Khi thấy tiếng động lạ trong phòng con, mẹ mở ra xem và sau sự việc ấy đã dẫn đến một chuyện đáng suy ngẫm.
Chia sẻ trên báo Người Đưa Tin, trường hợp bé Huy Hùng, con chị Tâm (ở Hà Nội). Người mẹ đưa con đến gặp bác sĩ vì một tháng trẻ không nói chuyện, không ăn cơm cùng gia đình, đi đâu cũng cúi đầu, không dám nhìn người khác.
Mẹ Huy Hùng cho biết, sự việc xảy ra cách đây khoảng 1 tháng, khi chị đi lên tầng 2, qua phòng con trai thì bỗng nghe âm thanh lạ bên trong. Nghĩ tới chuyện chẳng lành, chị Tâm đẩy cửa vào thì phát hiện con đang thủ dâm, trước mặt là chiếc điện thoại vẫn mở video “phim đen”.
“Khi đó tôi quá bất ngờ, giận dữ nên đã quát con: “Mày làm cái gì thế!” rồi lôi cháu vào phòng và tiếp tục mắng mỏ”, chị Tâm kể với bác sĩ.
Sau khi bị mẹ bắt tại trận và mắng chửi thậm tệ, Huy Hùng chỉ biết ngồi nghe và những ngày tiếp theo chàng thiếu niên xấu hổ không dám nhìn mặt ai trong gia đình. Đến bữa cơm, khi bố mẹ gọi xuống ăn, Hùng tự nhốt mình trong phòng, không ăn cùng mọi người. Cậu bé còn “cấm khẩu” không giao tiếp với bất kể ai, đi đâu cũng chỉ biết cúi mặt.
Những hành động này của con kéo dài suốt một tháng khiến vợ chồng chị Tâm lo lắng nên đã đưa con đi khám và trị liệu tâm lý khi năm học mới sắp bắt đầu.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách - Chuyên gia tư vấn, trị liệu tâm lý (Trung tâm Tâm lý lâm sàng DrMP) cho biết, trường hợp này nguyên nhân hoàn toàn là do mẹ cư xử chưa tế nhị và thấu đáo, đồng thời kiến thức của mẹ cũng rất hạn chế khi không hiểu được tâm lý lứa tuổi của con. Theo bác sĩ Bách, sau khi tiếp nhận, thăm khám và lắng nghe chia sẻ của nam sinh, chuyên gia đã hỗ trợ điều trị tâm lý lâm sàng bằng kỹ thuật tâm lý thôi miên tĩnh, ám thị vào rãnh não trẻ. Sau một thời gian điều trị, Huy Hùng đã dần ổn định tâm lý, quay trở lại cuộc sống bình thường.
Trẻ dậy thì, cần làm gì?
Theo Vinmec, nhiều bố mẹ cho rằng những thay đổi về tâm lý của trẻ ở tuổi dậy thì là điều đương nhiên và sẽ tự hồi phục khi qua độ tuổi này. Tuy nhiên, điều này không đúng vì những vấn đề ở thời điểm này nếu không được giải quyết có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý.
Ai cũng phải trải qua quá trình dậy thì, có thể chính bố mẹ cũng đã từng có quá trình dậy thì bùng nổ cảm xúc. Nên hãy hiểu cho tâm lý trẻ em tuổi dậy thì, chúng cần trải qua giai đoạn này để trưởng thành hơn, bạn hãy học cách để có thể hướng dẫn trẻ đi đúng hướng và cố gắng thật kiên nhẫn với trẻ hơn. Dưới đây là một số biện pháp giúp cha mẹ có thể giúp >trẻ dậy thì vượt qua được giai đoạn thay đổi tâm lý tuổi dậy thì:
Nếu bạn đã quên những gì có thể xảy ra ở giai đoạn dậy thì. Bạn cần học cách để hiểu được trẻ đang phải đối mặt với những gì trong giai đoạn này. Điều này sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn, thấu hiểu cho con mình hơn.
- Học cách bình tĩnh nói chuyện với trẻ: Làm cha làm mẹ là một điều gì đó rất tự nhiên, là bản năng nhưng thực tế để trở thành bố mẹ một cách tốt nhất thì chúng ta cũng cần học cách làm cha làm mẹ. Khi trẻ ở tuổi này trẻ có thể phản ứng một cách dữ dội khiến bạn cho răng trẻ hỗn láo, hư hỏng... bạn có thể sẽ đưa ra những lời mắng khiến trẻ càng phản ứng dữ dội hơn. Những lúc này, bạn hãy cố gắng bình tĩnh, hãy nhớ trẻ đang ở giai đoạn khủng hoảng. Nếu trẻ thực sự làm sai hãy giải thích hành động đó của trẻ là sai và phạt trẻ đúng quy định. Còn nếu trẻ không sai, bạn hãy vứt bỏ cái tôi của mình và xin lỗi trẻ nếu bạn đã tránh nhầm trẻ. Cố gắng nói chuyện với trẻ nhiều hơn, có thể hiểu hơn về những suy nghĩ và áp lực mà trẻ gặp phải.
- Trấn an và giải thích rõ những gì trẻ đang gặp phải: Một trong những việc quan trọng mà bố mẹ cần làm là trấn an và giải thích cho con hiểu rằng dậy thì là một trong những giai đoạn tự nhiên, khoảng thời gian rất kỳ diệu và cần thiết để trẻ có thể phát triển trưởng thành toàn diện. Ngoài ra, bố mẹ có thể dạy cho con những thay đổi trên cơ thể khi dậy thì để khi gặp phải trẻ không bị hoang mang và cần hướng dẫn trẻ để trẻ có các kỹ năng chăm sóc, bảo vệ bản thân khi cần thiết. Đặc biệt, nên giáo dục giới tính cho trẻ, vì giai đoạn này trẻ rất tò mò về điều đó.
- Cho trẻ không gian riêng tư: Cha mẹ cũng nên dành cho trẻ sự riêng tư phù hợp. Một nghiên cứu về tâm lý bé trai tuổi dậy thì cho thấy, trẻ nam đôi khi tìm hiểu cơ thể mình thông qua biện pháp thủ dâm, đây là điều hoàn toàn bình thường. Do đó, ba mẹ hay người lớn trong gia đình hãy tập thói quen gõ cửa trước khi vào phòng trẻ và tạo cho trẻ không gian riêng, không để những trẻ khác hay người lớn tự ý vào khi trẻ chưa đồng ý.
- Hãy dùng những lời nói tích cực để khen thưởng trẻ: Hãy tán dương những cố gắng, thành tích và cả những hành vi tích cực của trẻ. Đừng tiếc lời khen cho trẻ, đây là những vitamin cho tâm lý của trẻ, khiến trẻ cảm thấy vui vẻ hơn và suy nghĩ tích cực hơn.
- Định hướng hoặc giúp trẻ tránh xa những điều tiêu cực, văn hoá phẩm đồi trụy, giải thích những hành vi không đúng để trẻ hiểu được đúng sai hơn. Cố gắng khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, tập luyện thể dục thể thao...
- Dành nhiều thời gian cho con: Ai cũng có những công việc hay mối quan hệ riêng tư cần dành ra nhiều thời gian. Nhưng bạn cần biết giai đoạn này của con bạn cũng chỉ có 1 mà thôi, nếu bạn bỏ qua đến khi quá muộn thì việc uốn nắn trẻ sẽ khó hơn hoặc những vấn đề tâm lý đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ. Hãy cố gắng tạm gác vấn đề riêng tư hay công việc dành nhiều thời gian để ở bên, động viên con hơn.
- Nhận biết sớm những bất thường về tâm lý của trẻ: Giai đoạn này trẻ có thể dễ gặp các vấn đề về rối loạn tâm thần. Cha mẹ cần nhận biết sớm những vấn đề này để trẻ có thể được tiếp nhận điều trị sớm và tránh những sự việc đáng tiếc.
Nếu trẻ có những dấu hiệu dậy thì sớm hay dậy thì muộn cũng cần cho trẻ đi khám sớm để được có biện pháp điều trị hợp lý.