Để phát triển trí thông minh của con, cha mẹ nhất định đừng bỏ qua phương pháp "ngon bổ rẻ" này.
Từng có một câu chuyện có thật về hai đứa trẻ bị khiếm thính bẩm sinh, khi sinh ra đã không thể nghe được bất cứ âm thanh nào. Để giúp con, các bậc phụ huynh đã lựa chọn phương pháp cấy ghép điện cực ốc tai cho bé. May mắn thay, sau một năm, thính lực của cả hai cháu đều trở lại bình thường. Nhưng vài năm tiếp theo, số phận của hai đứa trẻ thay đổi một cách chóng mặt.
Một trong hai bé có trình độ ngôn ngữ tương đương với những đứa trẻ cùng tuổi, có thể diễn đạt rõ ràng những gì mình muốn nói và hiểu những gì người khác muốn diễn đạt. Nhưng một đứa trẻ khác, vì rào cản giao tiếp nên chỉ được học ở những trường đặc biệt. Điều này đã khiến Suskind, Giáo sư sản phụ khoa và nhi khoa tại Đại học Chicago (Mỹ) và giám đốc Dự án cấy ghép ốc tai điện tử cho trẻ em thấy khó hiểu.
Sau nhiều năm, bác sĩ nhận ra rằng dù có khuyết điểm bẩm sinh như nhau nhưng nhà đứa trẻ phát triển tốt ngôn ngữ có cha mẹ thường xuyên trò chuyện, trao đổi. Kể cả khi đứa trẻ còn nhỏ, dù con không thể hiểu được, hai vợ chồng vẫn sẽ nói chuyện với con mình. Ngược lại, gia đình đứa bé kia bố mẹ luôn lầm lì và không thích giao tiếp.
Trong cuốn tự truyện What do you care what other people think?, nhà Vật lý người Mỹ Richard Feynman đã đề cập tầm ảnh hưởng của cha đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. Khi Feynman còn bé, cha thường trò chuyện với ông bằng nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, khi đọc về một con khủng long cao 7,6 m trong cuốn Bách khoa toàn thư Britannica, người cha sẽ dừng lại và "bật chế độ nói chuyện" với Feynman.
"Con trai, hãy nghĩ xem điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là nếu con khủng long đứng trước sân, nó có thể thò đầu qua cửa sổ và gặp rắc rối vì đầu quá to"... Nhờ những lần trao đổi với cha, trí tò mò và óc sáng tạo của Richard Feynman dần được khơi dậy. Điều này cũng đặt nền móng, giúp ông trở thành một nhà khoa học vĩ đại.
Khi trẻ còn nhỏ, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, một số cha mẹ không thích nói chuyện với con vì họ cảm thấy rằng trẻ không thể hiểu được. Nhưng phụ huynh cần biết, ngôn ngữ là cách thể hiện trí thông minh của trẻ.
Năm 1995, nhà nhân chủng học người Mỹ Betty Hart và Todd R. Risley đã thực hiện cuộc khảo sát trong 2,5 năm đối với 42 gia đình thuộc nhiều thành phần kinh tế trong xã hội. Kết quả sau 4 năm nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có thu nhập thấp nghe ít hơn 30 triệu từ so với những đứa trẻ trong gia đình thu nhập cao.
Cụ thể, trẻ em thuộc các gia đình được hưởng phúc lợi xã hội nghe 616 từ mỗi giờ, trẻ thuộc gia đình tầng lớp lao động nghe khoảng 1.251 từ mỗi giờ. Trong khi đó, con của những gia đình thu nhập cao, làm việc chuyên nghiệp nghe khoảng 2.152 từ mỗi giờ. Chỉ số IQ của trẻ trong các gia đình bình thường là 79, trẻ thuộc gia đình giàu có là 117. Đến 10 tuổi, trẻ có vốn từ vựng lớn cũng biểu hiện tài năng tốt hơn.
Ngoài ra, hai nhà nghiên cứu phát hiện các gia đình thu nhập cao thường dành nhiều lời khen cho con cái. Trong khi đó, những đứa trẻ nghèo thường chịu đựng những lời tiêu cực từ cha mẹ, người thân.
Một đứa trẻ được sinh ra có 50 nghìn tỷ kết nối trong não. Khi giao tiếp với thế giới bên ngoài, nhiều khớp thần kinh sẽ được kết nối mạnh mẽ hơn. Đồng thời, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động não bộ của trẻ em trước 3 tuổi gấp đôi so với người lớn. Nói một cách đơn giản, sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái lúc này là để định hình lại não bộ của trẻ và thúc đẩy sự phát triển của não bộ.
Có nghĩa là, mặc dù bạn nói chuyện với trẻ, trẻ không trả lời bạn, nhưng não của trẻ đang ghi nhớ và hiểu. Đây là cách tốt nhất để phát triển trí não, tốt hơn cả việc đọc sách và chơi trò chơi.
Năm 2019, nhóm các giáo sư, nhà khoa học đến từ ĐH Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts và ĐH Pennsylvania cũng đã thực hiện nghiên cứu với hơn 30 trẻ em từ 4-6 tuổi ở thành phố Boston (Mỹ).
Sau quá trình quan sát hoạt động não và phân tích các đoạn ghi âm của trẻ, tương tác của cha mẹ, các nhà nghiên cứu phát hiện những trẻ nói chuyện với cha mẹ thường xuyên có vùng ngôn ngữ vận động phát triển mạnh mẽ hơn. Và ù ở địa vị xã hội nào, đứa trẻ được giao tiếp thường xuyên sẽ có kỹ năng ngôn ngữ nổi bật hơn.
Để tương tác, trò chuyện với trẻ đúng cách, cha mẹ cần nắm rõ 3 nguyên tắc: Gợi ý, lắng nghe, chờ đợi. Cụ thể, nhiều đứa trẻ thích đặt câu hỏi, cha mẹ có thể lắng nghe, sau đó đưa ra những gợi ý và chờ trẻ tự giải đáp thắc mắc của bản thân. Trong quá trình này, người lớn cần kiên nhẫn, không nên ngắt lời, dễ ảnh hưởng mạch tư duy của trẻ.