Sau khi những tin nhắn nói xấu nhau được chụp lại và gửi qua Facebook, hai nữ sinh tại Tuyên Quang đã lao vào đánh nhau ngay trong lớp.
Công an tỉnh Tuyên Quang vừa có thông tin liên quan đến việc trên mạng xã hội lan truyền >video clip 02 nữ học sinh đánh nhau ngay tại lớp học gây xôn xao dư luận.
Theo đó, ngày 03/4, Công an xã Thái Hòa (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) nhận được tố giác của bà Trần Thị Tuyết (SN 1982, trú tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) về nội dung con gái là Hứa Minh Th. (SN 2005, hiện là học sinh trường THPT Thái Hòa, huyện Hàm Yên) bị các bạn cùng lớp đánh tại lớp.
Hình ảnh nữ sinh tại Tuyên Quang đánh nhau ngay trên lớp được ghi lại (Ảnh cắt từ clip).
Nhận được tin báo, Công an xã Thái Hoà đã nhanh chóng vào cuộc xác minh vụ việc. Theo đó, ngày 26/3, Hứa Minh Th. (SN 2005, học sinh trường THPT Thái Hoà) có nhắn tin nói chuyện với bạn (chưa xác định tên, địa chỉ) qua Messenger với nội dung nói xấu Lê Ngọc Nh. (bạn cùng lớp).
Đến ngày 02/4, toàn bộ nội dung tin nhắn đã được chụp màn hình điện thoại gửi cho Lê Ngọc Nh.
Khoảng 07 giờ sáng ngày 03/4, Th. và Nh. đã lao vào đánh nhau ngay tại lớp học của trường THPT Thái Hoà.
Thấy có xô xát, em Sầm Thị Thu H., là học sinh lớp bên cạnh vào can ngăn cũng bị Th. đánh lại. Hậu quả của vụ xô xát khiến cả 03 học sinh đều bị thương tích phần mềm. Sau khi sự việc xảy ra, Công an xã Thái Hòa đã tiến hành lập hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định.
Vụ xô xát trên lớp khiến cả 3 nữ sinh bị thương (Ảnh cắt từ clp).
Theo cơ quan công an, >bạo lực học đường ngày càng phổ biến, gia tăng về mức độ và tính chất nghiêm trọng, được đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận.
Đây là thực trạng đáng báo động, đòi hỏi gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, giáo dục học sinh.
Cần tăng cường trao đổi thông tin, quan tâm đến các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; nắm bắt tâm tư, tình cảm và diễn biến tâm lý của học sinh hằng ngày, nhất là ở trên môi trường mạng internet để kịp thời hóa giải những khúc mắc, va chạm nhỏ, không để nảy sinh thành mâu thuẫn lớn.
Bạo lực học đường không chỉ tác động tiêu cực tới môi trường học đường mà còn gây phức tạp tình hình an ninh trật tự khi những đối tượng “anh chị” trong trường học có thể trở thành tội phạm vị thành niên bất cứ lúc nào.