Bạn trút mọi lo lắng, khổ đau lên con, là buộc con phải thấu hiểu như một người trưởng thành, trong khi chính trẻ cần được an ủi.

05:11 25/08/2019

Những ứng xử dưới đây của cha mẹ hậu ly hôn làm khoét rộng nỗi đau của trẻ, thay vì giúp chữa lành tổn thương:

1. Buộc con thấu hiểu như một người trưởng thành

Sau khi ly hôn, bạn muốn con hiểu quyết định của mình nên trút ra mọi cảm xúc, suy nghĩ cá nhân. Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Trẻ chưa đủ trưởng thành để hiểu hết lý do cho việc bố mẹ bỏ nhau, càng không ở địa vị của bố mẹ để hiểu cảm xúc, tâm tư của từng người. Trong mắt trẻ, bố mẹ là chỗ dựa và đem đến cảm giác an toàn.

Vì thế, hãy cố gắng làm tròn trách nhiệm và gìn giữ sự yên ổn cho bé, kể cả bạn và đối tác không còn chung sống. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không cần phải nói với con tất cả mọi thứ về việc chia tay, bao gồm cả nỗi lo lắng, khổ đau..., bởi cái trẻ cần là sự hỗ trợ của bạn, thay vì phải an ủi bạn. Hãy chia sẻ tâm tư với các chuyên gia tâm lý hoặc bạn bè, người thân, tuyệt đối không nên bắt con phải gánh lấy gánh nặng cảm xúc của bạn.

 

Ảnh minh họa: Internet

2. Bắt con cái phải chọn lựa

Đừng bao giờ bắt con phải lựa chọn giữa hai bên bố và mẹ, thông qua việc đặt những câu hỏi như: Con muốn ở với ai?, bởi điều này sẽ khiến cho đứa trẻ cảm giác mình buộc phải lựa chọn một bên và phản bội bên còn lại. Buộc trẻ phải lựa chọn là hoàn toàn không công bằng với trẻ. Nên bàn bạc vấn đề nuôi con với chồng/vợ của bạn thì hơn.

3. Cố gắng thể hiện với trẻ rằng mình tốt hơn người còn lại

Trong nỗ lực để xây dựng một hình ảnh tốt hơn so với chồng (vợ) cũ của mình, bạn có thể làm tổn hại đến trẻ. Ví dụ, bạn hứa sẽ mua xe cho con, trong khi chồng (vợ) cũ từng không cho phép điều này. Trên thực tế, việc cho phép tất cả những điều mà bạn đời cũ không cho phép đồng nghĩa với việc vi phạm mọi kỷ luật mà người kia từng đề ra. Dưới ảnh hưởng của sự nuông chiều này, bé bắt đầu làm những điều chúng thích, thay vì lắng nghe bạn dạy dỗ, giáo dục. Về lâu dài, điều này còn ảnh hưởng đến nhân cách con bạn, khiến chúng hành động hư hỏng.

Kể cả khi đã ly hôn, bạn vẫn nên bàn bạc và thỏa thuận với đối tác cũ về những nguyên tắc giáo dục mà cả hai sẽ tuân thủ trong việc dạy đứa con chung. 

4. Cổ súy suy nghĩ 'Tại mình mà bố mẹ ly dị' của trẻ

Ảnh minh họa: Internet

Nhiều trẻ có xu hướng trách bản thân khi bố mẹ ly hôn. Gia đình đổ vỡ khiến trẻ rơi vào trạng thái stress, bởi thế giới quen thuộc của bé hoàn toàn thay đổi. Điều tồi tệ nhất mà đứa trẻ nghĩ lúc này chính là "tại mình mà bố mẹ bỏ nhau", thậm chí bé nghĩ vì mình không đạt kỳ vọng của bố mẹ, mình hư nên bố mẹ chán.

Khi con rơi vào trạng thái này, thay vì chửi mắng, cổ súy, nên giải thích cho con rằng bé không có lỗi trong việc bố mẹ ly dị. Cần không ngừng bày tỏ với con rằng bố mẹ yêu con, và dù có ly dị, cả hai vẫn dành cho con tình cảm như trước.

5. Tự dằn vặt mình là nguyên nhân ly dị

Ly dị thường không hoàn toàn là do lỗi của một phía. Vì thế, nếu bạn cứ nhận mọi trách nhiệm lên vai mình, bạn đóng vai người có lỗi và nói với con rằng "đó là lỗi của bố/mẹ", trẻ sẽ tư duy theo hướng đổ lỗi cho bạn vì những bất hạnh mà chúng phải gánh chịu.

6. Nói những điều xấu xa về chồng/vợ cũ với con

Khi nói chuyện với con, bạn không nên đổ lỗi cho bản thân vì đã ly dị, nhưng lại càng không nên chỉ trích, đổ lỗi cho người cũ. Việc nói với trẻ về những sai lầm, hoặc nói xấu bố/mẹ chúng có thể khiến cho trẻ có suy nghĩ sai lệch về người sinh ra mình. Đừng quên rằng đứa trẻ là con bạn, nhưng cũng là con của người đó, và trẻ yêu cả hai người là như nhau.

7. Biến con thành người trung gian

Kể cả khi bạn không muốn giao tiếp với chồng/vợ cũ, cũng đừng lấy đứa con ra làm người đưa tin. Hãy cố gắng tự mình nói chuyện với đối phương, thay vì yêu cầu con chuyển lời. Trên thực tế, việc biến con thành trung gian khiến đứa trẻ stress vì không thể truyền tải đúng những lời nói, suy nghĩ của bố tới mẹ, và ngược lại. Đứa trẻ vốn đã bị căng thẳng bởi sự việc xảy ra, và bạn không cần phải làm trầm trọng hơn mọi thứ bằng cách khiến con cảm thấy như thể đang ở giữa hai làn đạn, và buộc phải đóng vai người đàm phán.

8. Bạn cấm con liên lạc với bố/mẹ đẻ của chúng

Ảnh minh họa: Internet

Đừng cấm con tương tác với bố/mẹ đẻ của mình, dù bạn có căm ghét đối phương và muốn làm tổn thương họ bằng cách ngăn cấm không cho họ gặp con, không cho họ đến dự các sự kiện quan trọng của con như sinh nhật, lễ tốt nghiệp... Đừng quên rằng không phải bạn hay đối phương, mà đứa trẻ chịu tổn thương nhiều nhất, vì chúng cần cả bố lẫn mẹ, việc thiếu ai cũng khiến bé mất mát. Tốt nhất là không nên có sự can thiệp vào mối quan hệ giữa trẻ và bố (mẹ) đẻ. 

9. Khai thác thông tin về chồng/vợ cũ thông qua con

Nhiều người đã ly dị có thói quen thẩm vấn con sau mỗi lần con về thăm bố/mẹ. Dù tò mò, bạn đừng quên rằng đó là việc của đối phương, không còn liên quan đến bạn nữa. Việc bạn thẩm vấn con vô tình biến đứa trẻ thành người do thám, theo dõi nhất cử nhất động của bố/mẹ mình để báo cho người còn lại. Nên đặt ra cho con những câu hỏi bình thường, khiến cho trẻ cảm nhận được thái độ tích cực, thoải mái của bạn xung quanh cuộc gặp của con.

10. Bạn nghĩ trẻ không hiểu tình hình

Đứa trẻ dù nhỏ vẫn quan sát, lắng nghe, chú ý mọi thứ. Vì vậy, nếu bạn và chồng/vợ cũ cư xử với nhau không kín kẽ, thậm chí chửi rủa, lăng mạ nhau trước mặt bé, trẻ sẽ vô cùng tổn thương. Cần cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình và giải quyết các vấn đề của hai người một cách riêng tư mà thôi.

Theo Thùy Linh/VnExpress