Không ai nghĩ rằng một chàng trai vừa thoát cửa tử, sống khổ sở với nửa thân trên, lại có thể vực dậy và xây dựng thành công một “đế chế nghị lực” để kiếm tiền.
Giữa năm 2018, bác sĩ xác định >Tô Đình Khánh (sinh năm 1993, hiện ở >TP.HCM) bị tắc động mạch máu ở bụng khiến máu không thể di chuyển xuống chân, buộc phải cắt bỏ đôi chân để có 50% cơ hội sống tiếp. Sau hai lần phẫu thuật cắt bỏ chân và xử lý phần đùi bị hoại tử, Khánh đã từng muốn tự tử.
Phương Anh: Biến cố ập đến với Khánh khiến anh mất đi đôi chân nhưng không biết điều gì đã khiến anh vực dậy sau biến cố ấy?
Tô Đình Khánh: Năm 2018, Khánh khi ấy 25 tuổi, đã xác định mình có thể chết bất cứ lúc nào. Khi đó, Khánh từng có ý nghĩ tự tử vì cú sốc này quá lớn khiến mình suy sụp. Nhưng sau một thời gian nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, Khánh lại mong được sống, được nhìn thấy bố mẹ và các em trưởng thành.
Kể từ khi gặp biến cố, Khánh nghĩ về tình yêu của cha mẹ, những người đã chăm sóc mình 25 năm. Tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó để báo đáp họ, không muốn họ sống vất vả, khổ sở.
Tôi không muốn chỉ vì mất đôi chân này mà khiến gia đình sa sút cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi đó tôi nghĩ mình vẫn còn khả năng kiếm được tiền vì còn cái đầu. Nếu chịu khó tìm tòi thì không có gì là không thể.
Đầu tiên Khánh cố gắng vực dậy, phải học cách chăm sóc bản thân mình trước, để ba mẹ đỡ khổ về mình. Sau đó, tôi muốn “đứng lên” tìm cách kinh doanh và cố gắng thay đổi suy nghĩ của mình cho bớt tiêu cực. Đằng nào cũng sống, tôi chọn một cuộc sống ý nghĩa, làm sao để bố mẹ vui và tự hào, dù bị cụt cả 2 chân.
Phương Anh: Sau khi vực dậy, anh có ý tưởng kinh doanh nào chưa hay phải đi tìm tòi?
Tô Đình Khánh: Trước khi cưa chân, Khánh đã có một ước mơ kinh doanh >thời trang. Vì biến cố, Khánh mất hơn một năm dừng lại để điều trị và phục hồi >sức khỏe. Lúc đó gia đình còn nợ rất nhiều, riêng nợ ngân hàng 400 triệu.
Nhiều khi Khánh cũng cảm thấy việc mất đi đôi chân đem lại nhiều khó khăn, khiến mình không thể chủ động và linh hoạt trong công việc. Nhưng Khánh cố gắng dùng cái khác để bù vào, đặc biệt là trí óc.
Trong kinh doanh, quan trọng nhất là tư duy và cách làm. Tôi nghĩ cái gì có thể bán được thì mình sẽ làm để kiếm một số vốn nhất định. Hai năm nay, tôi vẫn bán những loại thực phẩm chức năng nhập khẩu để thực hiện ước mơ đó, giờ đã gần thành hiện thực. Trong năm nay, Khánh dự định sẽ mở một thương hiệu thời trang riêng.
Để làm được như vậy, Khánh mất nhiều thời gian để tự tìm tòi, học cách quay dựng video và cách bán hàng trên mạng xã hội. Mới đầu mình chỉ đăng video cuộc sống thường ngày và truyền tải năng lượng tích cực, không ngờ được nhiều người quan tâm.
Đến nay, kênh Youtube của Khánh có gần 77.000 người đăng ký; trang Facebook cá nhân có hơn 60.000 người theo dõi, và 327.000 người theo dõi trên TikTok.
Phương Anh: Sau hai năm kinh doanh, anh thấy mình đã đạt được những gì khiến bản thân tự hào?
Tô Đình Khánh: Trong hai năm qua, điều Khánh cảm thấy tự hào nhất là mang lại giá trị cho khách hàng. Trên góc độ của người kinh doanh, bạn có thể bán sản phẩm nào cũng được, miễn là có tiền. Nhưng Khánh lựa chọn bán những thứ có lợi cho sức khỏe. Khi khách hàng thấy sản phẩm tốt, họ sẽ phản hồi, gửi lời khen, lời nhận xét tích cực, điều đó sẽ cho mình thêm nhiều năng lượng hạnh phúc. Hạnh phúc không phải vì kiếm được tiền của họ mà vì đem lại nhiều giá trị cho khách hàng.
Về kinh tế, việc đầu tiên Khánh làm được là trả nợ ngân hàng và những món nợ của bố mẹ, cho bố mẹ bớt suy nghĩ. Sau đó, Khánh cố gắng để điều kiện kinh tế tốt hơn, cha mẹ cũng đỡ vất vả và thoải mái hơn nhiều.
Mình không chỉ muốn tạo công ăn việc làm cho gia đình mình mà còn nhiều người khác nữa. Đó là niềm vui, là thành công của mình. Sắp tới, Khánh sẽ phát triển thêm mảng thời trang. Nếu ổn thì Khánh sẽ làm được nhiều thứ hơn cho cộng đồng.
Phương Anh: Giả sử có người nói khách hàng ủng hộ anh là vì sự thương hại. Anh sẽ phản ứng thế nào?
Tô Đình Khánh: Tôi chỉ cảm ơn họ thôi. Đọc những câu như “thương anh, ủng hộ anh bằng sự chân thành”, tôi sẽ vui vẻ đón nhận.
Thực tế có rất nhiều bình luận trên mạng xã hội nói lời cay nghiệt, như “thằng khuyết tật, chả làm được gì cho đời”. Theo suy nghĩ của Khánh, tư duy của những người đó chưa được như mình nên cũng không chấp họ. Với những lời nhận xét tiêu cực đó, Khánh sẽ đáp lại bằng những điều tích cực, trả lời một cách tử tế đàng hoàng, cho họ nghĩ khác đi hoặc để họ tự xem lại mình.
“Tôi không muốn giãy giụa phản kháng hay chứng minh điều gì cả, cũng không muốn làm họ tổn thương. Nếu tổn thương lại thì mình cũng có khác gì họ đâu. Những sân si, ích kỷ của người đời, Khánh thường xem nhẹ và tiếp tục làm việc của mình. Người tinh tường sẽ thấy được những gì Khánh làm mà không cần phải chứng minh. Theo quan điểm của Khánh, mình cứ sống tử tế, nhẹ nhàng với cuộc đời thì cuộc đời sẽ nhẹ nhàng với mình”.
Phương Anh: Có phải trải qua nhiều biến cố lớn khiến anh “chai lì” với những điều tiêu cực “nhỏ bé” đó không?
Tô Đình Khánh: Đúng vậy! Sự bình thản mà Khánh có được ở hiện tại là do những đau đớn đã qua. Hồi chưa gặp biến cố, Khánh cũng chưa nghĩ đến những vấn đề của cuộc sống. Khi đối mặt với cái chết, Khánh mới chiêm nghiệm và cảm nhận được cuộc sống này. Mình nghĩ phải sống nhẹ nhàng lại thì mới dễ dàng đón nhận những thử thách.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, không phải ai sinh ra cũng được đi trên con đường toàn hoa hồng. Khi trải qua những tổn thương, mất mát và nỗi đau, chúng ta sẽ có được bài học khiến mình mạnh mẽ hơn.
Bài học đầu tiên Khánh học được là sự “chấp nhận”. Khi hiểu được điều đó, mọi chuyện trong cuộc sống dù có khó khăn đến đâu thì cũng sẽ ổn định dần dần. Nếu cái nhỏ mình không vượt qua được thì đến lúc gặp cái lớn sẽ dễ bị chùn bước hoặc bỏ cuộc. Khánh biết điều này nên dễ dàng chấp nhận mọi thứ, kể cả những tổn thương về tình cảm, cuộc sống hay những rắc rối trong công việc.
Phương Anh: Có phải bài học “chấp nhận” và ứng xử “nhẹ nhàng” là một trong những yếu tố quan trọng giúp anh thành công trong kinh doanh?
Tô Đình Khánh: Trong kinh doanh, đôi lúc cũng xảy ra những sai sót hay trục trặc về đơn hàng. Khánh cũng thường xuyên áp dụng điều này để xử lý những đơn không mong muốn. Ví dụ khách hàng “bom” không nhận hàng, Khánh cũng chấp nhận, không mắng mỏ chửi bới mà chỉ lưu ý cho những đơn lần sau.
Nếu khách hàng hủy đơn do bận thì mình nhẹ nhàng hỏi lại, muốn tiếp tục nhận thì sẽ giao lại. Khánh không vì sự trục trặc lần đầu mà bỏ qua khách hàng đó. Tuy nhiên, nếu khách cố tình “bom” thì mình không bán cho họ nữa.
Từ trước đến nay, Khánh may mắn được mọi người tin tưởng, ủng hộ nên ít trường hợp xấu. Có thể mọi người biết Khánh khó khăn nên không nỡ làm điều gì gây ảnh hưởng đến mình.
Việc học cách chấp nhận và ứng xử nhẹ nhàng là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để thành công. Sản phẩm tốt mới là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công trong kinh doanh. Dù dịch vụ chăm sóc khách hàng có tốt đến mấy mà chất lượng sản phẩm không tốt thì không ai có thể ủng hộ lần sau. Có yêu quý bạn đến mấy thì họ cũng chỉ mua được một lần.
Chính vì vậy, Khánh luôn quan niệm phải bán sản phẩm đem lại giá trị cho khách hàng. Đó là bí quyết giúp Khánh đem về doanh thu từ 600 triệu đến hơn 1,2 tỷ đồng mỗi tháng.
Phương Anh: Chắc hẳn nhiều người sẽ bất ngờ với số doanh thu này. Đó có phải là kết quả của sự nỗ lực xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội không, thưa anh?
Tô Đình Khánh: Khách hàng thường biết đến Khánh qua những hình ảnh trên mạng xã hội. Các kênh Youtube, Facebook, TikTok của Khánh lúc nào cũng có nhiều năng lượng tích cực. Khánh luôn chia sẻ cuộc sống, những câu chuyện, chuyến thiện nguyện để mọi người thấy rằng: “Một người không chân như vậy mà còn vui vẻ, lạc quan. Những người bình thường khác có thể nhìn lại và sống có ý nghĩa hơn”. Sau những clip lan tỏa thông điệp ấy, Khánh rất bất ngờ khi được mọi người đón nhận và chia sẻ.
Khi bắt tay vào việc kinh doanh, Khánh may mắn tiếp tục được mọi người yêu quý và tin tưởng. Mạng xã hội lúc này trở thành phương tiện lý tưởng giúp Khánh tiếp cận khách hàng.
Việc chia sẻ cuộc sống và câu chuyện của Khánh chính là xây dựng thương hiệu cá nhân. Khánh luôn nỗ lực tạo dựng sự tin tưởng để có được sự ủng hộ của khách hàng.
Đối với Khánh, xây dựng thương hiệu cá nhân không khó vì mình chính là mình. Khánh vẫn luôn thể hiện tính cách, con người của mình, cả trong những >video clip truyền động lực, trong livestream bán hàng, hay ở ngoài đời, tất cả đều y chang, không thay đổi.
Mọi người thường hỏi tôi tại sao bán được nhiều hàng thế, tôi cũng chia sẻ với họ rằng hãy cố gắng xây dựng sự uy tín của mình trên mạng xã hội. Khi mọi người biết đến và tin tưởng mình, họ mới ủng hộ sản phẩm của mình. Thương hiệu cá nhân càng uy tín thì sẽ có nhiều cơ hội bán được lượng hàng lớn, doanh thu theo đó sẽ tăng cao.
Phương Anh: Công việc kinh doanh bận rộn như vậy, anh sắp xếp thời gian hoạt động cộng đồng thế nào?
Tô Đình Khánh: Việc kinh doanh Khánh đã có nhân viên và những người thân trợ giúp. Khánh chỉ cần livestream bán hàng vài tiếng một ngày.
Ngoài công việc này, Khánh cố gắng sao để cho bản thân mình tốt hơn. Thứ nhất là lan tỏa được năng lượng và nghị lực sống cho cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ, giúp họ cảm nhận tốt hơn về cuộc đời và trân trọng cuộc sống này hơn.
Khánh muốn thực hiện nhiều hơn các dự án thiện nguyện để chia sẻ và cho đi, giúp những người gặp bất hạnh có động lực để tiếp tục vươn lên. Có đi thì mới biết, ngoài xã hội còn nhiều người khổ cực hơn mình.
Đến nay, Khánh không nhớ mình đã hoạt động bao nhiêu chuyến thiện nguyện, chỉ mong mình có nhiều sức khỏe để tiếp tục giúp đời, giúp người, truyền cho mọi người động lực và nghị lực sống.
Phương Anh: Anh có lời khuyên nào cho một số bạn trẻ không? Khi những áp lực trong cuộc sống và học tập khiến họ bị chán nản, thậm chí nghĩ đến điều tiêu cực?
Tô Đình Khánh: Khi các bạn trẻ hay mọi người nghĩ đến điều tiêu cực thì chắc chắn có chuyện rất tệ xảy ra với họ. Nhưng một số bạn không có tính chấp nhận và bản lĩnh nên không làm chủ được mình.
Điều mà mình có thể khuyên đó là mọi người hãy rèn luyện cho mình thật dày dặn kỹ năng sống, rèn cho mình đức tính chấp nhận. Rèn cho mình sự bản lĩnh. Chỉ như thế mới giúp bản thân vững vàng hơn khi khó khăn hay biến cố xảy ra. Mà rèn những điều này ở đâu? Ở xung quanh chúng ta có hết.
Hãy 1 lần đến bệnh viện vào thăm các ca bệnh nhân đang cố gắng dành từng hơi thở để được sống. Sẽ thấy bản thân may mắn thế nào khi được khoẻ mạnh. Hãy 1 lần đi thăm các mái ấm trại trẻ mồ côi để thấy mình còn có một gia đình để trở về và bao bọc. Hãy cho phép bản thân được trải nghiệm cuộc sống này thật nhiều, để cho mình có thêm sức mạnh. Hoặc nếu các bạn đang thiếu động lực để sống thì có thể tìm đến Khánh vì ở nửa thân trên này có cả một “đế chế nghị lực”.
Phương Anh: Anh có muốn trở thành diễn giả truyền cảm hứng và nghị lực không? Giống như Nick Vujicic?
Tô Đình Khánh: Cuối năm 2019, Khánh mua vé tham dự diễn thuyết của Nick Vujicic và bắt xe đến một hội trường lớn ở quận Gò Vấp để nghe Nick diễn thuyết. Được gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp với Nick đã giúp Khánh nhận ra nhiều điều.
Quan trọng nhất, người khuyết tật không phải là những người tàn phế của xã hội, người khuyết tật vẫn có thể sống cuộc sống hạnh phúc khi họ biết chấp nhận và cố gắng thay đổi. Nick nói với tôi, tôi có thể làm được như anh ấy, chỉ cần tôi tự tin và cố gắng vươn lên để thay đổi cuộc sống.
Từ cuộc gặp gỡ với thần tượng, Khánh càng thêm có động lực và niềm tin vào cuộc sống. Tôi nhận ra bản thân còn đang được sống nghĩa là đang rất hạnh phúc rồi.
Hiện tại, Khánh cũng nhận được một số lời mời tham gia nói chuyện tại các sự kiện truyền động lực. Tôi luôn không ngừng cố gắng, học tập rèn luyện bản thân để có thể trở thành một người truyền cảm hứng sống tới mọi người. Đó là giá trị tôi muốn đóng góp cho cộng đồng và xã hội, trước đây, bây giờ và sau này.