - thoạt nghe có vẻ người đó đồng ý với bạn, nhưng thực tế họ đang mỉa mai và không tôn trọng nhu cầu của bạn.
Lời xin lỗi này cũng bóp méo thực tế, đối phương đang muốn thao túng bạn, ám chỉ những việc làm, thói quen và nhu cầu của bạn chẳng là gì so với mong muốn của họ.
3. 'Tôi đùa thôi mà.'
Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng rơi vào tình huống khi người nào đó nói điều gì đó xúc phạm và sau đó cười xòa "Thôi nào, đừng nóng, tôi chỉ đùa thôi!"
Cách nói "đùa" như vậy nhằm thể hiện rằng hành vi xúc phạm của họ là bình thường và bạn đang quá nhỏ nhen.
Tuy nhiên, lời nói thực sự có thể gây tổn thương và lời xin lỗi như vậy hoàn toàn không có tác dụng xoa dịu nào cả.
4. Xin lỗi hình thức
Đây là kiểu xin lỗi mang tính hình thức nhưng không phải vì những việc đã xảy ra mà chỉ là vì những việc có thể đã xảy ra.
Cả câu đó giống như "Tôi xin lỗi nếu làm bạn tổn thương, nhưng nếu bạn không cảm thấy bị tổn thương thì tôi không xin lỗi đâu".
Lời xin lỗi hình thức và thiếu chân thành như vậy khiến người nghe khó chịu vì dù có xin lỗi nhưng cảm giác không vui thì vẫn còn nguyên ở đó.
5. 'Tôi đã xin lỗi cả trăm lần rồi.'
Lời xin lỗi này có rất ít (thậm chí không hề) sự hối hận trong đó. Thực tế kiểu nói "Tôi đã xin lỗi cả trăm lần rồi" sẽ làm vô hiệu mọi điều họ đã nói trước đó. Khi nói câu này, họ có ý rằng họ chẳng có gì phải xin lỗi cả.
6. 'Chắc có lẽ'
Những cụm từ như "chắc có lẽ", "có lẽ",... đều mang cảm giác không tự nhiên khi nói xin lỗi. Cảm giác hối hận thật sự là khi chúng ta lắng nghe cảm xúc của người bị xúc phạm.
Khi nói ra những từ ngữ như "Đúng rồi, có lẽ, chắc tôi nên..." sẽ khiến người nghe cảm thấy cảm xúc của họ không thực sự quan trọng.
Lời xin lỗi giả tạo như vậy sẽ khiến cuộc trò chuyện kết thúc sớm.
7. 'Đừng giận, bạn biết mà...'
"Chúng ta quen nhau lâu vậy rồi, bạn thừa biết là tôi hay cợt nhả kiểu đó thôi mà."
Kiểu xin lỗi này chỉ giống như người nói đang cố gắng thoát khỏi tình huống khó chịu. Họ không hề cố gắng hiểu cảm xúc của người kia và xin lỗi vì khiến người kia khó chịu.
Đó chỉ là cách để họ chấm dứt cuộc trò chuyện không vui mà thôi.
8. 'Tôi sẽ xin lỗi nếu...'
Đây không thể coi là lời xin lỗi, nó giống như việc mặc cả khi người xúc phạm người khác lại đòi người kia phải trả giá để được nghe lời xin lỗi từ kẻ đã xúc phạm họ.
Họ không hề hối hận vì trước tiên họ còn đòi hỏi bạn phải trả giá.
9. Xin lỗi vì người khác yêu cầu
Câu nói "Cô ấy bảo tôi xin lỗi bạn" giống như kiểu trẻ nhỏ được người lớn dạy bảo cách giải quyết mâu thuẫn vậy.
Trẻ con thường không hiểu cảm giác tội lỗi là gì. Chúng chỉ nói: "Mẹ nói với con rằng con nên xin lỗi" chứ không hề cảm thấy tội lỗi.
Cùng một kiểu xin lỗi đó nhưng là của người trưởng thành thì sẽ chẳng có giá trị gì.
10. 'Tôi xin lỗi vì tất cả.'
"Xin lỗi vì tất cả mọi thứ" là một lời xin lỗi rất chung chung. Người đã xúc phạm bạn không muốn xem lại chính xác họ đã làm gì gây tổn thương bạn.
Họ không chịu trách nhiệm về những hành động cụ thể của mình, và đó chính là cách hoàn hảo để họ không chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì.
Bằng cách xin lỗi chung chung này, họ cho thấy bản thân thậm chí không hiểu mình đã nói hay làm gì có lỗi với bạn.
11. 'Xin lỗi, được chưa?'
Một lời xin lỗi gượng ép khi người nói không cảm thấy có lỗi sẽ không thể mang lại sự hài lòng cho người bị xúc phạm.
Cách xin lỗi như vậy giống như một mong muốn dừng một cuộc nói chuyện khó chịu hơn là một nỗ lực để giải quyết mọi việc.
12. 'Tôi rất tiếc...'
Lời xin lỗi không có sự hối tiếc chân thành nào trong đó sẽ giống như "Tôi rất tiếc nếu điều đó khiến bạn tổn thương", "Tôi xin lỗi nếu nó khiến bạn thấy..."
Cách xin lỗi này gây cảm giác như thể người nói đang chuyển cảm giác tội lỗi của họ sang bạn, kiểu như: "Bạn cảm thấy tổn thương là lỗi của ai? Đúng rồi, lỗi của bạn đấy! Sao bạn có thể dễ tổn thương bởi chuyện gì đó vậy?"