Diễn xuất của Kiều Minh Tuấn và An Nguy đều nhạt, nhất là An Nguy quá đơ trong vai chính điện ảnh thứ 2. Giữa họ không hề có cảm xúc, khiến người ta không tin họ yêu nhau.
Xung quanh vụ bê bối >An Nguy - >Kiều Minh Tuấn - Cát Phượng, nhiều người khẳng định chính scandal đã khai tử bộ phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con. Họ cho rằng nếu không có vụ lùm xùm khiến khán giả kêu gọi nhau tẩy chay, phim có thể ăn khách nhờ cái tên Kiều Minh Tuấn và thể loại hài, gia đình.
Đó là điều không thể kiểm chứng được nữa vì đằng nào phim cũng thất bại thảm hại về doanh thu (khoảng 6 tỷ đồng). Nhưng ý kiến cho rằng scandal là lý do duy nhất khiến phim thất bại cũng không hẳn đúng, vì Chú ơi, đừng lấy mẹ con là một phim tệ về nhiều mặt.
An Nguy diễn dở, Kiều Minh Tuấn cẩu thả với sự nghiệp
Không bộ phim nào có thể tốt nếu cặp diễn viên chính đóng dở. Và Chú ơi, đừng lấy mẹ con là một trong vô vàn ví dụ.
Trong buổi giới thiệu phim hồi tháng 8 năm nay, Kiều Minh Tuấn và An Nguy khiến giới báo chí chán chường khi cả hai hầu như không cung cấp được thông tin gì về quá trình thực hiện bộ phim.
Riêng An Nguy im lặng hẳn 5 phút khi được hỏi về việc hợp tác với Kiều Minh Tuấn. Điều đó khiến giới báo chí đặt câu hỏi với nhau: Phải chăng vai diễn kém hấp dẫn đến nỗi 2 diễn viên chính không có gì để nói dù đang ngồi họp báo?
Trong dàn diễn viên, người duy nhất chịu trả lời báo chí một cách nghiêm túc và tâm huyết về vai diễn là Lan Hương, người vào vai bà mẹ của An Nguy.
Nữ diễn viên Sống chung với mẹ chồng cũng khéo léo đỡ lời cho đồng nghiệp rằng cô còn trẻ, mới đóng chính trong bộ phim thứ 2 và khán giả hãy chờ xem phim để thấy An Nguy hóa thân như thế nào.
Câu trả lời là màn hóa thân thật tệ hại. An Nguy sinh năm 1987, ngoài đời cũng đã nhận con nuôi, nghĩa là có trải nghiệm làm mẹ. Nhưng trong bộ phim, cô như một bà mẹ "teen" với những biểu cảm non nớt. Hoặc nói đúng hơn là từ đầu đến cuối chỉ có một biểu cảm: mặt bơ phờ, mắt long lanh, cố tỏ ra xúc động.
Bình luận về bộ phim, một khán giả viết: "Đạo diễn đã sai lầm khi cho An Nguy đóng phim, một gương mặt không hề phù hợp với vai làm mẹ, mà kinh nghiệm đóng phim chắc cũng chưa nhiều. Nhìn đóng thấy không thật chút nào, mình cũng hay xem phim rạp, nhưng nghe diễn viên là An Nguy mình không thích lắm, giờ lại gặp scandal yêu nhau thật ngoài đời, cứ ngỡ phim sẽ hot, nhưng không đâu, đạo diễn à".
Không thể chỉ trách một mình An Nguy. Nếu với An Nguy, mọi chuyện khó hiểu ngay từ khâu được chọn đóng nữ chính (đến cả nữ diễn viên cũng thừa nhận cô không hiểu vì sao được chọn), thì với Kiều Minh Tuấn, vai diễn này là sự cẩu thả.
Nam diễn viên từng có những vai tốt hơn, khiến anh được coi trọng, thậm chí được dự báo là ông hoàng phòng vé mới. Sau Em chưa 18, Kiều Minh Tuấn có nhiều biểu hiện chọn vai khá "tạp", và đỉnh điểm là vai diễn này.
Các vai trước đó trong Nắng 2, Yêu đi đừng sợ, Chí Phèo ngoại truyện, 798Mười hay Lật mặt: Ba chàng khuyết, anh cũng lặp lại chính mình khá nhiều nhưng thuộc dạng vẫn xem được, cười được chứ không đến nỗi nhạt nhòa như vai Đông Bắc trong Chú ơi, đừng lấy mẹ con. Có lẽ, thất bại của Chú ơi, đừng lấy mẹ con sẽ là dịp để Kiều Minh Tuấn nhìn nhận lại sự nghiệp của mình.
Điều khá đáng tiếc cho nam diễn viên là anh còn có một phim nữa từng dự kiến ra mắt cuối năm nay là Mẹ Tuệ. Trong phim này, anh đóng chung với Cát Phượng và được một nguồn tin riêng của Zing.vn khen ngợi về diễn xuất, cho là rất xúc động. Nhưng với bê bối vừa qua, Mẹ Tuệ nhiều khả năng khó ra rạp trong tương lai gần.
Yêu đương khiên cưỡng, hào nhoáng quá đà
Có rất nhiều điểm đáng chê về Chú ơi, đừng lấy mẹ con. Ngoài diễn xuất như đã nói ở trên, kịch bản vẫn đóng vai trò lớn dẫn đến chất lượng bộ phim không cao. Phim được trang bị khá nhiều thông điệp nghe có vẻ ăn khách: tình cảm gia đình, mẹ đơn thân, yếu tố hài hước, tên tuổi diễn viên hot. Nhưng yếu tố tình cảm gia đình là rất yếu và không đủ sức lay động khán giả.
Làm về những gia đình Việt Nam nhưng phim không có được sự chân thực khi hình ảnh quá hào nhoáng, xa hoa. Hai nhân vật chính là bố mẹ đơn thân nhưng cuộc sống rất đủ đầy, đi xe hơi, ở >nhà đẹp, ăn mặc đẹp và dường như không gặp phải bất cứ vấn đề gì về tài chính. Riêng yếu tố cuối cùng đã đủ khiến họ khác biệt với đa số khán giả Việt.
Nếu nhà làm phim muốn xây dựng câu chuyện về hai ông bố bà mẹ đơn thân giàu có thì cũng không có gì sai trái, nhưng chính vì vậy, nhân vật ngay từ đầu đã xa lạ với khán giả. Hơn thế, các chi tiết chân thực, giản dị luôn dễ đi vào lòng người hơn.
Thêm vào đó, cách yêu đương của cặp nhân vật chính do Kiều Minh Tuấn và An Nguy đóng cũng rơi vào cái bẫy hào nhoáng. Cả hai dường như có rất ít sự tương tác, đồng cảm, thấu hiểu nhau để rung động. Phim chỉ thể hiện sự giống nhau khi họ nhận ra mình đều là bố/mẹ đơn thân, một mình nuôi con nhỏ. Nhưng mối giao cảm đó chưa đủ mạnh, một phần do diễn viên đóng kém, nên khán giả không mấy xúc động khi họ yêu nhau.
Hào nhoáng là dù yêu nhạt nhòa thế nhưng nhân vật của Kiều Minh Tuấn lại lựa chọn cách cầu hôn rất đình đám và rất teen, gây cảm giác mối quan hệ này chỉ thể hiện chủ yếu ở sự rình rang bề ngoài.
PR truyền miệng kém, sao có doanh thu cao?
Giống như mọi bộ phim khác, công đoạn "PR truyền miệng" giữa khán giả với nhau vẫn là quan trọng nhất. Và khi truyền miệng, khán giả hầu như chỉ quan tâm đến khía cạnh chất lượng, những yếu tố khác chỉ là phụ. Khi họ thuyết phục một người quen hay bạn bè đi xem phim, câu hỏi đầu tiên phải trả lời là: "Phim hay không?". Nghĩa là, có xứng đáng dành thời gian đến rạp không?
Và Chú ơi, đừng lấy mẹ con "chết ngắc" ở điểm này. Nội dung PR truyền miệng của bộ phim rất tệ. Khán giả bình luận trên fanpage hoặc phía dưới trailer của phim là tràn ngập lời chê và lời khuyên "không nên đi xem". Những người đưa ra lời nhận xét lấy lý do chất lượng phim tệ chứ không viện dẫn scandal đời tư.
Bởi thế, giả sử phim không vướng scandal thì PR truyền miệng vẫn sẽ làm đúng nhiệm vụ như nó đã làm trên thực tế. Doanh thu của phim có thể cao hơn 6 tỷ đồng.