“Vườn sao băng”, “Thư ký Kim sao thế?” và “Hẹn hò chốn công sở” là những cái tên đại diện cho mô-típ phim “tài phiệt” này. Vậy tại sao, người xem dù đã có nhiều đổi thay, phát triển trong gu thẩm mỹ và thói quen nghe nhìn vẫn ưa chuộng motif này ở năm 2022?
Năm 2009, cả châu Á sửng sốt với “Boys Over Flower” (Vườn sao băng), người thừa kế Gu Jun Pyo và cô nữ sinh nghèo Geum Jan Di.
Năm 2018, các mạng xã hội bùng nổ bởi “What’s Wrong with Secretary Kim?” (Thư ký Kim sao thế?), câu chuyện tình của Phó Chủ tịch và cô Thư ký trở nên “iconic” trên mọi mặt trận.
Những tưởng đến nay, mô-típ “hoàng tử - lọ lem” đã trở nên cũ kỹ và có phần sến sẩm thì lại được làm nóng hơn bao giờ hết bởi bộ phim Hàn Quốc “Business Proposal” (Hẹn hò chốn công sở)
Bộ phim A Business Proposal với sự tham gia của các diễn viên Kim Se Jung và Ahn Hyo Seop, đã thu hút được nhiều sự yêu thích kể từ khi công chiếu lần đầu tiên. Bộ phim bắt đầu với tỷ suất người xem trên toàn quốc là 4,9%, ngày càng trở nên nổi tiếng và cuối cùng đã vượt qua tỷ suất người xem 10%.
Có lẽ, lý do lớn nhất là những bộ phim có phần “mộng mơ” này khiến cho người xem thoả mãn nhu cầu hoá thân. Khi xem phim tình cảm nói chung và rom-com nói riêng, chúng ta hoà theo không khí vui vẻ của bộ phim, đâu đó ta thấy mình trong nhân vật chính và sống cùng họ trong từng hơi thở. Vốn dĩ, chức năng >giải trí cũng là một trong những giá trị muôn đời của nghệ thuật. Khi dịch bệnh COVID-19 cùng những tin tức về chiến tranh, xăng dầu… đè nặng lên mỗi người, chúng ta tìm đến >phim ảnh như một liều thuốc tinh thần, một khoảng nghỉ, một thế giới đẹp đẽ để tạm thoát khỏi những áp lực vô hình trong cuộc sống. Trong quá trình xem phim, khán giả “tìm được khoái cảm trong nếm trải những tình huống tâm lí, những trạng thái cảm xúc vốn có trong cuộc sống con người.”
Bất cứ khán giả nào cũng biết câu chuyện “tài phiệt yêu dân thường” ở ngoài đời thật viển vông, nhưng ở sâu tận đáy lòng, chẳng cô gái nào lại có thể chối từ Gu Jun Pyo, Phó chủ tịch Lee hay Giám đốc Kang Tae Moo. Phim ảnh thoả mãn những ước ao thầm kín nhất và cho phép ta được sống cùng những ao ước đó. Tuy nhiên, những bộ phim này không nuôi dưỡng những khát khao “đổi đời” viển vông. Sống với Geum Jan Di, Kim Mi So hay Shin Ha Ri, ai trong chúng ta cũng được tiếp thêm hy vọng để sống cuộc đời của mình thật tốt. Sống tốt để nâng cao giá trị của bản thân, sống tốt để sự nghiệp có nhiều thăng tiến và sống tốt để tìm được… tình yêu của đời mình (dù người ấy không phải là tài phiệt!).
Ta cũng thấy, mô-típ “tổng tài” càng về sau càng có nhiều thay đổi và biến hoá. Qua phim ảnh, ta đã nhận ra những tính cách lạ lùng, những quá khứ ám ảnh bên trong các nhân vật nam. Nhân vật không còn ở trong bầu khí quyển của sự hoàn hảo tột độ. Dù có “màu hồng”, những bộ phim này vẫn cho khán giả thấy: Chúng ta đều là con người. Các nhân vật nữ cũng được chăm chút hơn ở khía cạnh tài năng, họ có thể không giàu có nhưng tuyệt đối không lười biếng hay bất tài.
Vậy nên, là những khán giả trong thời đại mới, lựa chọn tiếp nhận hoàn toàn nằm trong tay chúng ta. Hãy cứ đón nhận những giá trị yêu thích và cảm nhận thông qua lăng kính của riêng mình. Suy cho cùng, đích đến của nghệ thuật luôn là con người. Một tác phẩm hoá giải áp lực và chữa lành tâm hồn đã hoàn thành một phần sứ mệnh của nghệ thuật.