“Nếu em nhớ không nhầm thì từ trước đến nay, trong pencak silat chưa có ai thực hiện được đòn đánh đó hết”, võ sĩ Nguyễn Hoàng Hồng Ân nhớ lại khoảnh khắc lật ngược tình thế để thắng knock-out đối thủ Indonesia.
ĐÒN ĐÁNH NGHÌN LẦN CÓ MỘT
"Thực hiện thành công đòn này là nghìn lần có một. Và thật may mắn khi lại rơi vào đúng trường hợp của Hồng Ân. Khoảnh khắc võ sĩ Indonesia đập tay, cô ấy đã ra hiệu nhận thua rồi", HLV Nguyễn Bá Trình của đội tuyển pencak silat Việt Nam nói về đòn đánh mang về tấm huy chương vàng >SEA Games 32 của học trò.
Khoảnh khắc >Nguyễn Hoàng Hồng Ân tưởng như sắp thua cuộc nhưng đã lật ngược thế cờ khi trận đấu chỉ còn 18 giây để giành chiến thắng, các CĐV Việt Nam có mặt tại nhà thi đấu Chroy Changvar (Campuchia) vỡ òa trong vui sướng.
Tuy nhiên, không ai ngờ rằng đòn đánh ấy sau đó lại dẫn đến một sự việc hiếm thấy trong lịch sử SEA Games.
Câu chuyện diễn ra ở trận chung kết hạng 50-55kg nữ môn pencak silat, nơi Nguyễn Hoàng Hồng Ân đối đầu với võ sĩ Safira Dwi Meilani của Indonesia.
Trước đối thủ đến từ quê hương của môn võ pencak silat và từng vô địch thế giới, võ sĩ Việt Nam mới lần đầu dự SEA Games gặp phải rất nhiều khó khăn. Hồng Ân liên tục bị đối phương dẫn trước và tưởng như đã phải chịu thất bại.
Tuy nhiên khi đang bị dẫn tới 43-61 và hiệp đấu cuối cùng chỉ còn 18 giây, võ sĩ Việt Nam có một pha bẻ khóa tay đẳng cấp và được trọng tài tuyên bố giành chiến thắng knock-out.
"Nếu em nhớ không nhầm thì từ trước đến nay, trong pencak silat chưa có ai làm được đòn đánh đó hết. Đó cũng thực sự là một đòn bất ngờ, bản thân em cũng không nghĩ mình chiến thắng được bằng một pha đánh khó đến như vậy. Nói chung may mắn cũng rất nhiều.
Lúc đó em cũng nghĩ bây giờ đánh ăn điểm cỡ nào cũng không lại được, nhưng mình vẫn phải quyết tâm chiến đấu. Đồng thời, HLV cũng chỉ đạo em cố gắng để hạ knock-out đối thủ thì mới thắng được. Đây cũng là luật mới, chỉ cần đối phương kêu lên hoặc đập tay xin dừng là mình thắng knock-out rồi", Hồng Ân kể lại trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Nữ võ sĩ 20 tuổi tường thuật lại chi tiết: "Do đối thủ bị chấn thương vai trước rồi nên em canh khi áp sát nhau để ra đòn. Quan sát thấy đối thủ áp sát, em giữ tay họ lại ngay chỗ áo giáp, rồi thực hiện đòn bẻ ngược khớp.
Đối thủ bị chấn thương trước rồi nên dính đòn đó lại càng đau. Em vừa bẻ chút xíu thì võ sĩ Indonesia hét lên khá to. Mình thấy vậy cũng buông ra, sợ rằng bạn ấy sẽ bị chấn thương nặng.
Lúc đó dù biết là thắng rồi nhưng thực sự em cũng hơi hoảng, bất ngờ vì mình đã có huy chương vàng. Đòn đánh đó cũng là lần đầu tiên em thực hiện nên bản thân cũng hơi sợ một chút, không biết mình có phạm luật hay không".
NÍN THỞ CHỜ KẾT QUẢ CHUNG CUỘC VÀ CÁI KẾT BẤT NGỜ
Sau khi Nguyễn Hoàng Hồng Ân được tuyên bố giành chiến thắng, đội pencak silat Indonesia tỏ ra bức xúc và đã gửi khiếu nại lên ban tổ chức. Bầu không khí tại nhà thi đấu trở nên căng thẳng với tranh cãi này. Thậm chí suýt chút nữa đã xảy ra va chạm giữa hai bên.
Ban đầu, trọng tài giữ nguyên kết quả. Tuy nhiên sau ít phút, phán quyết bị thay đổi. Tổ trọng tài quyết định đảo kết quả trận đấu, quyết định huy chương vàng thuộc về võ sĩ Indonesia.
Trước diễn biến khó lường trên, đến lượt đoàn Việt Nam đã gửi đơn khiếu nại. Và cuối cùng, tin vui đã đến đội pencak silat Việt Nam khi chiến thắng được công nhận cho Nguyễn Hoàng Hồng Ân. Đây cũng chính là tấm huy chương vàng mở hàng cho pencak silat Việt Nam tại SEA Games 32, giúp đội xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ với 4 huy chương vàng chung cuộc.
Tuy nhiên mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Ban tổ chức quyết định cũng trao huy chương vàng cho Safira Dwi Meilani. Võ sĩ Indonesia sau đó cùng Hồng Ân đứng trên bục cao nhất để nhận huy chương vàng. Việc xử cả hai võ sĩ cùng chiến thắng trong một trận đấu đối kháng cũng là điều hiếm thấy trong lịch sử đại hội.
Nhớ lại những diễn biến bất ngờ liên tục xảy đến trong ít giờ, Nguyễn Hoàng Hồng Ân không khỏi bồi hồi. Nữ võ sĩ quê TP.HCM kể lại:
"Em được đưa đi kiểm tra doping ngay sau khi kết thúc trận đấu. Trong thời gian đó, em cầm điện thoại cập nhật thông tin thì thấy có rất nhiều bài viết trên mạng nói mình bị tước huy chương vàng.
Thực sự tâm trạng lúc đó cũng hơi tệ, tâm lý hoang mang, không biết tấm huy chương vàng có thuộc về mình hay không. Chỉ đến khi chính thức chốt lại kết quả mình mới hết lo sợ. Lúc ấy thực sự mới dám vui. Trước đó, mẹ em đã phải an ủi rất nhiều để em bình tâm lại và chờ đợi kết quả cuối cùng".
Hồng Ân nói tiếp: "Sau khi kiểm tra doping xong, HLV cũng có báo tin cho em về việc cả hai võ sĩ cùng được trao huy chương vàng.
Đến lúc lên nhận huy chương, thấy cảnh đó thì các bạn nước khác cũng có vẻ khá bất ngờ. Còn cá nhân em thấy kết quả đó cũng ổn. Em cũng không quá buồn khi hai VĐV cùng được huy chương vàng, bởi theo khả năng của võ sĩ Indonesia thì họ cũng xứng đáng".
GIẤC MƠ CON TRẺ VÀ Ý CHÍ KHÔNG TỪ BỎ
Trong lần đầu tiên tham dự SEA Games, Nguyễn Hoàng Hồng Ân dù khiêm tốn nhưng vẫn tự đặt mục tiêu lọt vào chung kết. Và rồi tới khoảnh khắc được nhận huy chương vàng, khoác quốc kỳ trên vai và hát vang quốc ca, nữ võ sĩ 20 tuổi không kìm được xúc động. Sau gần 10 năm trời xa nhà, tập luyện vất vả, cuối cùng quả ngọt cũng đến với Hồng Ân.
"Khoảnh khắc được đứng trên bục cao nhất và hát quốc ca, cả người em như run lên. Ngày xưa, thấy con đi tập phải xa nhà nhiều, lo con vất vả nên ba mẹ cũng khuyên em về nhà tiếp tục đi học văn hóa như bạn bè đồng trang lứa.
Tuy nhiên từ bé em đã ước ao có một ngày được như các anh chị lớn, được đứng trên bục nhận huy chương vàng và hát quốc ca. Vì thế em thuyết phục ngược lại ba mẹ cứ yên tâm rằng con chịu đựng được.
Và ngay trong lần đầu tiên dự SEA Games, em đã thực hiện được ước mơ của mình. Thực sự đó là một cảm xúc tự hào đến mãnh liệt. Cảm giác người mình như không thể đứng vững nổi", Hồng Ân xúc động nhớ lại.
Trải lòng với chúng tôi, Hồng Ân cho biết với bản tính hiếu động từ nhỏ, nữ võ sĩ này đã thích thú với việc được đi học võ. Từ việc chỉ đi học võ cổ truyền để rèn luyện >sức khỏe, cô bé hơn 10 tuổi được chuyển hướng theo pencak silat và dần có được những bước tiến.
Tuy vậy, Hồng Ân cũng không ngần ngại thừa nhận đã có lúc nghĩ đến việc từ bỏ. Thế nhưng nữ võ sĩ này cũng nhanh chóng gạt đi những khó khăn để bước tiếp trên con đường mình đã chọn.
"Em chưa bao giờ bị chấn thương nặng, nhưng cũng đã có những lúc mình thấy nản. Đó là khi tập luyện mệt mỏi quá, hoặc thất bại tại một giải đấu mà mình đặt kỳ vọng rất nhiều. Lúc ấy, em lại tự hỏi trong đầu liệu mình có đi tiếp trên con đường này được không, có đạt được thành tích như mong đợi không?
Thực sự trong đầu mình cũng đã nghĩ đến việc từ bỏ. Tuy nhiên cũng may em chỉ buồn trong đêm đó thôi. Sang ngày hôm sau mình lại gạt bỏ được những suy nghĩ nặng nề để quyết tâm trở lại. Gia đình cũng luôn động viên em và là động lực để em cố gắng. Bản thân em cũng rất vui khi thấy ba mẹ tự hào về mình sau thành tích vừa qua".
Kết lại cuộc trò chuyện bằng những chia sẻ về mục tiêu tương lai của mình, nữ võ sĩ 20 tuổi nhấn mạnh thành tích ở SEA Games 32 sẽ chỉ là bước khởi đầu để vươn mình ra những sân chơi lớn hơn.
"Thành tích này có thể coi là bước đệm để em tiếp tục cố gắng hơn, để được các thầy tin tưởng hơn và tiếp tục trao cơ hội ở những giải đấu lớn hơn. Mục tiêu của em luôn là tiến về phía trước, cố gắng ở các giải lớn hơn, lớn hơn nữa.
Trong quá trình tập luyện căng để chuẩn bị vào giải, mệt mỏi, áp lực, khó khăn là điều tất nhiên nhưng mình cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Em sẽ theo đuổi pencak silat và con đường này khi nào không còn sức đánh nữa mới thôi (cười)", Hồng Ân hóm hỉnh trả lời.