Khi hôn nhân không còn hạnh phúc thì một trong những lựa chọn của các cặp vợ chồng là ly hôn. Tuy nhiên mọi việc sẽ phức tạp hơn khi có con cái. Liệu cha mẹ nên ly hôn hay tiếp tục chung sống vì con?
Có không ít cặp vợ chồng đã lựa chọn không ly hôn và cố gắng tiếp tục chung >sống vì con. Họ cho rằng đó là vì tốt cho con, là hy sinh cho các con.
Vậy thật sự việc hy sinh hạnh phúc của mình vì các con có là lựa chọn tốt nhất, và nó sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?
Dưới đây là những điều có thể xảy ra với trẻ khi cha mẹ không ly hôn, cố gắng chung sống vì con.
1. Con cho rằng chấp nhận là cách để "yên ổn"
Trẻ học theo bố mẹ, khi thấy bố mẹ không thể thoát khỏi tình huống đau khổ, mắc kẹt trong >hôn nhân không hạnh phúc, con sẽ cho rằng sống hạnh phúc là rất khó và tốt hơn là nên chấp nhận cho yên ổn.
Con sẽ cho rằng chiến đấu vì hạnh phúc là việc vô ích, nguy hiểm và chỉ gây thất vọng mà thôi.
Bố mẹ nên dạy cho con biết rằng, chúng ta chỉ sống một lần trong đời và nên cố gắng hết sức để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Cuộc sống không dễ dàng nhưng điều đó không có nghĩa là con nên chấp nhận và không phấn đấu.
2. Con sợ tương lai
Dù cha mẹ không cãi nhau trước mặt con, con vẫn có thể nhận thấy những mất mát và lo sợ tương lai.
Con sẽ luôn lo lắng phải lựa chọn ở với bố hay với mẹ, sợ mình làm điều gì đó khiến gia đình đổ vỡ.
Việc giao tiếp sẽ là chìa khóa giúp ổn định trẻ. Cha mẹ nên giải thích cho con biết điều gì đang xảy ra và chứng minh rằng sẽ làm con luôn hạnh phúc dù cha mẹ có ly hôn đi chăng nữa.
3. Con có thể bị kiểm soát, bao bọc quá mức
Khi hôn nhân chỉ còn xoay quanh các con, cha mẹ dễ dàng quên mất cuộc sống riêng và dồn hết tâm sức để quản lý, kiểm soát con cái.
4. Con không cảm thấy an toàn hay được quan tâm
Trẻ có thể cảm nhận được sự miễn cưỡng của cha mẹ, do đó chúng có thể có cảm giác như đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ sẽ phát nổ bất cứ lúc nào.
Chúng không cho rằng cha mẹ có thể bảo vệ chúng khỏi nguy hiểm và không chắc liệu cha mẹ sẽ luôn ở bên mình hay không.
Trách nhiệm của cha mẹ là bảo vệ con cái khỏi những rắc rối khi con còn quá nhỏ để tự đương đầu, và đảm bảo sẽ cùng con đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.
5. Con bị căng thẳng, gặp vấn đề >sức khỏe
Theo nghiên cứu đăng trên BBC, trẻ sống trong môi trường thiếu thân thiện, ngay cả khi những mâu thuẫn giữa bố mẹ không quá rõ ràng, có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe, tâm lý.
Căng thẳng có thể dẫn tới mất cân bằng hormone, mất ngủ, trầm cảm,...
Ngay cả khi cha mẹ không kéo con vào những mâu thuẫn thì tình hình vẫn không được cải thiện nhiều. Con vẫn sẽ cảm nhận được sự căng thẳng giữa bố mẹ và gánh chịu hậu quả.
6. Con không có hình mẫu tốt về hôn nhân và tình yêu
Thái độ về hôn nhân thường được "di truyền" qua các thế hệ. Một đứa trẻ mà tuổi thơ thường nghe người lớn nói rằng "bằng mọi giá phải cứu vãn hôn nhân" thì lớn lên sẽ không thể xây dựng một mối quan hệ lành mạnh.
Con sẽ cảm thấy quan điểm, cảm xúc của mình là không quan trọng và cho rằng phải hy sinh để đạt mục đích cao hơn. Do đó con sẽ không biết trân quý hạnh phúc của bản thân.
Hãy nhớ bố mẹ chính là tấm gương của con. Con sẽ học những điều cơ bản về tình yêu, cảm xúc và định hướng tình cảm khi lớn lên thông qua bố mẹ.
7. Con cảm thấy tội lỗi
Khi cha mẹ quyết định tiếp tục chung sống vì con, con có thể cảm thấy mình là lỗi lầm khiến cha mẹ không hạnh phúc và là nguyên nhân cho mọi vấn đề trong gia đình.
Con sẽ rất nhạy cảm với mọi cuộc tranh cãi, dễ nhận lỗi về mình. Kết quả là con tự ti hơn, gặp vấn đề về giấc ngủ và có khuynh hướng tự hại.
Cha mẹ nên giải thích cho con hiểu rằng chuyện tình cảm giữa cha mẹ sẽ không ảnh hưởng đến tình yêu cha mẹ dành cho con và con không hề có lỗi trong chuyện này.
8. Con không học được cách giải quyết mâu thuẫn
Khi chính cha mẹ chỉ nhẫn nhịn trong mâu thuẫn thay vì tìm cách giải quyết, con có thể sẽ lớn lên giống như vậy.
Con sẽ học cách im lặng chịu đựng, không giải quyết vấn đề, dễ dàng chấp nhận và có thể gặp vấn đề trong giao tiếp.
Cha mẹ nên làm tấm gương tốt cho con, giúp con hiểu rằng mọi mối quan hệ đều có những giai đoạn thăng trầm, nhưng điều quan trọng là phải tìm ra được phương án giải quyết giúp đôi bên đều hài lòng.
9. Con cảm thấy không có tiếng nói trong gia đình
Khi cha mẹ nghĩ mình đang hy sinh "vì con" nhưng không hỏi ý kiến của con, không cho con quyết định sẽ khiến con có cảm giác mình không có tiếng nói trong gia đình.
Tất nhiên cha mẹ không cần cho con biết mọi chuyện riêng tư của mình, nhưng tốt hơn nên để con cảm nhận được rằng cha mẹ quan tâm đến ý kiến của con về các vấn đề trong gia đình.
10. Con không nhận được sự dạy dỗ tốt
Dạy con đã khó, dạy con khi cha mẹ luôn ở dưới áp lực cứu vãn hôn nhân hay sống cùng người mà mình không yêu nữa lại càng khó hơn.
Việc cùng nhau >nuôi dạy con cái có thể sẽ dễ dàng hơn nếu cha mẹ chấp nhận ly hôn và dành thời gian cho bản thân.
Khi cha mẹ có cuộc sống riêng hạnh phúc thì cũng sẽ có thể có tinh thần tốt hơn để tham gia nuôi dạy con mà không khiến con cảm thấy là cha mẹ đang phải hy sinh hạnh phúc bản thân vì con.